Đa dạng hóa các hình thức thu thập thông tin để quản lý rủi ro
Tổng cục Thuế đã thu thập dữ liệu từ các nguồn thông tin trong ngành như dữ liệu tờ khai thuế, báo cáo tài chính… để xây dựng các bộ chỉ số tiêu chí lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra; phân loại hoàn thuế; hóa đơn và chuyển quản lý dữ liệu sang cơ chế quản lý tập trung (dữ liệu về thuế được chuyển từ các địa phương về cơ quan Tổng cục Thuế).
Việc phân tích dữ liệu tập trung đã mang lại hiệu quả cao trong quản lý thuế như tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro. Điển hình như việc đối chiếu hóa đơn điện tử với tờ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT). Đến ngày 30/12/2023, số thuế GTGT đầu ra người nộp thuế đã thực hiện kê khai bổ sung là hàng nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, ngành thuế đã thu thập thông tin thuộc Quy chế phối hợp giữa cơ quan thuế và các cơ quan, tổ chức bên ngoài.
Ngành Thuế đã ký kết 11 quy chế, thảo thuận trao đổi thông tin với các Bộ, ngành. Chẳng hạn, Tổng cục Thuế đã thu thập từ Bộ Thông tin và Truyền thông về các chủ thể cung cấp dịch vụ viễn thông, quảng cáo trên mạng; các sản phẩm, dịch vụ phần mềm; các sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số và các sản phẩm, dịch vụ thông qua các nền tảng số trong nước và xuyên biên giới.
Tổng cục Thuế thu thập thông tin từ Bộ Công Thương về sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử.
Ngành thuế thu thập thông tin từ ngân hàng giao dịch thanh toán xuyên biên giới trong thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam...
Các thông tin thu thập từ bên ngoài không chỉ giúp ngành thuế giảm các thủ tục hành chính, mà còn giúp cơ quan thuế nâng quản lý rủi ro, nâng cao mức độ tuân thủ của người nộp thuế.
Qua công tác thu thập thông tin từ bên ngoài giúp cơ quan thuế phát hiện các tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập nhưng không thực hiện nghĩa vụ đăng ký thuế, kê khai thuế hay không khai báo đầy đủ, chính xác nghĩa vụ thuế phải nộp.
Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, Tổng cục Thuế sẽ tổ chức dữ liệu, phân tích rủi ro, trong đó có sử dụng phương pháp học máy - áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế theo rủi ro đối với hoạt động thương mại điện tử.
Ngành thuế đã trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử gồm: tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn.
Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hằng quý, bằng phương thức điện tử, qua cổng thuông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Từ những dữ liệu này, cơ quan thuế rà soát, đưa ra danh sách người có nghĩa vụ thuế nhưng không kê khai, đối chiếu doanh thu thực tế trên sàn với doanh thu kê khai với cơ quan thuế.
Từ năm 2016, cơ quan thuế đã áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Công tác quản lý rủi ro được thực hiện qua các bước: nhận diện rủi ro, đánh giá các rủi ro; phân tích hành vi; xác định các biện pháp xử lý rủi ro; lập kế hoạch triển khai.
Thông tin từ báo chí, tổ chức, cá nhân phản ánh cũng là một trong những nguồn thông tin để cơ quan thuế nhận diện rủi ro.
Cơ quan thuế đã ký nhiều hiệp định thuế với các cơ quan thuế nước ngoài về trao đổi thông tin. Với các thông tin được trao đổi, cơ quan thuế Việt Nam xác định được các rủi ro tiềm tàng cũng như đề nghị các cơ quan thuế nước ngoài xác minh các doanh nghiệp nước giao dịch với doanh nghiệp Việt Nam.
Cơ quan thuế Việt Nam đã thu thập các thông tin về doanh nghiệp nước ngoài để xác định công ty đó có tồn tại không; tránh các rủi ro về tạo lập công ty ma ở nước ngoài, chiếm dụng tiền hoàn thuế.
Hiện tại, nhiều cá nhân, tổ chức xây dựng hệ thống thu thập thông tin để cung cấp cho các cơ quan, tổ chức có nhu cầu. Để phát hiện các rủi ro dẫn đến thất thoát thuế, cơ quan thuế cần thu thập thông tin từ các tổ chức này. Đơn cử như thông tin về chuyển giá. Với các thông tin này, cơ quan thuế sẽ phát hiện và thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
Cần đẩy mạnh chuyển đổi số, đồng bộ dữ liệu với ngành thuế
Theo Tổng cục Thuế, nhiều thông tin thu thập được vẫn ở dạng văn bản, chưa được chuyển sang dạng điện tử. Do đó, cơ quan thuế mất nhiều thời gian xử lý, đưa lên hệ thống.
Vì vậy, Chính phủ cần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng cổng thông tin quốc gia, các ban, ngành và ngành thuế cần đồng bộ dữ liệu để khai thác điện tử, tự động.
Để bổ sung nguồn thông tin phục vụ công tác quản lý thuế và phân tích rủi ro, cơ quan thuế và các đơn vị liên quan cần thường xuyên rà soát quy chế, quy định, kịp thời sửa đổi để thu thập thông tin điện tử.
Đối với ngành thuế, sự hạn chế về kỹ năng thu thập, xử lý thông tin, phân tích dữ liệu của một bộ phận cán bộ, công chức còn làm ảnh hưởng đến chất lượng thông tin. Cụ thể: thông tin chậm, chưa đầy đủ; nội dung thông tin còn sơ sài, chất lượng thấp, thiếu tính tổng hợp… Do đó, đội ngũ cán bộ, công chức được phân công công tác thu thập thông tin cần phải được đào tạo thường xuyên.
Với yêu cầu thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu lớn phục vụ phân tích rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ của người nộp thuế, dữ liệu cần tập trung và được quản lý tại cấp Tổng cục Thuế. Do đó, ngành thuế cần xây dựng một đơn vị có đủ chức năng, thẩm quyền, địa vị pháp lý để thực hiện thu thập, xử lý dữ liệu, phân tích rủi ro, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tuân thủ đối với người nộp thuế./.