Tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Việt Nam có thể đạt 6,71%

(BKTO) - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa cho biết, nếu giữ vững đà tăng trưởng như hiện tại, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Việt Nam có thể đạt 6,71%, cao hơn so với con số 6,67% do chính cơ quan này dự báo cách đây ba tháng.



Kinh tế có nhiều điểm sáng

Báo cáo của CIEM tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam: Cải cách và triển vọng trong một thế giới nhiều biến động" cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7,08%, mức cao nhất trong cùng kỳ kể từ năm 2011. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phục hồi rõ rệt, tăng 3,99% trong quý II và 3,93% trong 6 tháng. Tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 8,46% với điểm sáng là tăng trưởng cao của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm sự phụ thuộc vào khu vực khai khoáng. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ đạt 7,3% - mức cao nhất trong cùng thời kỳ kể từ năm 2010.

Cán cân thương mại đạt thặng dư 671 triệu USD trong quý II và gần 3,4 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng tăng 3,29%; lạm phát cơ bản vẫn ổn định ở mức thấp, trung bình tăng 1,35% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11% trong quý II và 10,1% trong 6 tháng. Tỷ lệ đầu tư so với GDP trong quý II đạt 33,6%, trong đó, vốn đầu tư gia tăng nhanh ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước (so với các khu vực khác).

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm không dựa vào mở rộng tiền tệ. Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư. Tăng trưởng kinh tế chưa kéo theo áp lực lạm phát theo chu kỳ do ít có tác động của việc mở rộng chính sách tiền tệ và tài khóa. Lạm phát tăng là do chi phí đẩy chứ không phải do tiền tệ hay tổng cầu.

Thêm nữa, số lượng DN mới gia nhập thị trường trong 6 tháng tiếp tục tăng. Cả nước có 64.531 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 648.967 tỷ đồng, tăng 5,3% về số lượng DN và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) - dư địa để nền kinh tế nước ta ứng phó với các cú sốc bất lợi đã được cải thiện đáng kể. Dư địa điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng đã tăng so với giai đoạn trước năm 2012 sau vài năm kiên định chính sách tiền tệ thận trọng và lãi suất ổn định. Áp lực nợ công đã giảm so với 2 năm trước. Đà tăng trưởng kinh tế đang được duy trì, Việt Nam tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng chưa quá "nóng" do tốc độ tăng GDP chưa vượt quá xu thế trong 2 quý liên tiếp. …

Từ những phân tích trên, CIEM dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Việt Nam có thể đạt mức 6,71%, tăng trưởng xuất khẩu cả năm ở mức 12,11%, thặng dư thương mại ở mức 1,2 tỷ USD, lạm phát bình quân đạt 3,93%...

Ông Dương cho biết, những dự báo tích cực này dựa trên cơ sở sự cải thiện môi trường kinh doanh, tái cơ cấu kinh tế cùng với việc ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ từ những quý trước. So với những lần "khủng hoảng" trước, Việt Nam đã có thêm kinh nghiệm và bình tĩnh hơn để ứng phó với những tác động bất lợi từ biến động của nền kinh tế thế giới. Kết quả này sẽ giúp giảm được áp lực tới việc điều hành kinh tế vĩ mô cho Chính phủ trong 6 tháng cuối năm.

Ưu tiên cải thiện kinh tế vĩ mô và đổi mới thể chế

Mặc dù sức chống chịu của nền kinh tế nước ta đang tốt lên, đà tăng trưởng kinh tế được duy trì, nhưng theo ông Dương, mức độ chuyển biến về chất lượng tăng trưởng vẫn chưa rõ nét; áp lực lạm phát còn hiện hữu. 6 tháng cuối năm, nền kinh tế có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn biến khó lường, các tranh chấp địa chính trị vẫn hiện hữu ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở châu Á - Thái Bình Dương. Lộ trình tăng lãi suất ở Mỹ có thể bất định hơn, việc phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do có thể cũng có tác động nhất định tới nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc phát triển mô hình kinh tế chia sẻ cũng sẽ mang đến nhiều cơ hội và rủi ro đối với nền kinh tế nước ta. Theo đó, sự phát triển của mô hình này sẽ làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, xung đột lợi ích giữa người mua và người bán, cạnh tranh không công bằng và thách thức trong việc yêu cầu DN thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính…

Ông Dương cho rằng, để đạt được những con số trên, Việt Nam phải đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh và hoạt động của DNNN; đồng thời, tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô. Song cách thức ứng phó với biến động phải linh hoạt hơn chứ không chỉ dựa vào công cụ tiền tệ, đặc biệt là tỷ giá. Đồng thời, Chính phủ không nên điều chỉnh tiền lương vào năm 2019 làm tăng chi phí cho họ mà nên hỗ trợ DN. Ông Dương khuyến nghị, để ứng phó với những tác động bất lợi từ những diễn biến kinh tế thế giới, điều quan trọng là chúng ta không nên vì căng thẳng thương mại giữa các siêu cường mà nghiêng về song phương với đối tác lớn nào, thay vào đó, cần tiếp tục ủng hộ cơ chế thương mại đa phương.

Theo ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM - dù nền kinh tế đang tăng trưởng nhưng để duy trì và thúc đẩy đà tăng trưởng này trong thời gian tới, Việt Nam cần ưu tiên cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.

MINH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 31 ra ngày 02/8/2018
Cùng chuyên mục
  • Thủ tướng yêu cầu xây dựng khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá tái cơ cấu
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Nhấn mạnh nếu không tái cơ cấu thì sẽ tiếp tục tụt hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình; hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành xây dựng bộ chỉ tiêu chi tiết giám sát, đánh giá cho từng đề án được giao quản lý, tổ chức thực hiện, “chứ không nói chung chung”...
  • Thủ tướng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trong 2 ngày 31/7 và 01/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 7/2018.
  • Kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô là dịp quan trọng để TP. Hà Nội tổng kết toàn diện, sâu sắc những thành tựu to lớn và các bài học kinh nghiệm cần rút ra trên chặng đường 10 năm qua để từ đó tiếp tục mạnh mẽ hướng tới tương lai xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp-hiện đại-văn minh.
  • Chưa tìm được tiếng nói chung trong đàm phán lương tối thiểu vùng năm 2019
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Đây là kết quả được công bố tại Phiên họp lần thứ hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia nhằm thương lượng phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2019 diễn ra sáng nay (26/7), tại Hà Nội.
  • Thủ tướng làm việc với Ban Kinh tế Trung ương
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương, chiều 23/7, tại Ban Kinh tế Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đồng chủ trì buổi làm việc về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 và trao đổi một số chính sách, giải pháp lớn nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
Tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Việt Nam có thể đạt 6,71%