Tăng trưởng tín dụng phải trông chờ sức hấp thụ vốn của nền kinh tế

(BKTO) - Về phía các ngân hàng khẳng định, vốn không thiếu thậm chí đang rất dư thừa. Chưa có lúc nào lãi suất cho vay lại thấp như lúc này. Nhưng để đẩy nguồn vốn cho nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng, vấn đề không chỉ nằm ở công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hay room tín dụng mà còn nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

tin-dung.jpg
Các ngân hàng đã và đang tiếp tục hạ lãi suất cho vay cá nhân, doanh nghiệp góp phần tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế.

Mặt bằng lãi suất đang ở mức rất thấp, ngân hàng đang nỗ lực để tăng trưởng tín dụng

Theo báo cáo của Trung tâm phân tích nghiên cứu MSB, ngày 05/12, lãi suất chào bình quân LNH VND đi ngang ở kỳ hạn qua đêm trong khi giảm 0,01 – 0,04% ở các kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần, tăng 0,04% ở kỳ hạn 1 tháng.

Cụ thể, lãi suất qua đêm giao dịch mở mức rất thấp 0,20%; 1 tuần 0,34%; 2 tuần là 0,57% và 1 tháng 1,09%. Trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN. Có 5.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong phiên 05/12. Như vậy, NHNN bơm ròng 5.000 tỷ đồng ra thị trường, đưa số tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 5.000 tỷ đồng.

Nhìn lại hoạt động trên thị trường mở, sau 35 phiên phát hành liên tiếp với tổng quy mô 360.345 tỷ đồng, NHNN đã dừng hoạt động chào bán tín phiếu từ ngày 09/11 và bơm trả lượng lớn thanh khoản cho hệ thống ngân hàng khi các lô tín phiếu cũ lần lượt đáo hạn.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, lượng tín phiếu đáo hạn đã góp phần hỗ trợ lãi suất liên ngân hàng giảm sâu trong những tuần qua. “Việc NHNN ngừng phát hành tín phiếu diễn ra trong bối cảnh áp lực tỷ giá USD/VND đã giảm bớt kể từ đầu tháng 11. Kết quả, lượng lớn thanh khoản đã quay trở lại hệ thống đã đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh trong các phiên vừa qua”, CTCK MBS nhận định.

Bên cạnh lượng lớn tín phiếu đáo hạn, thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa cũng do tình trạng tăng trưởng tín dụng ở mức thấp dù ở giai đoạn cao điểm cuối năm - trái ngược với diễn biến các năm trước.

Số liệu của NHNN cho thấy, tính đến ngày 23/11, dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12 năm ngoái. Mức tăng trưởng thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm (14-15%) dù NHNN đã triển khai quyết liệt rất nhiều giải pháp, hệ thống TCTD cũng quyết liệt hỗ trợ khách hàng, tăng cường tìm kiếm bạn hàng mới...

Tăng trưởng tín dụng thời gian qua thấp được giới chuyên môn chỉ ra chủ yếu do nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, quá trình phục hồi còn chậm nên nhu cầu tín dụng giảm và sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu… Ngay cả trong hệ thống TCTD, mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều. Một số TCTD tăng trưởng khá cao, một số TCTD tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm.

Do đó, để kịp thời linh hoạt điều hành, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ nhu cầu vốn cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, ngày 29/11/2023, NHNN đã có văn bản gửi các TCTD thông báo mức tăng trưởng tăng thêm cho các TCTD công khai, minh bạch theo các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể.

Theo đó, các TCTD có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên thêm cho những TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua. “Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN và các TCTD không cần thiết phải đề nghị hoặc xin bổ sung” - NHNN cho hay.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam, việc NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là động thái quan trọng để điều chuyển dòng vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu tránh ứ đọng vốn.

Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank - cho biết, sau quyết định phân bổ lại tín dụng NHNN, TPBank được tăng thêm 5%. Hiện room tín dụng để cho vay các doanh nghiệp và người dân rất lớn. Ngân hàng đã và đang tiếp tục hạ lãi suất cho vay cá nhân, doanh nghiệp. Ngân hàng sẽ duy trì các gói vay tập trung doanh nghiệp xây lắp, trang thiết bị y tế, dược phẩm, viễn thông, điện lực, nhà thầu xây lắp khu công nghiệp...

Nhằm san sẻ những khó khăn về nguồn vốn với khách hàng cũng như góp phần phục hồi kinh tế, hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững, dài hạn, Sacombank triển khai nguồn vốn mới tăng tốc sản xuất kinh doanh 10.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp với lãi suất 3%/năm kỳ hạn 1 tháng, 4%/năm kỳ hạn 2 tháng, từ 5%/năm kỳ hạn 3 tháng, từ 5,5%/năm kỳ hạn 4 - 12 tháng, gói vay triển khai đến hết ngày 31/01/2024. Đối với gói 1.000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh trung dài hạn và mua xe ô tô dành cho doanh nghiệp, Sacombank điều chỉnh giảm lãi suất cố định trong 12 tháng còn 8%/năm, gói vay triển khai đến hết ngày 31/12/2023.

Bên cạnh đó, đối với khách hàng cá nhân, Sacombank điều chỉnh giảm lãi suất gói 15.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn chỉ từ 6%/năm kỳ hạn 1 - 3 tháng, 6,5%/năm kỳ hạn 4 - 6 tháng, triển khai đến hết ngày 31/01/2024.

Đối với gói 10.000 tỷ đồng phục vụ đời sống, Sacombank điều chỉnh giảm lãi suất cố định trong 6 tháng đầu xuống còn 6,5%/năm hoặc cố định trong 12 tháng đầu 7,5%/năm, triển khai đến hết ngày 31/12/2023. VIB cũng thông báo triển khai gói tín dụng với lãi suất chỉ 5,5%/năm cho nhu cầu vay vốn kinh doanh..

Về phía các ngân hàng khẳng định, vốn không thiếu thậm chí đang rất dư thừa. Chưa có lúc nào mà lãi suất cho vay lại thấp như lúc này. Nhưng để đẩy nguồn vốn cho nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng, vấn đề không chỉ nằm ở công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hay room tín dụng mà còn nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

“Làm ngân hàng, nhất là NHTM thì ai cũng thích cho vay, không cho vay được là thất nghiệp. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, tất cả các phân khúc khách hàng đều bị ảnh hưởng nên giải ngân tín dụng là bài toán khó”- lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ.

Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) đồng tình cho rằng, đứng trước tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp như hiện nay, các TCTD không kém phần sốt ruột bởi họ phải huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền, nên việc không cho vay được thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập. Vì lẽ đó, hơn ai hết, các TCTD đều đang nỗ lực để tăng trưởng tín dụng, đưa vốn tín dụng trở lại thị trường.

Thực tế cho thấy, khi thị trường nước ngoài giảm sút, tổng cầu trong nước và thế giới đều giảm, doanh nghiệp không có đơn hàng, co cụm lại, không những không vay vốn mà khi bán được hàng tồn kho họ còn trả lại tiền cho ngân hàng. Những người có khả năng vay và trả thì không có nhu cầu, bởi nếu vay vốn sản xuất mà để tồn kho thì rất nguy hiểm. Chính vì vậy, đối với những khách hàng tốt, các NHTM “tranh nhau để cho vay”, nhưng cũng có những nhóm khách hàng cần phải thận trọng để để phòng ngừa rủi ro.

Tăng trưởng tín dụng không đồng nghĩa với việc nới lỏng điều kiện cho vay bằng mọi giá

Tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn thấp trong bối cảnh chính sách tín dụng không có gì thay đổi, thậm chí lại đang rất mở. Chẳng hạn như NHNN ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN giao cho các TCTD quyền ban hành các quy định nội bộ, trong đó có một số nội dung mà trước đây chưa quy định nay được bổ sung để các TCTD có thể tự quyết định trong thẩm quyền của mình như cho vay để trả nợ TCTD khác, cho vay theo phương thức điện tử hoặc cho vay để thanh toán nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ…

Tuy nhiên, nỗ lực tăng trưởng tín dụng không đồng nghĩa với việc nới lỏng điều kiện cho vay bằng mọi giá, đặc biệt là đối với lĩnh vực có hệ số rủi ro cao như bất động sản. Tín dụng ngân hàng thực chất là tiền của hàng triệu người gửi tiền, hàng trăm nghìn doanh nghiệp đã gửi gắm cho ngân hàng trên cơ sở niềm tin với hệ thống. Ngân hàng có trách nhiệm sử dụng nguồn vốn đó một cách thận trọng, an toàn và hiệu quả. Cho vay những dự án dưới chuẩn, pháp lý không rõ ràng, phương án thu hồi vốn không khả thi hay có mức độ rủi ro cao không chỉ mang lại rủi ro cho chính ngân hàng, mà còn cho người gửi tiền, và toàn hệ thống.

Mặt khác, cho vay các dự án bất động sản và cho vay để mua các sản phẩm nhà ở, bất động sản thường có kỳ hạn dài từ 5 năm đến 10 năm thậm chí 20-25 năm. Trong khi đó, huy động của ngân hàng chỉ thường là 12 đến 24 tháng, dài nhất là 36 tháng. Huy động ngắn hạn mà cho vay dài là một rủi ro rất lớn. Đó cũng là một trong những lý do khống chế tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn đảm bảo an toàn hệ thống.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - TS. Nguyễn Quốc Hùng, hiện nay, dòng tiền “đọng” lại rất nhiều ở đất đai không đủ thủ tục pháp lý và theo phản ảnh của chính các doanh nghiệp bất động sản thì có tới hơn 70% là những khó khăn liên quan đến các vấn đề pháp lý. Thủ tục pháp lý không đầy đủ, dự án không hoàn thiện được, thậm chí nhà xây rồi nhưng giấy tờ pháp lý chưa đủ thì cũng không đủ điều kiện, người dân cũng không mua. Với những dự án như vậy, ngân hàng có bơm vốn vào thì cũng không hiệu quả.

Thực tế cho thấy, có những ngân hàng sẵn sàng cho vay dự án bất động sản với lãi suất thấp hơn gói 120.000 tỷ đồng nhưng không cho vay được vì thủ tục pháp lý của dự án chưa đầy đủ. Ngân hàng sẵn sàng dành vốn cho những dự án thực, nhu cầu thực, có đầy đủ pháp lý, có hiệu quả cho xã hội.

“Trong bối cảnh hiện nay, để vượt qua khó khăn, chủ đầu tư cần phải chấp nhận rủi ro, thậm chí là phá sản. Bởi, nếu lúc nào cũng đặt ra vấn đề “gỡ”, “giải cứu” doanh nghiệp bất động sản, thì trong tương lai giá nhà còn lên đến đâu khi mọi chi phí lãi vay trong hàng chục năm lại được các doanh nghiệp cộng vào giá thành sản phẩm. Thậm chí, dù ngân hàng có điều chỉnh giảm lãi vay nhưng chưa chắc chủ đầu tư đã giảm giá bán nhà cho người dân”, ông Hùng chia sẻ quan điểm.

Giới chuyên môn cũng cho rằng, lãi suất cho vay đã ở mức tốt hơn rất nhiều so với đầu năm, tuy nhiên, người vay không phải chỉ đi vay vì vấn đề lãi suất, mà do rủi ro từ môi trường kinh doanh và những yếu tố khác ảnh hưởng đến việc đưa ra các quyết sách đầu tư cũng như mở rộng sản xuất, kinh doanh. Xu hướng thắt lưng buộc bụng không phải chỉ ở Việt Nam mà ở toàn cầu… Đây là những yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến cầu tín dụng.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện một doanh nghiệp bán lẻ cho biết, mọi năm cứ dịp cuối năm doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để nhập số lượng lớn hàng hóa phục vụ dịp Tết. Song năm nay, dự đoán kinh tế khó khăn, bà con thắt chặt chi tiêu nên doanh nghiệp chỉ nhập một nửa số lượng hàng năm trước nên không có nhu cầu vay vốn mà dùng vốn tự có dù ngân hàng chào lãi suất thấp. Tương tự, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản cho biết, dù có ngân hàng chào lãi suất 4- 5%/năm vay ngắn hạn vào thời điểm này, doanh nghiệp không có nhu cầu vay vì hàng hóa vẫn còn tồn kho nhiều. Hiện doanh nghiệp chỉ tập trung bán hàng tồn để trả nợ ngân hàng.

Trong bối cảnh khó khăn có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đang được coi làm cứu cánh, nhưng đó có thể chỉ là giải pháp trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu kéo dài sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng, bởi thực tế hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đều gặp khó khăn ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

PGS,TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, nếu GDP chỉ tăng 4,7-5% thì tín dụng chỉ tăng trưởng 11-12% là hợp lý, không nên để mục tiêu tăng trưởng 14-15%. “Tóm lại, tín dụng từ đầu năm đến nay tăng trưởng với tốc độ như vừa qua là bình thường, đúng chu kỳ. Chỉ có điều, chúng ta tính đến điều xấu nhất để đưa ra giải pháp tốt nhất. GDP chỉ tăng 4,7% thì phải tính lại tăng trưởng tín dụng, chỉ 11-12% là phù hợp” - ông Trung khuyến nghị.

Đồng tình, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, tăng trưởng tín dụng là cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, song mức tăng trưởng tín dụng với vai trò của một yếu tố đầu vào nên ở liều lượng phù hợp, đủ để kích thích tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng về tín dụng cũng chỉ nên ở mức tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo vị này, Việt Nam đang dùng đòn bẩy tài chính quá cao (tín dụng/GDP lên tới 130%). Trong tương lai, khi thị trường vốn phát triển thì tín dụng chỉ nên tăng ở mức 10%/năm, không nên ở mức 13-15% như hiện nay.

Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói trong phiên họp ngày 16/10/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Chính sách tiền tệ nếu chỉ nhìn ngắn quá cũng không được. Chính sách tiền tệ, tín dụng không thể nào hạ chuẩn được. Hạ chuẩn chỉ giải quyết được trước mắt, nhưng lâu dài lại gay. Việc điều hành chính sách tiền tệ phải đảm bảo cho cả nền kinh tế đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn”.

Giới chuyên môn cho rằng, cần phải có giải pháp tổng thể từ các bộ, ngành và triển khai quyết liệt hiệu quả mới nâng cao khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế. Cụ thể, các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu triển khai các giải pháp mang tính tổng thể, nhất là giải quyết vướng mắc pháp lý liên quan đến các dự án bất động sản; triển khai mạnh các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới là dịp để đẩy nhanh tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư nhân…/.

Cùng chuyên mục
Tăng trưởng tín dụng phải trông chờ sức hấp thụ vốn của nền kinh tế