Tín dụng lâm - thủy sản: Linh hoạt cách làm để đẩy mạnh cho vay

(BKTO) - Các ngân hàng thương mại (NHTM) đang áp dụng nhiều cách làm để tăng cho vay đối với hộ nông dân hoạt động trong lĩnh vực lâm - thủy sản…

thuy-san.jpg
Lãi suất cho vay thấp giúp giảm bớt chi phí tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có hợp đồng trở lại trong những tháng cuối năm

Các ngân hàng đồng loạt vào cuộc

Bốn ngân hàng Agribank, ACB, NamA Bank và Sacombank mới đây đã ký kết một hợp đồng cho vay trị giá 63,94 tỷ đồng dành cho 11 cá nhân và doanh nghiệp phát triển nuôi trồng thủy sản ở ven biển Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh). Theo đó, nâng tổng số vốn đã được giải ngân theo gói tín dụng lâm - thủy sản của các TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh lên 474 tỷ đồng, dành cho 196 khách hàng (149 khách hàng cá nhân, hộ gia đình và 47 khách hàng doanh nghiệp).

Đó có thể coi là một bước tiến mới trong cho vay gói tín dụng lâm - thủy sản. Trước đó, vào tháng 7/2023, NHNN đã triển khai gói tín dụng có tổng trị giá 15.000 tỷ đồng dành cho lâm - thủy sản. Theo đó, có 12 ngân hàng đăng ký tham gia, mỗi khoản vay theo chương trình này được triển khai có lãi suất thấp hơn khoản vay thông thường của chính ngân hàng đó từ 1-2%. Tính đến cuối tháng 11/2023, sau khoảng bốn tháng triển khai cho vay theo gói tín dụng 15.000 tỷ đồng, các ngân hàng đã giải ngân được khoảng 60%, tương đương với hơn 9.000 tỷ đồng.

Agribank là ngân hàng có tốc độ cho vay theo gói tín dụng này mạnh nhất. Theo ngân hàng này, tính đến cuối tháng 11/2023, tổng số tiền cam kết cho vay theo hợp đồng tín dụng của Agribank đã lên đến hơn 4.540 tỷ đồng; dư nợ đạt 2.446 tỷ đồng (cho vay thủy sản đạt 1.763 tỷ đồng, cho vay lâm sản đạt 683 tỷ đồng) cho gần 2.000 khách hàng.

Trong khi Agribank cho vay mạnh nhất ở phân khúc khách hàng hộ nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, VietinBank đẩy mạnh cho vay nhóm khách hàng lớn là đại lý thu mua, Vietcombank là các nhà máy chế biến…

Với các địa phương có đội tàu đánh bắt và nuôi trồng quy mô lớn như Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi… quy mô dư nợ cho vay còn lớn hơn rất nhiều. Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy đã có hơn 200 khách hàng của các ngân hàng tiếp cận được vốn vay lâm - thủy sản với dư nợ đạt trên 876 tỷ đồng; còn nếu tính theo số tiền các ngân hàng cam kết cho vay theo hợp đồng tín dụng đã lên đến hơn 1.700 tỷ đồng.

Ông Đỗ Trọng Thảo - Quyền giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Khánh Hòa - cho biết, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực thủy sản (khai thác, nuôi trồng, thu mua, tiêu thụ, chế biến phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu) của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh này đến ngày 30/11/2023 đạt khoảng 524 tỷ đồng đối với 163 khách hàng cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp. Theo ông Thảo, toàn bộ các khoản cho vay vốn ngắn hạn bằng VND các ngân hàng áp dụng lãi suất từ 3,7% - 4,5%/năm.

Các NHTM cũng đang áp dụng nhiều cách làm để tăng hạn mức cho vay đối với hộ nông dân hoạt động trong lĩnh vực lâm - thủy sản. Chẳng hạn, ACB nhận đất nông nghiệp làm tài sản đảm bảo khi cho vay vốn nuôi trồng thủy sản. Còn ở những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh như Cần Giờ, ngân hàng lấy biểu giá đất nông nghiệp của nhà nước, tính toán giá đất theo thị trường, định giá tài sản đảm bảo cao gấp ba lần so với đất nông nghiệp, qua đó nâng tỷ lệ cho vay cao hơn đối với người nông dân...

Mong muốn kéo dài gói tín dụng lâm - thủy sản

Ông Đỗ Thành Tú - Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) - cho biết, chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm - thủy sản là rất thiết thực trong bối cảnh giá cả thức ăn chăn nuôi tôm, cá tăng cao, nhưng giá thu mua lại giảm do thị trường tiêu thụ kém và cạnh tranh trong cung cấp.

Theo các hộ nông dân, chi phí nuôi trồng thủy sản như tôm, cá lồng bè là rất cao, trong khi tình hình kinh tế khó khăn trong năm nay ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua của thị trường. Vì vậy, việc được các ngân hàng hỗ trợ cung ứng tín dụng với lãi suất thấp là một hỗ trợ quan trọng cho nhà nông giữ giá thành sản phẩm, bình ổn giá bán ra thị trường.

Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 11/2023, dư nợ cho vay gói tín dụng 15.000 tỷ đồng trên địa bàn chiếm 78,1% dư nợ cho vay lâm - thủy sản của các TCTD ở thành phố. Trong đó, dư nợ cho vay khai thác, nuôi trồng thủy sản chiếm tỷ trọng cao nhất với 67,6% dư nợ cho vay lĩnh vực thủy sản trên địa bàn, cho vay chế biến bảo quản lâm sản chiếm gần 24% (tính theo gói tín dụng 15.000 tỷ đồng từ các TCTD đăng ký tham gia).

Các ngân hàng cho vay theo chương trình này với lãi suất thấp đã khuyến khích các hộ gia đình mở rộng nuôi trồng, khai thác thủy sản, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Chẳng hạn tại chi nhánh Agribank Cần Giờ, các khoản vay theo gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm - thủy sản có lãi suất thấp hơn 1,1%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Các khoản vay của ngân hàng này chủ yếu hỗ trợ các cá nhân vay vốn nuôi tôm, cá dứa, hàu, ốc hương… Theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, nếu hoạt động cho vay này tiếp tục được duy trì trong thời gian tới sẽ mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho nền kinh tế mà trực tiếp tác động tích cực đến thu nhập của người nông dân sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực lâm - thủy sản.

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đánh giá, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực lâm - thủy sản đang có tốc độ giải ngân tốt và hy vọng sẽ tiếp tục được thực hiện sau khi gói giải ngân kết thúc. Lý do được nêu là vì lạm phát của các nền kinh tế phát triển vẫn còn cao so với mục tiêu họ mong muốn sẽ khiến lãi suất chính sách còn neo cao, qua đó tác động đến sức cầu và từ đó ảnh hưởng đến các nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức Lệnh, do đặc thù của hoạt động nuôi trồng, khai thác, đánh bắt, chế biến thủy sản có tính chu kỳ nên các ngân hàng xác định kỳ hạn nợ phải gắn với chu kỳ phát triển sản phẩm để đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích. Trường hợp chu kỳ sản phẩm kéo dài do khó khăn từ thị trường, người sản xuất chưa tiêu thụ được sản phẩm hàng hóa, NHTM và khách hàng cần tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng./.

Cùng chuyên mục
Tín dụng lâm - thủy sản: Linh hoạt cách làm để đẩy mạnh cho vay