Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) đã có chia sẻ với Báo Kiểm toán về vấn đề này.
Thưa ông, trước tình trạng tăng trưởng tín dụng thấp đã được NHNN lý giải, trong đó chủ yếu là nguyên nhân khách quan xuất phát từ khó khăn chung của nền kinh tế. Ông có đánh giá ra sao về thực trạng, nguyên nhân được chỉ ra?
Đúng như nguyên nhân đã được NHNN chỉ ra, tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, đã phản ánh khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Hoạt động của các doanh nghiệp (DN) phụ thuộc rất lớn vào kinh tế quốc tế, trong khi tình hìnhthế giới còn nhiều bất ổn; nhu cầu thương mại, đầu tư giảm ảnh hưởng tới hoạt động của các DN trong nước.
Vì vậy, nhu cầu đầu tư, sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng trong nước đều giảm, dẫn đến cầu tín dụng giảm tương ứng. Điều này thấy rõ qua nghịch lý hiện nay, đó là người dân, DN thay vì bung vốn làm ăn thì lại tăng gửi vào ngân hàng, dù lãi suất huy động tiếp tục giảm.
Thông thường vào cuối năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng thường rất mạnh bởi đây là thời điểm “nước rút” cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nên nhu cầu vốn tăng. Thế nhưng, tín dụng quý 3/2023 cũng chỉ thêm được 2,6%, đây là quý có mức tăng thấp thứ 2 trong vòng 5 năm trở lại đây.
Ngoài những nguyên nhân nêu trên, tăng trưởng tín dụng thấp còn do những rào cản về thủ tục, khiến các DN khó tiếp cận nguồn vốn vay. Dù thời gian qua, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đã tung ra nhiều gói tín dụng lãi suất, song đây chủ yếu là các gói tín dụng ngắn hạn. Những khoản vay trung dài hạn hiện vẫn ở mức lãi suất cao từ 9 - 12%/năm, trong khi các DN chủ yếu cần các khoản vay trung hạn, dài hạn.
Bên cạnh đó, các DN cũng khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng khi khó đáp ứng thủ tục vay như có tài sản đảm bảo, có phương án kinh doanh hiệu quả… Đây cũng là nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng chưa đạt được mục tiêu đề ra. Do đó, NHNN cần xem xét có giải pháp tháo gỡ kịp thời đối với các vướng mắc này.
Đặc biệt, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2023. Các ngân hàng đang chạy đua với thời gian để phát mại tài sản, điều này cũng khiến cho các DN gặp khó khăn, từ đó tác động trở lại, làm giảm nhu cầu vay vốn.
Do đó, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ngoài các gói tín dụng lãi suất thấp, cần phải có sự điều chỉnh từ vĩ mô, đó là chính sách tài khóa, bởi chính sách tiền tệ đã bão hòa, sức cầu nền kinh tế yếu nên việc hấp thụ vốn trở nên khó khăn.
Ông đánh giá như thế nào về công tác điều hành phân bổ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng của NHNN hiện nay, thưa ông?
Có thể thấy, tăng trưởng kinh tế còn gặp khó khăn, sức hấp thụ vốn và cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu, dẫn đến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. Bên cạnh đó, mức tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng không đồng đều, một số ngân hàng tăng trưởng khá cao, trong khi một số có kết quả tăng trưởng thấp.
Trước diễn biến thị trường vừa qua, NHNN Việt Nam đã khá linh hoạt trong công tác quản lý, điều hành, cụ thể là phân bổ hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng trên tinh thần bám sát Nghị quyết của Quốc hội nhằm hỗ trợ thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Tháng 7/2023, NHNN đã phân bổ toàn bộ hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng với tổng mức tăng trưởng 14,5%.
Ngày 29/11, NHNN tiếp tục có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo mức tăng trưởng tăng thêm cho các tổ chức tín dụng công khai, minh bạch theo các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể.
Theo đó, các tổ chức tín dụng có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên thêm cho những ngân hàng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.
NHNN cũng tiếp tục thể hiện sự linh hoạt trong điều hành để tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 không vượt quá chỉ tiêu đã xác định song vẫn đảm bảo dư địa tăng trưởng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế và an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.
Ông có lưu ý, kỳ vọng gì vào cuộc thanh tra được Phó Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ thực hiện tại NHNN tới đây?
Trước hết, tôi ghi nhận những nỗ lực trong công tác điều hành của NHNN, song thực tiễn vừa qua cho thấy vẫn còn những lỗ hổng, bất cập. Vụ việc của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã phơi bày rõ những lỗ hổng này. Đây là biểu hiện rất rõ của việc lợi dụng ngân hàng để làm lợi cho DN “sân sau”, trong đó đặt ra vai trò của công tác quản lý, điều hành của NHNN đối với hệ thống tổ chức tín dụng.
Do đó, tổ chức thanh tra việc điều hành tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 và 2023 của NHNN là cần thiết. Theo tôi, có ba vấn đề cần được lưu ý, làm rõ gồm: Quản trị ngân hàng; sở hữu chéo và đảm bảo kết quả thanh tra được thực hiện một cách trung thực, khách quan.
Cuộc thanh tra sẽ góp phần làm minh bạch công tác quản lý, điều hành của NHNN đối với vấn đề được đặt ra, từ đó tạo cơ sở để cơ quan quản lý đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng. Đơn cử như trong hệ sinh thái ngân hàng, DN, vấn đề cho vay giữa các tổ chức trong hệ sinh thái đó ra sao cần được làm rõ, không để xảy ra những vụ việc như SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vừa qua.
Ngoài ra, kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới đây cũng chỉ rõ: Năm 2022, cơ cấu tín dụng chưa hướng vào lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và chưa kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tôi cho rằng, những đánh giá được kiểm toán đưa ra là rất khách quan, phản ánh đúng thực tiễn hoạt động tín dụng hiện nay.
Trong đó, cơ cấu tín dụng chưa hướng vào lĩnh vực ưu tiên và chưa kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản. Trong khi đó, nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được quan tâm đúng mức; nhiều vướng mắc trong tiếp cận vốn chưa được giải quyết.
Đây chính là vấn đề cần được đề cập, làm rõ thêm trong cuộc thanh tra của Thanh tra Chính phủ sắp tới.
Trân trọng cảm ơn ông!