Nhiều cơ quan chính phủ gây thất thoát, thua lỗ
Phát biểu trước báo giới sau khi trình bày Báo cáo kiểm toán thường niên của KTNN Tanzania (CAG) trước Nghị viện hôm 08/4/2020, Tổng Kiểm toán Nhà nước Kichere cho biết, các cơ quan chính phủ đang nợ Quỹ An sinh xã hội lên tới khoảng 2.400 tỷ Shilling (khoảng 1,2 tỷ USD).
Trong bản Báo cáo, ông Kichere cũng đề cập đến việc Công ty Truyền thông Tanzania (TTCL) - một công ty nhà nước - đã ghi nhận thiệt hại tới 1,1 tỷ Shilling trong một hợp đồng công nghệ thông tin (CNTT) tầm cỡ quốc gia nhằm mở rộng mạng lưới phủ sóng toàn quốc để tối đa doanh thu. Báo cáo cho biết, nguyên nhân của khoản thua lỗ này là do TTCL đã chào giá gói thầu thấp hơn giá hợp đồng mà Công ty phải trả. Liên quan đến công tác đấu thầu mua sắm công, CAG chỉ trích rằng Bộ Lao động, Giao thông và Truyền thông đã tiến hành chi trả cho TTCL các khoản tiền để mua pin, dây nối và các phụ kiện thay thế với giá trị ước tính 1,6 tỷ Shilling mà không có Biên bản ghi nhớ (MoU) giữa Bộ này và TTCL.
Trong một diễn biến khác, khi tiến hành kiểm toán Cơ quan Xác nhận Danh tính Quốc gia (NIDA), các kiểm toán viên nhận thấy NIDA đã không thu hồi được các khoản thanh toán trước với giá trị 28,2 tỷ Shilling trong một hợp đồng mua sắm hàng hóa và trang thiết bị phục vụ hệ thống xác định danh tính quốc gia từ nhà thầu Iris Berhad của Malaysia. CAG cho biết, nhiều bộ thiết bị CNTT hỗ trợ việc đăng ký sinh trắc học cử tri của NIDA đã bị thất thoát tại nhiều địa phương. Những thiết bị bị thất thoát này bao gồm: máy tính, thiết bị giám sát, các ổ đĩa, pin năng lượng mặt trời và các thiết bị chuyển đổi điện áp.
Ngoài ra, CAG cũng lưu ý một số sai phạm trong đấu thầu mua sắm công tại Ủy ban Bầu cử Quốc gia (NEC) với giá trị hợp đồng cung cấp khoảng 6,3 tỷ Shilling.
Nghiêm túc thực hiện kiến nghị
Tổng Kiểm toán Kichere đã yêu cầu các cơ quan thẩm quyền chịu trách nhiệm cần xem xét những khuyến nghị trong bản Báo cáo kiểm toán của CAG một cách nghiêm túc nhằm tránh việc tiếp tục sử dụng sai ngân sách công.
Trong một phản hồi, ông Naghenjwa Kaboyoka - Chủ tịch Ủy ban Tài khoản công (PAC) của Quốc hội Tanzania - đã yêu cầu các cơ quan chính phủ cần thay đổi hành vi để tránh sai phạm và thua lỗ trong quá trình thực hiện các hợp đồng mua sắm công. Ông Kaboyoka cho biết, có rất nhiều kiểm toán viên nội bộ đã từng bị yêu cầu thôi việc hoặc điều chuyển sau khi họ phanh phui các sai phạm tại một số cơ quan chính phủ và đây là một vấn đề đáng lên án. “Nhiều kiểm toán viên nội bộ có tinh thần trách nhiệm cao và tận tụy với công việc đã giúp Chính phủ phanh phui nhiều trường hợp gian lận, sai phạm trong quản lý ngân sách, song phải chịu hình phạt sa thải hoặc điều chuyển sang các vị trí công tác thấp hơn. Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề này một cách triệt để”, ông Kaboyoka nhấn mạnh.
Trước đó, trong bản Báo cáo kiểm toán năm 2017, CAG cũng đã cảnh báo vấn đề nợ chính phủ tăng mạnh có thể dẫn đến gánh nặng nợ không bền vững trong dài hạn tại Tanzania, đồng thời kêu gọi Chính phủ thiết lập các biện pháp nhằm làm chậm lại tốc độ gia tăng nợ công. Tanzania là một trong những quốc gia đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nợ công rất cao. Quốc gia này cũng đã từng trải qua khủng hoảng nợ nặng nề vào những năm 1990. Tanzania đã làm nên thành công khi nhận được cứu trợ giãn nợ trong năm 2001 và 2006, giúp giảm khoản nợ phải trả từ 27% doanh thu chính phủ xuống chỉ còn 2%.
Được biết, các khoản nợ của Chính phủ Tanzania liên tục gia tăng kể từ năm 2009, bao gồm các nhà tài trợ đa phương như Ngân hàng Thế giới, song đây vẫn là một mô hình thành công khi quốc gia này đã có thể huy động vốn từ các nhà đầu tư tư nhân trên thị trường vốn bằng việc phát hành trái phiếu. Trong một diễn biến liên quan, hồi tháng 6/2019, quốc gia này cũng đã ra quyết định tạm dừng Dự án Xây dựng cảng Bagamoyo trị giá 10 tỷ USD vay vốn Trung Quốc do lo ngại dính bẫy nợ công.
NGỌC QUỲNH