Tập trung đánh giá thực trạng kiểm toán dự toán ngân sách địa phương

(BKTO) - Đây là một trong những góp ý của chuyên gia tại Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ "Xây dựng hướng dẫn kiểm toán dự toán ngân sách trong kiểm toán ngân sách địa phương" diễn ra vào ngày 14/6.

5.jpg
ThS. Ngô Thị Hằng Nga - KTNN khu vực II - thay mặt Ban Đề tài trình bày nội dung nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Ly

Đề tài do ThS. Cao Minh Xuyến và ThS. Ngô Thị Hằng Nga - Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực II đồng chủ nhiệm.

Theo nghiên cứu của Nhóm tác giả, thời gian qua, KTNN đã tập trung phát hiện những bất cập, hạn chế trong hoạt động quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công của các địa phương. Qua đó, KTNN đã phát hiện nhiều bất cập, hạn chế như: chưa bao quát hết nguồn thu, dự toán chi chưa sát với thực tế, giao và phân bổ chưa có cơ sở...

Đối với công tác điều hành ngân sách, một số địa phương chưa lập kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc chưa điều chỉnh kịp thời; hụt thu ngân sách lớn nhưng chưa thực hiện các giải pháp điều hành ngân sách kịp thời; việc tổng hợp nhu cầu kinh phí bổ sung từ ngân sách cấp trên chưa chính xác nên số nộp trả tương đối lớn.

Theo ThS. Ngô Thị Hằng Nga, kết quả kiểm toán cho thấy, những hạn chế nêu trên chủ yếu bắt nguồn từ công tác lập và phân bổ dự toán thu chi ngân sách địa phương (NSĐP). Tuy nhiên, việc kiểm toán, đánh giá về dự toán NSĐP trong các cuộc kiểm toán ngân sách chưa thực sự rõ nét.

1(1).jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Ly

Để nâng cao chất lượng kiểm toán NSĐP, Nhóm tác giả cho rằng, KTNN cần có những nghiên cứu, đánh giá riêng về thực trạng kiểm toán dự toán NSĐP, từ đó xây dựng hướng dẫn riêng cho nội dung này để nâng cao chất lượng các kiến nghị, cảnh báo, tư vấn cho HĐND các cấp, Chính phủ và Quốc hội về lập dự toán ngân sách và giám sát, quản lý, điều hành ngân sách trong trung hạn và dài hạn.

Từ kinh nghiệm thực tiễn và quá trình thu thập dữ liệu, nghiên cứu, Nhóm tác giả đã làm rõ cơ sở lý luận về NSĐP và xây dựng hướng dẫn kiểm toán dự toán ngân sách trong kiểm toán NSĐP; đánh giá thực trạng kiểm toán và hướng dẫn kiểm toán NSĐP của KTNN; kiến nghị xây dựng hướng dẫn kiểm toán dự toán NSĐP và tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của KTNN trong kiểm toán dự toán NSĐP.

2(1).jpg
GS,TS. Đoàn Xuân Tiên khuyến nghị Ban Đề tài bổ sung kinh nghiệm của các nước trong kiểm tra dự toán ngân sách. Ảnh: Nguyễn Ly

Tại Hội thảo, các chuyên gia trong Ngành nhấn mạnh: Hằng năm, KTNN phải có ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trước khi Quốc hội quyết nghị. Tuy nhiên hiện nay, chất lượng kiểm toán dự toán ngân sách chưa được như kỳ vọng. Do đó, việc nghiên cứu và đề xuất xây dựng hướng dẫn kiểm toán dự toán ngân sách trong kiểm toán NSĐP là cần thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn đối với hoạt động của KTNN.

Để ban Đề tài hoàn thiện kết quả nghiên cứu và đưa ra được những khuyến nghị khả thi, có tính ứng dụng cao cho hoạt động của Ngành, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước - cho rằng: Nội dung xuyên suốt của Đề tài là những vấn đề lý thuyết chung về dự toán ngân sách nhà nước, dự toán NSĐP và thẩm tra dự toán ngân sách; thực trạng về kiểm toán dự toán ngân sách trong kiểm toán NSĐP (mục tiêu, nội dung, phạm vi, đối tượng, quy trình, trình tự, phương pháp, thu thập thông tin, phân tích, đánh giá dự toán ngân sách), từ đó đưa ra kết luận , kiến ​​nghị kiểm toán.

Như vậy, Ban Đề tài cần tập trung đánh giá thực trạng kiểm toán dự toán NSĐP của KTNN thời gian qua, chỉ ra những hạn chế trong quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện kiểm toán; phân tích nguyên nhân, hạn chế. Đồng thời, cần bổ sung kinh nghiệm của các nước trong kiểm tra dự toán ngân sách.

3(1).jpg
Bà Đỗ Thị Cẩm Giang - Vụ Tổng hợp - đưa ra một số góp ý hoàn thiện Đề tài. Ảnh: Nguyễn Ly

Tại Chương 3, Ban Đề tài cần phân tách, làm rõ 3 nội dung: Quan điểm, định hướng nâng cao chất lượng kiểm toán NSĐP và sự cần thiết xây dựng hướng dẫn kiểm toán dự toán ngân sách trong kiểm toán NSĐP; xây dựng hướng dẫn kiểm toán dự toán NSĐP; kiến nghị điều kiện và lộ trình thực hiện.

Đồng quan điểm trên, bà Đỗ Thị Cẩm Giang - Vụ Tổng hợp - khuyến nghị thêm: Ban Đề tài cần cụ thể các bước thực hiện để kiểm toán từng khoản mục thu, chi ngân sách trong báo cáo dự toán NSĐP; nghiên cứu đề xuất xây dựng hướng dẫn hoặc điều kiện kiểm toán dự toán NSĐP trong trường hợp rút ngắn thời gian quyết toán ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành từ 18 tháng xuống 12 tháng dẫn đến công tác phân giao dự toán cũng bị rút ngắn.

Thay mặt Ban Đề tài, ThS. Ngô Thị Hằng Nga đã giải trình một số nội dung và tiếp thu toàn bộ ý kiến của các chuyên gia để bổ sung, hoàn thiện Đề tài trước khi đưa ra Hội đồng nghiệm thu./.

Cùng chuyên mục
Tập trung đánh giá thực trạng kiểm toán dự toán ngân sách địa phương