Tổng Kiểm toán Nhà nước nghe báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội.Ảnh: PHƯƠNG VÂN
Tại cuộc họp báo cáo công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14 mới đây, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Hà Thị Mỹ Dung cho biết: Tính đến ngày 22/9, KTNN đã nhận được thư xác nhận tham dự Đại hội của 24 tổ chức, 10 Tổng Kiểm toán và người đứng đầu Tổ chức quốc tế.
Trung bình mỗi đoàn tham dự có từ 4 đến 5 thành viên, riêng đoàn Trung Quốc cử 10 thành viên và đoàn Thái Lan cử 15 thành viên.
Thực hiện kết luận của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc tại cuộc họp ngày 11/8/2017, các tiểu ban đã tích cực triển khai nhiệm vụ và đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, Tiểu ban Nội dung - Thư ký đã trình Trưởng Ban tổ chức Đại hội ASOSAI 14 đề xuất cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu tham dự các hoạt động của Đại hội và hoàn thiện dự thảo lần 2 Đề cương tài liệu tập huấn về ASOSAI, Đại hội ASOSAI 14 và Kế hoạch đào tạo của Tiểu ban.
Cùng với đó, Tiểu ban Tài chính - Hậu cần đã khảo sát địa điểm tổ chức Đại hội và địa điểm lưu trú cho đại biểu; Tiểu ban Lễ tân - Khánh tiết rà soát, đề xuất 105 công chức KTNN tham gia Tổ liên lạc viên và xây dựng Đề án sát hạch Liên lạc viên phục vụ Đại hội. Ngay trong đầu tháng 10 này, Tiểu ban Lễ tân - Khánh tiết đã tổ chức sát hạch Liên lạc viên tại một số đơn vị.
Với nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các tiểu ban và các cơ quan hữu quan trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác thông tin, báo chí, tuyên truyền về Đại hội ASOSAI 14, Tiểu ban Thông tin - Tuyên truyền đã hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch tuyên truyền, Bộ nhận diện về Đại hội và Kế hoạch đào tạo của Tiểu ban.
Kết quả trên đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao tại cuộc họp báo cáo công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14 vừa qua.
Từng bước thực hiện Kế hoạch tổng thể
Nhằm đảm bảo cho việc chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội ASOSAI 14 tại Việt Nam, ngày 19/9/2017, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 103/QĐ-BTC xây dựng Kế hoạch tổng thể chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14 (gọi tắt là Kế hoạch tổng thể).
Kế hoạch tổng thể nhằm xác định rõ các nội dung công việc, hoạt động cần hoàn thành theo thứ tự thời gian, phục vụ việc tổ chức thực hiện công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14 của Ban tổ chức. Đây là công cụ giúp Ban tổ chức Đại hội ASOSAI 14 theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các công việc chính liên quan đến từng tiểu ban và các đơn vị. Ngoài ra, Kế hoạch tổng thể là cơ sở để các Tiểu ban xây dựng kế hoạch hoạt động và các kịch bản chi tiết theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Để thực hiện mục tiêu trên, Ban Tổ chức Đại hội ASOSAI 14 đã xây dựng Kế hoạch tổng thể trên cơ sở các nội dung công việc cần triển khai theo 4 giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị Đại hội; giai đoạn trước Đại hội 10 ngày; giai đoạn trong Đại hội; giai đoạn sau Đại hội. Mỗi nội dung công việc đều xác định rõ trách nhiệm chỉ đạo, đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện, kết quả đầu ra và thời gian hoàn thành. Kế hoạch tổng thể cũng đã xác định 156 hoạt động chính được phân theo từng Tiểu ban. Theo đó, Ban tổ chức Đại hội ASOSAI 14 đã dự kiến cụ thể, chi tiết các hoạt động chính mà từng tiểu ban phải triển khai từ tháng 8/2017 đến hết năm 2018.
Nhằm tổ chức, thực hiện tốt Kế hoạch tổng thể, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các tiểu ban cũng như các đơn vị, bộ phận có liên quan. Trong đó, Vụ Hợp tác quốc tế là đơn vị thường trực, đầu mối trao đổi thông tin, theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện nhiệm vụ của các tiểu ban và đơn vị có liên quan, báo cáo lãnh đạo KTNN, Ban tổ chức về tiến độ chuẩn bị, tổ chức Đại hội. Tổ Thư ký là cơ quan giúp việc của Ban tổ chức và Ban chỉ đạo, đầu mối giữ liên hệ thường xuyên giữa Ban chỉ đạo, Ban tổ chức với các tiểu ban; thực hiện công tác hành chính, lưu trữ thông tin, tài liệu chuẩn bị và tổ chức Đại hội. Các Tiểu ban bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo nguyên tắc chủ trì - phối hợp, định kỳ hoặc đột xuất báo cáo với Ban tổ chức về những khó khăn, vướng mắc để có phương án giải quyết.
Trước mắt, từ nay đến cuối năm, các tiểu ban sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: ban hành Bộ tài liệu tập huấn của Ban tổ chức về ASOSAI, Đại hội ASOSAI và kinh nghiệm tổ chức Đại hội trong nước và quốc tế; dự thảo các kịch bản chi tiết của Tiểu ban trình Trưởng Tiểu ban, Trưởng Ban tổ chức phê duyệt; ban hành và triển khai Kế hoạch tuyên truyền về Đại hội; xác định địa điểm tổ chức các hoạt động của Đại hội và khách sạn lưu trú cho đại biểu; tổ chức tập huấn theo kế hoạch; ban hành các kịch bản chi tiết của Ban tổ chức; mời chuyên gia nước ngoài trực tiếp tư vấn, hướng dẫn vận hành hệ thống phần mềm bỏ phiếu điện tử. Ngoài ra, chương trình nghệ thuật phục vụ Đại hội và tham quan văn hóa cùng nhiều nội dung khác cũng sẽ được thông qua.
Theo kế hoạch, năm 2017, Ban tổ chức họp định kỳ 3 tháng/lần; năm 2018, Ban tổ chức họp hằng tháng hoặc đột xuất theo yêu cầu để thảo luận và báo cáo kết quả công việc với Trưởng Ban tổ chức, Trưởng Ban chỉ đạo. Các tiểu ban họp định kỳ 2 tháng/lần hoặc đột xuất theo yêu cầu.
Chỉ đạo tại cuộc họp báo cáo công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14 mới đây, một lần nữa, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã yêu cầu các tiểu ban tập trung chủ động triển khai công việc theo Kế hoạch tổng thể đã ban hành nhằm chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để tổ chức thành công Đại hội ASOSAI.
NGỌC MAI
Theo Tuần Báo ra ngày 05-10-2017