Tham mưu kịp thời, hiệu quả cho lãnh đạo kiểm toán nhà nước trong lĩnh vực pháp luật

(BKTO) - Chiều 30/11, Vụ Pháp chế (Kiểm toán nhà nước) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai chương trình công tác năm 2023. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

phap-che.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Đ. KHOA

Chủ động, tích cực tham mưu trong xây dựng pháp luật

Trình bày Báo cáo kết quả công tác của Vụ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Quán Hải cho biết, năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn do khối lượng công việc tăng lên trong khi số lượng công chức còn hạn chế, song Vụ Pháp chế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nổi bật là, Vụ đã tham mưu cho lãnh đạo KTNN ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Pháp lệnh và tổ chức thực hiện xây dựng Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; chủ trì tổ chức lấy ý kiến về Dự án Pháp lệnh... và đang tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ Dự án Pháp lệnh.

Đồng thời, tham mưu xây dựng Dự thảo Quyết định Danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực KTNN thay thế Quyết định 1663/QĐ-TTg theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 504/QĐ-TTg về Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực KTNN.

Bám sát Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và văn bản quản lý của KTNN, trong năm 2022, Vụ Pháp chế đã tích cực theo dõi và phối hợp với các đơn vị được giao chủ trì soạn thảo văn bản triển khai thực hiện Chương trình; thường xuyên theo dõi, đôn đốc tiến độ xây dựng văn bản của các đơn vị.

Theo kế hoạch, năm 2022, KTNN sẽ ban hành 06 văn bản QPPL và 37 văn bản quản lý. Kết quả, đến nay đã ban hành 19/43 văn bản (chiếm 44,2% kế hoạch); 10/43 văn bản đã thẩm định, đang trình ban hành (chiếm 23,3% kế hoạch); số văn bản đang xây dựng dự thảo là 14/43 văn bản (chiếm 32,5% kế hoạch).

Về việc thẩm định và tham gia ý kiến vào dự thảo văn bản pháp luật trong và ngoài ngành, tính đến ngày 30/11/2022, Vụ Pháp chế đã tham gia góp ý và thẩm định 129 lượt dự thảo văn bản, gồm 76 văn bản của đơn vị trong ngành và 53 văn bản của đơn vị ngoài ngành. Các ý kiến tham gia góp ý, thẩm định đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Đặc biệt, Vụ đã chủ động, tích cực tham mưu cho lãnh đạo KTNN phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia góp ý đối với các dự án luật quan trọng có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN như: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Dự án Luật Đấu thầu, Dự án Luật Thanh tra, Dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở…

Vụ cũng chủ trì, phối hợp với các đơn vị KTNN chuyên ngành, khu vực liên quan chuẩn bị nội dung ý kiến, tài liệu phục vụ lãnh đạo KTNN tham gia các cuộc họp, phiên họp  của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội…

Trong năm, Vụ còn phối hợp với các đơn vị tổ chức tuyên truyền, phổ biến các luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3; thực hiện biên tập, rà soát, cập nhật văn bản QPPL của KTNN trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; tham mưu cho lãnh đạo KTNN xây dựng Báo cáo Kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán...

Trong công tác thẩm định dự thảo kế hoạch kiểm toán (KHKT) và báo cáo kiểm toán (BCKT), đến ngày 30/11/2022, Vụ Pháp chế đã thẩm định 325 dự thảo BCKT đảm bảo chất lượng, tiến độ theo quy định; tổ chức thẩm định 225 dự thảo Kế hoạch kiểm toán đảm bảo thời gian và chất lượng; tham gia trả lời 19 văn bản kiến nghị kiểm toán.

Đối với công tác thực hiện kiểm toán, trong năm, Vụ Pháp chế đã hoàn thành và phát hành BCKT đối với cuộc kiểm toán dự án các công trình hạ tầng do Chính phủ Ailen tài trợ thuộc Chương trình 135 niên độ 2019 tại 05 tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Quảng Trị, Kon Tum, Trà Vinh...

Đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của KTNN

Từ những kết quả đạt được trong năm 2022, Vụ Pháp chế xác định,  năm 2023, Vụ sẽ bám sát Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, yêu cầu của Đề án: “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” và Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 để tham mưu lãnh đạo KTNN đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của KTNN, đáp ứng yêu cầu phát triển và đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam, hệ thống văn bản pháp luật của KTNN.

phap-che-.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Đ.  KHOA

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo KTNN nhiệm vụ xây dựng Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xây dựng, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình xây dựng văn bản QPPL và Chương trình xây dựng văn bản quản lý của KTNN năm 2023 ; thực hiện góp ý, thẩm định văn bản QPPL bảo đảm theo đúng quy định; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc KTNN tham gia ý kiến vào các văn bản QPPL do các Bộ, ngành gửi lấy ý kiến...

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc KTNN đã phát biểu ý kiến, đánh giá cao công tác phối hợp, sự nỗ lực, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, công chức của Vụ Pháp chế trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tích đạt được trong năm 2022 của Vụ Pháp chế, đặc biệt là những nỗ lực, cố gắng trong xây dựng Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực KTNN; xây dựng Dự thảo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; tham gia ý kiến vào các Luật, pháp lệnh của Quốc hội; trong đó nhiều ý kiến góp ý của KTNN đã được tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung vào Luật.

Lưu ý một số vấn đề Vụ Pháp chế cần quan tâm, hoàn thiện để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong năm 2023, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị đơn vị cần nghiên cứu, xây dựng nhiệm vụ công tác sát với yêu cầu nhiệm vụ, định hướng của Ngành đặt ra.

Bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Vụ cần chú trọng công tác phối hợp, đôn đốc việc xây dựng các văn bản QPPL, văn bản quản lý của ngành, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đề ra; tiếp tục bám sát, hoàn thiện hồ sơ Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN để trình UBTVQH xem xét, đồng thời tham gia vào các văn bản khác khi có yêu cầu.

Trong công tác thẩm định Dự thảo KHKT, BCKT, ngoài việc thẩm định về tuân thủ các quy định chung cần chú ý các khía cạnh pháp lý để đưa ra các kiến nghị phù hợp...

Thay mặt Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vũ Thanh Hải trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo KTNN đối với công tác của Vụ năm 2022; đồng thời khẳng định, Vụ Pháp chế sẽ tiếp thu các ý kiến phát biểu của các đơn vị, ý kiến chỉ đạo của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh nhằm đề ra các giải pháp để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ công tác năm 2023./.

Cùng chuyên mục
Tham mưu kịp thời, hiệu quả cho lãnh đạo kiểm toán nhà nước trong lĩnh vực pháp luật