Thành công kép với tăng trưởng cao, lạm phát thấp
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kết thúc năm 2018, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,08% so với năm 2017, là mức tăng cao nhất trong gần 10 năm trở lại đây. Trong mức tăng trưởng chung, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 8,7%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 48,6%, khu vực dịch vụ đóng góp 42,7%...
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, điều này khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng và là động lực chính của tăng trưởng với mức tăng 12,98% (tuy thấp hơn mức tăng của năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng các năm 2012-2016); ngành công nghiệp khai khoáng dù vẫn tăng trưởng âm (giảm 3,11%) nhưng mức giảm đã được thu hẹp đáng kể so với mức giảm 7,1% của năm 2017);...
Nguồn Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính
Về giá cả, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các tháng đầu năm 2018 biến động theo hướng tăng dần từ mức 2,65% của tháng 1 tiến dần đến mức 3,01% (bình quân 5 tháng), tăng với tốc độ nhanh hơn trong 2 tháng tiếp theo, lên mức 3,45% (bình quân 7 tháng) và dần ổn định trong khoảng 3,5 - 3,6% trong các tháng cuối năm. Trong cơ cấu CPI bình quân năm 2018, nhóm thuốc và dịch vụ y tế, nhóm giáo dục và nhóm giao thông có mức tăng cao nhất (tăng từ 6,31 - 10,82%) và là nhân tố chính tạo nên mức tăng chung; tiếp đến là nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 3,32% do tác động của giá các nhóm hàng năng lượng và sự phục hồi của thị trường bất động sản; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,23% do các mặt hàng gạo, thịt lợn có những giai đoạn tăng cao; các nhóm còn lại chỉ tăng từ 1,24 - 2,44%...
Để có được kết quả này, Đảng và Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng và chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp ứng phó với biến động của thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh, điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ như: xăng dầu, điện, dịch vụ giáo dục… theo hướng giảm giá, hạn chế hoặc giãn tiến độ tăng giá trong năm 2018. Cụ thể như: Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh; Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ kiên định với mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát... Nhờ đó, năm 2018, CPI bình quân chỉ tăng 3,54% so với bình quân của năm 2017 - thấp hơn mục tiêu 4% mà Quốc hội đã đề ra.
Nhận định về tình hình tăng trưởng và lạm phát của năm 2018, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: GDP đạt 7,08% nhưng CPI ước tăng khoảng 3,54% là thành công kép của nước ta. Bởi lẽ, nếu GDP tăng cao mà lạm phát cũng tăng quá mức thì sự phát triển không có ý nghĩa trọn vẹn.
TSKH. Nguyễn Thị Hiền cũng đánh giá: 2018 là một năm thành công của Chính phủ đối với quá trình điều tiết kinh tế vĩ mô. Một trong những kết quả nổi bật nhất ở đây là việc thực thi chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước đã chủ động can thiệp vào thị trường ngoại hối, làm tăng đáng kể dự trữ ngoại tệ, đảm bảo ngoại tệ cho công tác xuất khẩu, đồng thời giữ mức tăng hợp lý cho đồng Đôla, giúp cho thị trường tiền tệ được vận hành thông suốt, không gây áp lực lên lạm phát. Bên cạnh đó, kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tạm lùi thời điểm tăng thuế môi trường đối với xăng dầu đến ngày 01/01/2019 cũng như các giải pháp giãn tiến độ một số dự án chi tiêu công, hạn chế diện và mức điều chỉnh các dịch vụ công, lùi thời hạn điều chỉnh giá điện… cũng góp phần giảm yếu tố chi phí đẩy trong câu chuyện lạm phát của năm 2018.
Kinh tế năm 2019 liệu có tiếp tụcđược đà bứt phá?
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã được Quốc hội thông qua với mục tiêu GDP tăng 6,6 - 6,8%, tốc độ tăng CPI khoảng 4%. Liên quan đến cặp đôi chỉ tiêu này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: Năm 2019, việc giữ lạm phát khoảng 4% là một thách thức không nhỏ khi giá dịch vụ công tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá. Hơn nữa, kinh tế năm 2018 đã thực sự khởi sắc, liệu năm 2019 có tiếp tục được đà bứt phá đó? Nhiệm vụ đặt ra cho năm tới là vô cùng nặng nề, bởi kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tăng trưởng 6,6 - 6,8% trên nền tăng trưởng cao là không dễ dàng, nhất là khi kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, kinh tế trong nước còn khó khăn, nhiều động lực cho tăng trưởng đã tới giới hạn.
TSKH. Nguyễn Thị Hiền nhận định: Do cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt, đặc biệt là chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có hồi kết, xu hướng tăng giá dầu, biến đổi khí hậu và thiên tai diễn biến khó lường... nên có thể 2019 là năm khó khăn đối với kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Một giải pháp được cho là khả thi nhất đối với nước ta trong năm 2019 là tiếp tục cải cách để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng và kiềm chế lạm phát.
Liên quan đến chỉ tiêu CPI của năm 2019, đại diện Bộ Công Thương dự báo: Mặt bằng giá hàng hóa tương đối thuận lợi, nhất là nhóm nhiên liệu năng lượng các tháng cuối năm 2018, sẽ là thách thức lớn cho việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2019 theo chỉ tiêu Quốc hội giao. Vấn đề này đòi hỏi phải có sự phối hợp điều hành quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương ngay từ những tháng đầu năm.
Cục Quản lý giá cho biết: Việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý theo lộ trình thị trường, giá nhóm dịch vụ chuyển từ phí sang giá, biến động phức tạp của giá xăng dầu và các hàng hóa cơ bản khác trên thị trường thế giới, xu hướng tăng giá của đồng Đôla Mỹ tác động đến tỷ giá trong nước sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong năm 2019. Để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2019 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động với một số giải pháp cụ thể.
THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 02 ra ngày 10-01-2019