Thanh Hóa: Điểm sáng về kinh tế đến từ 3 trụ cột

9 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa duy trì tăng trưởng cao, trên từng lĩnh vực đều có bước phát triển tích cực. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,46% (đứng thứ 2 cả nước sau tỉnh Bắc Giang). Trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,43%; công nghiệp - xây dựng tăng 18,85%; dịch vụ tăng 7,23%... Nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ tiếp tục với thành tích nổi trội

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn

Thanh Hóa là địa phương có đầy đủ các đặc điểm địa hình miền núi, trung du, đồng bằng, chính là điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa phát triển các lĩnh vực sản xuất: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, đã có thêm các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11/01/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa “Về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã tạo bước chuyển biến lớn trong ngành nông nghiệp, từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ vào trồng trọt.

nong-nghiep-thanh-hoa.jpg
Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ vào trồng trọt

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, 9 tháng năm 2024, địa phương đã thu hút 4.160 tỷ đồng cho 12 dự án nông nghiệp lớn. Thời điểm hiện nay, Thanh Hóa đã phát triển được hơn 1.200 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có một số doanh nghiệp lớn, có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư dự án, mở chi nhánh tại Thanh Hóa như: Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, Công Ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH nông nghiệp GOLDEN GOAT, Tập đoàn Mavin, Công ty TNHH Newhope… Có một số doanh nghiệp chăn nuôi gắn với nhà máy chế biến, giết mổ lớn như: Tập đoàn Vinamilk, Tập đoàn TH Truemilk, Tập đoàn Xuân Thiện, Tập đoàn Hoà Phát, Công ty Phú Gia…

Đặc biệt, trong 9 tháng có thêm 1 huyện, 4 xã đạt chuẩn NTM, 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 14 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 364/465 xã, 717 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 110 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 27 xã, 508 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ngoài ra, toàn tỉnh có thêm 68 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp tỉnh, nâng tổng số sản phẩm OCOP cấp tỉnh lên 531 sản phẩm.

Công nghiệp khẳng định vai trò nền tảng

Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh để khẳng định vai trò nền tảng quan trọng của nền kinh tế. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IP) 9 tháng ước tăng 20,2% so với cùng kỳ; có 16/19 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng và một số sản phẩm tăng mạnh. Một điểm sáng rất đáng kể là trong thời gian qua, Thanh Hóa đã tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) đoạn qua địa bàn tỉnh đảm bảo tiến độ. Đồng thời, có nhiều đóng góp tích cực góp phần đưa dự án về đích theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, sau khi bảo dưỡng lần 1 thành công, từ cuối năm 2023 đến nay, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn luôn vận hành vượt từ 15 - 20% công suất thiết kế. Cũng trong năm 2024 này, nhà máy từng đón những chuyến tàu VLCC (tàu chở dầu thô rất lớn) cung cấp dầu cho nhà máy. Những chuyến tàu này đã đóng góp tới 13.761 tỷ đồng cho ngân sách, chiếm 83,4% tổng số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh. Đây cũng là động lực chính khiến thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu hiện đã vượt 21,8% dự toán và tăng 43,1% so với cùng kỳ.

loc-dau-nghi-son.jpeg
Sau kỳ bảo dưỡng, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn luôn vận hành vượt từ 15 - 20% công suất thiết kế

Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, không chỉ từ “hạt nhân” nhà máy lọc hóa dầu, bước sang năm 2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn cơ bản ổn định. Các doanh nghiệp đã tạo ra khối lượng hàng hóa với giá trị hơn 200.251 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ; mang lại nguồn thu ngân sách lên tới 21.151 tỷ đồng, tăng 112% so với cùng kỳ. Ngoài Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, có thể kể đến các DN tên tuổi mang lại nguồn thu ngân sách lớn trong năm nay, như: Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2; Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn; Công ty Xi măng Nghi Sơn...

Hệ thống sản phẩm du lịch liên tục được làm mới

Năm 2024, ngành du lịch Thanh Hoá đặt mục tiêu đón 13,8 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 32,3 nghìn tỷ đồng. 9 tháng đầu năm, tỉnh Thanh Hóa đánh dấu qua sự tiếp tục phát triển của ngành dịch vụ, một số lĩnh vực phát triển mạnh. Trong đó, hoạt động du lịch diễn ra sôi động nhờ việc đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới như: Công viên nước Sun World Sầm Sơn, Tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi Flamingo Ibiza Hải Tiến... Nhờ đó, trong 9 tháng, toàn tỉnh ước đón 14,4 triệu lượt khách, tăng 19,6%; tổng thu du lịch ước đạt 31.935,5 tỷ đồng, tăng 39,2% so với cùng kỳ.

du-lich-thanh-hoa.jpg
Hệ thống sản phẩm du lịch liên tục được làm mới, đa dạng, tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh

Để đạt được các con số ấn tượng trên, theo đánh giá của các chuyên gia, du lịch xứ Thanh "ghi điểm" với hàng loạt hoạt động trải nghiệm hấp dẫn như: trượt zipline, đua xe công thức, đua thuyền kayak, trượt cỏ, bắn súng sơn, các trò chơi dân gian... 145 sự kiện, trong đó, có 85 sự kiện văn hóa, 30 sự kiện thể thao và 30 sự kiện được tổ chức trải dài trong cả năm. Đặc biệt, bữa tiệc Countdown (đếm ngược) chào đón năm mới 2024 đầy sôi động ở các điểm đến, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Cùng với đó, hệ thống sản phẩm du lịch liên tục được làm mới, đa dạng, tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh. Các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội du lịch trong tỉnh tăng cường liên kết triển khai các hoạt động quảng bá, kích cầu du lịch. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch; tập trung khai thác các phân khúc thị trường khác, các sản phẩm thế mạnh của từng địa phương như: du lịch biển, du lịch golf, du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh, du lịch ẩm thực... Thành công đó còn nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị, địa phương và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong toàn tỉnh.

Có thể khẳng định, với sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và những thành quả quan trọng đạt được trong 9 tháng, sẽ tạo nền tảng căn bản để cán đích các mục tiêu cả năm, qua đó góp phần làm sáng lên bức tranh kinh tế - xã hội Thanh Hóa năm 2024.

Cùng chuyên mục
  • Vietcombank tiếp tục nằm trong top Thương hiệu mạnh Việt Nam
    một tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Chương trình Thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2024 được tổ chức vào ngày 16/10 tại thành phố Hà Nội đã bình chọn Vietcombank là thương hiệu mạnh dẫn đầu ngành ngân hàng và xếp thứ 3 trong Top 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam.
  • Vinh danh các thương hiệu mạnh Việt Nam
    một tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Chiều 16/10, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) đã tổ chức Chương trình Thương hiệu mạnh Việt Nam lần thứ 21 (2003-2024) và Lễ công bố, vinh danh TOP 10 – TOP 50 Thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2024.
  • Sửa các luật về đầu tư: Không tạo thêm khó khăn, bất lợi cho người dân, doanh nghiệp
    một tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và Luật Đấu thầu (Luật sửa 4 luật) cần đảm bảo tính khả thi, không để xảy ra tình trạng sửa đổi nhưng lại tạo các khó khăn, vướng mắc, bất cập mới hoặc gây thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước và gây bất lợi cho người dân, doanh nghiệp.
  • Ngành nông nghiệp vượt khó, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế
    một tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Nhờ đổi mới tư duy sản xuất gắn với thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, ngành nông nghiệp đã vượt qua khó khăn để khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã trao đổi với Báo Kiểm toán về những kết quả ấn tượng trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu và nỗ lực của ngành nông nghiệp để hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất.
  • Cho vay liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao với lãi suất thấp
    một tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Văn bản số 8364/NHNN-TD hướng dẫn một số nội dung để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức triển khai cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao.
Thanh Hóa: Điểm sáng về kinh tế đến từ 3 trụ cột