Thành phố Hồ Chí Minh: Dành nguồn lực cho chuyển đổi xanh và phát triển bền vững

(BKTO) - Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế xanh với chủ đề "Net zero – Đường đến phát triển bền vững" vừa được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định TP. Hồ Chí Minh dành nguồn lực tương xứng cho chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

l_toan-canh-dien-dan.jpg
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế xanh. Ảnh: Nguồn tainguyenvamoitruong.vn

Diễn đàn Kinh tế xanh với chủ đề "Net zero – Đường đến phát triển bền vững" có sự tham dự các các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước cùng các doanh nghiệp quan tâm đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.

Việt Nam cam kết và đang hành động mạnh mẽ để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. Với vai trò là trung tâm lớn của cả nước, TP. Hồ Chí Minh cam kết và sẽ tiên phong trong thực hiện mục tiêu này.

l_ong-phan-van-mai-chu-tich-ubnd-thanh-pho-ho-chi-minh-phat-bieu-tai-dien-dan.jpg
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế xanh. Ảnh: Nguồn tainguyenvamoitruong.vn

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ, TP. Hồ Chí Minh xác định chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Trên thực tế, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành các chiến lược, kế hoạch về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, về chuyển đổi năng lượng, về phát triển đô thị bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và các chuyên ngành có liên quan.

Tuy nhiên, những việc đang được triển khai chưa đầy đủ, TP. Hồ Chí Minh đang trong quá trình cập nhật về chiến lược, quy hoạch, xây dựng các thể chế, chính sách để thúc đẩy chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn, hướng tới phát triển bền vững hơn.

Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển TP. Hồ Chí Minh và gần đây là Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh là những định hướng, khung pháp lý về thể chế rất quan trọng để TP. Hồ Chí Minh có điều kiện hơn trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Thời điểm này, TP. Hồ Chí Minh đang rà soát, cập nhật quy hoạch, đặc biệt là ban hành hệ thống chính sách cho chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, các chính sách tập trung hỗ trợ và thúc đẩy sự chuyển đổi về năng lượng, công nghệ, mô hình sản xuất và tiêu dùng, trong đó doanh nghiệp là trung tâm tiếp nhận các chính sách để triển khai và đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi xanh.

Tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xanh (hạ tầng năng lượng, hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội) với những bộ tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật, những tiêu chí được cập nhật dựa trên các thông lệ quốc tế.

Việc xây dựng nguồn nhân lực xanh cần sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của các cơ quan chức năng, lãnh đạo các doanh nghiệp và người dân TP. Hồ Chí Minh; để thực hiện tốt việc này cần tìm kiếm các cách thức hiệu quả mà thế giới đang làm để áp dụng vào TP. Hồ Chí Minh.

Trong mục tiêu chung tiến đến trung hòa carbon vào năm 2050, TP. Hồ Chí Minh chọn Cần Giờ để xây dựng thí điểm trước. Xây dựng kế hoạch để Cần Giờ thực hiện không phát thải đến năm 2030, tập trung vào chuyển đổi các phương tiện trên địa bàn sử dụng năng lượng thân thiện; sử dụng năng lượng sạch; xử lý rác thải, chất thải với công nghệ tiên tiến; đánh giá và thực hiện thí điểm tín chỉ carbon trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Người đứng đầu chính quyền TP. Hồ Chí Minh khẳng định, TP. Hồ Chí Minh sẽ dành nguồn lực tương xứng cho quá trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững để cùng với các nỗ lực của quốc gia trong thực hiện mục tiêu đến năm 2050 phát thải ròng bằng 0./.

Cùng chuyên mục
Thành phố Hồ Chí Minh: Dành nguồn lực cho chuyển đổi xanh và phát triển bền vững