Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics

(BKTO) - TP. Hồ Chí Minh phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đạt 15% vào năm 2025, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025 đạt 10%, góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10-15%.

theo-cac-chuyen-gia-dn-tphcm-can-day-manh-ung-dung-thuong-mai-dien-tu-chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-logistics-va-he-thong-cang-bien.-anh.jpg
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics và hệ thống cảng biển. Ảnh: Nguồn tphcm.chinhphu.vn

TP. Hồ Chí Minh có nhiều thuận lợi trong ASEAN về thương mại và vận tải quốc tế khi tiến hành hội nhập kinh tế quốc tế liên tục được mở rộng phát triển. Trước lợi thế đó, TP. Hồ Chí Minh đầu tư kịp thời cho lĩnh vực logistics để duy trì và phát huy được thế mạnh là cửa ngõ giao thương của cả khu vực phía Nam, đóng góp lớn hơn cho kinh tế TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

TP. Hồ Chí Minh xác định logistics có vai trò là ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế. TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt Đề án "Phát triển ngành logistics TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", với trọng tâm phát triển kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI.

Theo Đề án, TP. Hồ Chí Minh xây dựng 08 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750ha. Ngoài ra, các dự án có chức năng "tương tự trung tâm logistics" như kho lạnh ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc; kho thương mại điện tử ở Củ Chi đang được các doanh nghiệp triển khai xây dựng; yêu cầu cao về kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, vốn, năng lực, kinh nghiệm xây dựng, quản lý, vận hành của nhà đầu tư.

TP. Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2030 phát triển cảng biển Thành phố đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao và đến năm 2050, xây dựng hoàn thiện cảng biển TP. Hồ Chí Minh đồng bộ, hiện đại ngang tầm với khu vực và thế giới, đáp ứng các tiêu chí cảng xanh. Theo các chuyên gia, để hoàn thành được mục tiêu này, ngành logistics cần chuẩn bị về nhân lực, khoa học, công nghệ, kỹ thuật nhằm xây dựng và quản lý hiệu quả, khai thác tối đa, phát huy tiềm năng của cảng biển phù hợp với xu hướng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tại Hội thảo "Nâng cao năng lực hệ thống logistics và cảng biển TP. Hồ Chí Minh hướng đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và liên kết vùng", các diễn giả, nhà khoa học đã chia sẻ, cung cấp thông tin về hoạt động phát triển và định hướng ngành logistics của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận với nhiều nội dung quan trọng, có ý nghĩa thiết thực nhằm đẩy mạnh phát triển ngành logistics như: Ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics và hệ thống cảng biển; giải pháp phát triển logistics xanh trong xu hướng phát triển bền vững đáp ứng xu hướng phát triển thành phố và giải pháp liên kết phát triển vùng; nhu cầu nguồn nhân lực cảng và logistics phục vụ cho mục tiêu phát triển TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Với vai trò là trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%, góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10-15%./.

Cùng chuyên mục
Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics