Thành phố Hồ Chí Minh: Phấn đấu trở thành Trung tâm Y tế của ASEAN

(BKTO) - Nhằm phát triển hệ thống y tế đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn, phấn đấu sớm trở thành Trung tâm Y tế chuyên sâu của khu vực ASEAN, ngành y tế TP. Hồ Chí Minh triển khai nhiều chương trình hợp tác để nghiên cứu phát triển mô hình đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế.

bv-tu-du-cap-cuu-benh-nhan_screenshot-2024-02-27-115108.png
Bệnh viện Từ Dũ cấp cứu bệnh nhân. Ảnh sưu tầm

Trong thời gian qua, ngành y tế TP. Hồ Chí Minh đã khởi động hoạt động hợp tác để nghiên cứu phát triển mô hình đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế từ kinh nghiệm và chia sẻ của hệ thống y tế Anh quốc.

 Hiện một số dự án phát triển cơ sở hạ tầng của các đơn vị thuộc ngành y tế Thành phố đã được Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh thông qua chủ trương triển khai theo phương thức hợp tác công - tư, trong đó có phát triển loại hình khám sức khỏe và tầm soát bệnh bằng công nghệ cao theo mô hình Nigen Dock của Nhật Bản.

Ngành y tế Thành phố cũng đã hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới trong triển khai Chương trình quản lý bệnh không lây theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (Chương trình WHO PEN). Tìm hiểu, nghiên cứu phát triển mô hình y học gia đình của hệ thống y tế Cuba, sớm ký kết bản ghi nhớ với Bộ Y tế Cuba về những hoạt động hợp tác trong tương lai.

Năm 2023, lần đầu tiên, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã ký kết Thỏa thuận hợp tác và phát triển trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn từ nay đến năm 2025 với sở y tế 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ.

Các thỏa thuận hợp tác được ký kết như hợp tác song phương giữa các cơ sở y tế (hợp tác chuyển giao kỹ thuật giữa bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện địa phương; hợp tác chuyên môn giữa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh và thành phố; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước giữa các sở y tế, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của từng đơn vị, địa phương); ký kết hợp tác xây dựng và phát triển mạng lưới y tế chuyên sâu từ bệnh viện tuyến cuối đến tuyến y tế cơ sở, từ TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Việc phát triển y tế chuyên sâu nói riêng và phát triển toàn hệ thống y tế nói chung của ngành y tế TP. Hồ Chí Minh không chỉ để phục vụ cho người dân Thành phố mà còn chủ động liên kết chặt chẽ với hệ thống y tế các tỉnh, thành thuộc vùng Đông Nam Bộ, ĐBSCL và các vùng lân cận khác để chăm lo sức khỏe nhân dân của cả khu vực. Điều này cũng được chỉ rõ tại Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mới đây, Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 đã phối hợp triển khai thành công kỹ thuật thông tim cho bào thai bị hẹp động mạch phổi, một kỹ thuật chuyên sâu rất mới và rất khó, lần đầu tiên được thực hiện thành công tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Trong thời gian tới, ngành y tế Thành phố tiếp tục đẩy mạnh hợp tác chuyên môn giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đầu ngành trên địa bàn để phát triển thành một trung tâm chuyên sâu của khu vực, cụ thể như hợp tác triển khai trung tâm khám sức khỏe và tầm soát bệnh bằng công nghệ cao; hợp tác phát triển mô hình bệnh viện chấn thương (thay vì chỉ chuyên về chấn thương chỉnh hình); hợp tác giữa Trung tâm Cấp cứu 115 của Thành phố với Bệnh viện Quân y 175 phát triển loại hình cấp cứu đường không trong tương lai; hợp tác giữa Trung tâm Hiến ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy với các bệnh viện của Thành phố trong triển khai kỹ thuật ghép tạng./.

Cùng chuyên mục
Thành phố Hồ Chí Minh: Phấn đấu trở thành Trung tâm Y tế của ASEAN