Thành phố Hồ Chí Minh thông qua nhiều nghị quyết

(BKTO) - Khép lại Kỳ họp thứ 10 Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Hồ Chí Minh khóa X, nhiều nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh đã được thông qua, đặc biệt là Nghị quyết về triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh (Nghị quyết 98).

toan-canh-ky-hop-thu-x-hdnd-khoa-x.jpg
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 10 HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa X. Ảnh: Nguồn hochiminhcity.gov.vn

Sau việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 98, các đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh đã nhất trí thông qua Nghị quyết của HĐND TP. Hồ Chí Minh về triển khai thực hiện Nghị quyết 98, xác định trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị. Trao đổi tại kỳ họp, các đại biểu cho rằng, Nghị quyết 98 mang tính đột phá cao, mở rộng quyền về sử dụng ngân sách, về công tác nhân sự, cho thí điểm thực hiện các hình thức (BT, BOT), mô hình huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và biểu quyết thông qua nghị quyết với tinh thần đồng tâm hiệp lực, sẵn sàng tâm thế cụ thể hóa từng cơ chế, chính sách nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết 98.

dai-bieu-hdnd-tp-bieu-quyet-thong-qua-nghi-quyet-trien-khai-thuc-hien-nghi-quyet-98-cua-quoc-hoi.png
Đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa X biểu quyết thông qua Nghị quyết triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội. Ảnh: Nguồn hochiminhcity.gov.vn

Việc TP. Hồ Chí Minh được trao các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98 của Quốc hội là thời cơ, điều kiện thuận lợi để TP. Hồ Chí Minh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và huy động nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, các đại biểu thảo luận, thông qua Nghị quyết triển khai thực hiện Nghị quyết 98 với các nội dung rành mạch, rõ ràng để cán bộ thực thi công vụ thực hiện. HĐND TP. Hồ Chí Minh cần chú trọng giám sát thực hiện nhiệm vụ giám sát, có kết hợp với kiểm tra, giám sát của Đảng, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và giám sát của nhân dân, nhằm kịp thời ngăn chặn, không để xảy ra những rủi ro lớn.

Lợi ích của công tác giám sát đã được khẳng định. Ngoài việc phát hiện sớm, ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, giám sát còn giúp xác định được cán bộ, công chức, viên chức dấn thân trong công việc cũng như nhận diện rõ các trường hợp né tránh, đùn đẩy làm công việc trì trệ. Đặc biệt, đối với các hoạt động nhạy cảm (như dự án BT, BOT từng có bất cập trong triển khai) nói riêng và các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98 nói chung, càng phải chú trọng giám sát trong quá trình thực hiện. Qua đó nhằm góp phần triển khai, đưa Nghị quyết 98 vào đời sống hiệu quả và ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực có thể xảy ra.

Thực tiễn trong thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện hàng loạt biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực hiệu quả. Quy trình giải quyết hồ sơ liên quan đến người dân, doanh nghiệp không ngừng được thực hiện công khai, minh bạch và điều chỉnh, cải tiến quy trình, ứng dụng công nghệ hiện đại trong giải quyết hồ sơ. TP. Hồ Chí Minh thực hiện định kỳ chuyển đổi công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại một số vị trí liên quan đến quản lý ngân sách, tài sản nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng. Riêng năm 2022, TP. Hồ Chí Minh chuyển đổi vị trí công tác hơn 2.300 cán bộ, công chức, viên chức tư pháp - hộ tịch, văn hóa - xã hội, y tế, kế toán, thủ quỹ, xây dựng, địa chính - nhà đất.

Hoạt động phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn từ khi Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP. Hồ Chí Minh được thành lập vào năm 2022. Cùng với việc rà soát, đưa các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp vào diện theo dõi, chỉ đạo, Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP. Hồ Chí Minh còn thảo luận, xác định các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực để chỉ đạo thực hiện kiểm tra, giám sát. Mặc dù thời gian hoạt động chưa dài, nhưng Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố đã triển khai khá toàn diện các mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ và bước đầu góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Với các cơ chế, chính sách đặc thù, Nghị quyết 98 đã đẩy mạnh phân cấp, trao cho TP. Hồ Chí Minh nhiều quyền hạn mới; bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan Trung ương, TP. Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các cơ chế phòng ngừa, như xây dựng, thực hiện tốt Chương trình kiểm tra, giám sát và cơ chế kiểm soát quyền lực giúp ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực hiệu quả; phân công, bố trí lại cán bộ phù hợp, góp phần quan trọng để TP. Hồ Chí Minh thực hiện sứ mệnh phát triển trong các tháng cuối năm 2023 và những năm tới./.

Cùng chuyên mục
Thành phố Hồ Chí Minh thông qua nhiều nghị quyết