Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm

(BKTO) - Công tác triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết 98 đã được TP. Hồ Chí Minh, tập trung thực hiện từ sớm và xác định đây là nhiệm vụ hàng đầu cần sự quyết tâm cao của các sở, ban, ngành, địa phương.

cac-db-bieu-quyet-thong-qua-nghi-quyet.-anh.jpg
Các đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh biểu quyết thông qua Nghị quyết. Ảnh: Nguồn sggp.org.vn

Tại kỳ họp thứ 10 vừa qua, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa một số nội dung của Nghị quyết 98 như: nâng trần trung hạn 2021-2025, bố trí vốn ngân sách Thành phố cho công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm; bố trí thêm 2.900 tỷ đồng vốn ngân sách Thành phố tham gia vào công trình đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài.

Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ trách nhiệm, thời gian cho thủ trưởng từng sở, ban, ngành, đơn vị. Dự kiến kỳ họp HĐND vào tháng 9, UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ trình 19 tờ trình; và kỳ họp cuối năm vào tháng 12 sẽ trình 7 tờ trình cụ thể hóa các cơ chế, chính sách tại Nghị quyết 98, bao gồm: tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của TP. Thủ Đức; các nội dung phân cấp, ủy quyền; xây dựng một số dự án BOT, thành lập Sở An toàn thực phẩm.

Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh dự kiến được thành lập vào cuối năm 2023, sau khi HĐND Thành phố thông qua Tờ trình của UBND tại kỳ họp tháng 12 tới.

Thông tin nêu trong Kế hoạch chuẩn bị nội dung trình HĐND được quy định tại Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh vừa được Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi ban hành.

Theo Nghị quyết 98 được Quốc hội ban hành ngày 24/6, Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh, có chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Với quy mô dân số hơn 10 triệu người, TP. Hồ Chí Minh là đầu mối lưu thông lượng lớn thực phẩm được sản xuất trong nước và nhập khẩu. Việc thành lập Sở An toàn thực phẩm được cho là cấp thiết đối với một đô thị đặc biệt như TP. Hồ Chí Minh.

TP. Hồ Chí Minh đã có hơn 6 năm thực hiện thí điểm hoạt động Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, từ tháng 12/2016. Theo đánh giá, đơn vị này vẫn còn nhiều hạn chế về chức năng, quyền hạn so với sở, nhiều quy định chưa có đã cản trở hoạt động của ban. Do đó, việc chuyển từ ban lên sở sẽ giúp đơn vị tháo gỡ nhiều khó khăn và phát huy tối đa hiệu quả hoạt động.

Theo quy trình, UBND TP. Hồ Chí Minh đã lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành liên quan và hoàn chỉnh nội dung Dự thảo Đề án Thành lập Sở An toàn thực phẩm. Tiếp đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ trình Thủ tướng phê duyệt Dự thảo Đề án.

Nếu được thành lập, TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước có Sở An toàn thực phẩm.

Để đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong tham mưu các nội dung. Việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các nội dung phải chặt chẽ, đầy đủ, đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng từng nội dung.

Hiện nay, các địa phương đang nhập cuộc khẩn trương với các nhiệm vụ cụ thể như: rà soát nguồn nhân sự quy hoạch để triển khai tổ chức thực hiện bổ sung phó chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn từ 50.000 dân trở lên.

TP. Thủ Đức đã hoàn thiện Dự thảo Tờ trình Kiện toàn tổ chức bộ máy của thường trực và các ban HĐND TP. Thủ Đức.

UBND quận Bình Tân đã ban hành Kế hoạch, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị chủ động thiết kế, triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách trên địa bàn huyện để phù hợp với thực tiễn./.

Cùng chuyên mục
Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm