Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc, quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, đầu tư trong thực tiễn đã bộc lộ nhiều bất cập, gây vướng mắc, khó khăn.
Nhận thức được điều đó, Bộ KH&ĐT đã rà soát và trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức PPP và Luật Đấu thầu nhằm xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai. Từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn trong hoạt động quy hoạch, đầu tư, sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo đại diện Bộ KH&ĐT, dự án Luật mới sẽ sửa đổi Luật Quy hoạch theo hướng hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch quốc gia, sửa đổi nội dung quy hoạch tỉnh nhằm tránh trùng lặp giữa quy hoạch tỉnh với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Đồng thời góp phần đơn giản hoá thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Điều 1 - Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quy hoạch, nêu rõ: Sửa đổi quy định về hệ thống quy hoạch quốc gia tại Điều 5 và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch tại Điều 6 Luật Quy hoạch, bao gồm cả quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, thứ bậc của hệ thống quy hoạch quốc gia.
Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 9 Luật Quy hoạch để quy định các nội dung sau: Việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động quy hoạch liên quan tới quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Chi phí lập, thẩm định, công bố, rà soát, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành sử dụng nguồn chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Đối với Luật Đầu tư, đề xuất sửa đổi theo hướng đẩy mạnh phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh, bổ sung quy định về thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư và sửa đổi quy định về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt cho các dự án đầu tư vào một số lĩnh vực cần ưu tiên thu hút đầu tư.
Tại Điều 2 - Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Bộ KH&ĐT đề nghị bãi bỏ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 31 và bổ sung điểm đ vào khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư để phân quyền cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp.
Sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm d khoản 1 Điều 31 và bổ sung điểm e vào khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư để phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý thuận lợi nhằm thu hút đầu tư theo phương thức PPP, Bộ KH&ĐT đề xuất sửa đổi, bổ sung luật Đầu tư theo phương thức PPP theo hướng mở rộng, đa dạng hóa lĩnh vực, hình thức, phương thức thực hiện dự án PPP, hoàn thiện cơ chế tài chính đối với dự án PPP. Bên cạnh đó, đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước đối với dự án PPP và xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp.
Việc sửa đổi Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức PPP, Luật Đấu thầu có ý nghĩa quan trọng, góp phần triển khai 3 đột phá chiến lược; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; đáp ứng mong muốn của người dân và doanh nghiệp về giảm thủ tục hành chính, chống phiền hà, giảm chi phí tuân thủ; tháo gỡ khó khăn, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng
Điều 3 - Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư nêu: Sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật PPP về lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP theo hướng không hạn chế các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP. Theo đó, trừ các dự án thuộc trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực hoặc dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, dự án PPP được khuyến khích thực hiện đối với tất cả các dự án đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.
Để bảo đảm Bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm khi lựa chọn dự án phù hợp, có tính khả thi để áp dụng phương thức PPP, bổ sung tại Điều 14 điều kiện lựa chọn dự án PPP gồm điều kiện bảo đảm dự án khả năng tạo nguồn thu cho nhà đầu tư và có quy mô phù hợp để thu hút, hấp dẫn nhà đầu tư.
Đối với Luật Đấu thầu, Bộ KH&ĐT cũng đề xuất những quy định rút gọn, tạo thuận lợi để tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu. Trong đó, Bộ đề xuất bổ sung các gói thầu được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đồng thời phân cấp thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức này nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, gói thầu...
Dự luật cho phép chủ đầu tư được thực hiện trước toàn bộ các hoạt động lựa chọn nhà thầu, bao gồm cả việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi quyết định đầu tư được phê duyệt; Cho phép ký kết hợp đồng thương mại trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài đối với gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài và sau khi dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư.../.