
Nhiều thách thức
Theo quy định của Luật BHYT hiện hành, người DTTS đang sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT (do ngân sách nhà nước đóng).
Tuy nhiên, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kon Tum có 25 xã thuộc 8 huyện, thành phố mà người dân không còn thuộc diện được cấp thẻ BHYT miễn phí. Sự điều chỉnh này đã khiến tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh sụt giảm.
Theo BHXH tỉnh, tại thời điểm có chính sách mới, để đảm bảo cho công tác tuyên truyền về những thay đổi chính sách đến đông đảo người dân, cũng như tránh thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng thụ hưởng chính sách, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục kéo dài thời gian hưởng chính sách BHYT cho 51.863 người dân ra khỏi địa bàn được hưởng chính sách BHYT theo Quyết định số 861/QĐ-TTg (hưởng đến hết ngày 31/7/2021, thay vì chấm dứt từ ngày 01/6/2021).
Từ ngày 01/8/2021, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã thực hiện giảm 51.863 thẻ BHYT của người dân không còn đủ điều kiện thụ hưởng theo Quyết định số 861/QĐ-TTg; cấp bổ sung 10.830 thẻ BHYT của các xã lên khu vực II, khu vực III. Với sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cùng với việc triển khai quyết liệt các giải pháp của cơ quan BHXH, từ ngày 01/8/2021 đến 31/12/2021 đã vận động được 13.360 người dân tham gia BHYT theo nhóm hộ gia đình và học sinh, sinh viên. Dù vậy, đến cuối năm 2021, tỷ lệ bao phủ BHYT so với dân số vẫn ở mức thấp so với trước đó, chỉ đạt 89,59%. Hàng chục nghìn người bị giảm nhưng chưa tham gia BHYT, đa số đều rất khó khăn về kinh tế.
Nhờ tích cực triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên đến hết tháng 9 vừa qua, tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh Kon Tum đã tăng từ 89,59% thời điểm cuối năm 2021 lên trên 91%. Song, việc thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng, nhất là với đồng bào DTTS của BHXH tỉnh vẫn đang gặp nhiều thách thức.
BHXH tỉnh Kon Tum
Cần có giải pháp phù hợp
Trước yêu cầu nâng tỷ lệ tham gia BHYT để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng như đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ngành chức năng và chính quyền các cấp của tỉnh Kon Tum đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để thực hiện được mục tiêu đề ra trong phát triển đối tượng.
Là huyện có tỷ lệ bao phủ BHYT trên 95%, hiện giảm chỉ còn khoảng 91%, lãnh đạo BHXH huyện Đăk Hà cho biết, đơn vị đang thực hiện phương châm của BHXH tỉnh là “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động người dân tham gia BHYT; tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền đối với từng thôn, từng xã; phát triển mạng lưới nhân viên đại lý thu…
Đây cũng là các giải pháp được BHXH tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện. Đến cuối tháng 9 vừa qua, tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh Kon Tum đã tăng từ 89,59% thời điểm cuối năm 2021 lên trên 91%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để người dân, nhất là đồng bào DTTS cuộc sống còn khó khăn thích ứng được với chính sách mới và tạo được sự bền vững về tỷ lệ dân số tham gia BHYT, trước mắt vẫn cần sự hỗ trợ từ ngân sách.
Những tháng cuối năm, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu, rộng đến người dân trên địa bàn dưới nhiều hình thức, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, miền; tổ chức phân nhóm đối tượng theo các tiêu chí để xác định, đưa ra hình thức vận động phù hợp.
BHXH tỉnh đề xuất Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam tiếp tục xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách đối với người DTTS bị ngừng hỗ trợ thẻ BHYT theo Quyết định số 861/QĐ-TTg để người dân từng bước phát triển sản xuất nhằm ổn định cuộc sống, thích ứng với chính sách mới, không gây biến động đột ngột về chính sách đang được thụ hưởng, nhất là trong điều kiện đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 như giai đoạn hiện nay.
BHXH tỉnh cũng đề nghị HĐND tỉnh quan tâm, hỗ trợ thấp nhất bằng 30% mức đóng cho người bị ngừng hỗ trợ thẻ BHYT gặp nhiều khó khăn. Riêng nhóm học sinh, sinh viên và hộ nông lâm có mức sống trung bình, ngân sách địa phương đã hỗ trợ 10% theo Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND. HĐND tỉnh tăng tỷ lệ hỗ trợ cho hai nhóm này từ 10% lên dần theo từng năm, mỗi năm thêm 10%, đến khi đạt 70% mức đóng của người tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ chú trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người thụ hưởng; giải quyết và chi trả các chế độ đảm bảo đúng, đủ và kịp thời; cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết các quyền lợi về BHYT theo hướng rút gọn, tiện lợi, tạo sự hài lòng của người dân, người lao động về chính sách./.