Nhiều nguyên nhân khiến thu hút PPP giao thông chưa hiệu quả
Nêu câu hỏi tại Phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) chỉ rõ: Thời gian qua, các công trình dự án lớn với phương thức đầu tư PPP của ngành GTVT đã được phê duyệt theo quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Ngoài hạn chế về thu hút qua xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế, thì có hạn chế rủi ro đã xảy ra đối với các tổ chức tín dụng, chỉ dừng lại ở thời hạn bảo lãnh tín dụng, cho vay tín dụng từ 10 đến 15 năm; trong khi khả năng thu hồi vốn hợp lý của các nhà đầu tư là 10, 20 cho tới 30 năm đối với từng dự án PPP. Vấn đề này đặt ra phải có cơ chế và giải pháp đối với từng dự án trọng điểm quốc gia và vùng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT có giải pháp khả thi để tháo gỡ những vướng mắc trên, nhằm thu hút nguồn lực đối với các dự án PPP đã được phê duyệt.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, từ khi Luật PPP được ban hành, việc thu hút các dự án PPP chưa nhiều và chưa hiệu quả. Nguyên nhân là do tình hình kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, do vậy nhiều doanh nghiệp gặp khó. Mặt khác, đầu tư PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông lợi nhuận đem lại không cao, nhưng nhiều vấn đề rủi ro có thể xảy ra liên quan đến hiệu quả các dự án.
Bộ GTVT đang kiến nghị đề xuất sửa đổi Luật PPP trong thời gian tới để đảm bảo triển khai thu hút được nhiều nhà đầu tư vào các doanh nghiệp PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ GTVT
Bên cạnh đó, quy định về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia các dự án PPP hạ tầng giao thông cũng chưa hấp dẫn, tối đa Nhà nước hỗ trợ 50%, nhiều dự án chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn, cho nên phần vốn nhà nước thực chất hỗ trợ cho doanh nghiệp không được nhiều. Chưa kể, một vấn đề rất lớn mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều rất quan ngại, đó là vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng. Thông thường, các dự án PPP của các nước bao giờ cũng tách giải phóng mặt bằng làm trước, khi doanh nghiệp tham gia PPP thì chỉ tập trung việc triển khai dự án.
Nhận diện thực tế trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ tiếp tục có những cơ chế, chính sách điều chỉnh các quy định của pháp luật để thu hút các nhà đầu tư.
“Với tinh thần đó, ngay trong Kỳ họp thứ 6 này, Chính phủ đã trình Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, trong đó có những tháo gỡ để nâng tỷ lệ vốn nhà nước hỗ trợ cho các nhà đầu tư lên mức cao hơn” - Bộ trưởng thông tin.
Tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn thông qua đấu giá quyền thu phí
Chia sẻ với Bộ trưởng Bộ GTVT về khó khăn thu hút nhà đầu tư trong các dự án PPP, đại biểu Quốc hội Phạm Thúy Chinh (Đoàn Hà Giang) chưa đồng tình với Bộ trưởng về giải pháp chỉ nâng vốn nhà nước tham gia dự án PPP để hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân. “Quá tập trung vào nâng vốn nhà nước tham gia dự án PPP dễ trở thành một hình thái khác của đầu tư công” - bà Chinh lo ngại.
Đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng, vấn đề các nhà đầu tư trăn trở nhất hiện nay chính là việc thực hiện các cam kết, nghĩa vụ hợp đồng được quy định trong Luật PPP và hợp đồng ký kết, đặc biệt là cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu. Bên cạnh đó, các bên liên quan tại các dự án PPP cần chú trọng tới cả vòng đời dự án, trong đó có công tác vận hành, bảo trì, thu phí hoàn vốn… tránh tình trạng chỉ tập trung vào giai đoạn xây dựng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu về vấn đề tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP không phải là yếu tố quyết định. “Kinh nghiệm một số quốc gia không khống chế tỷ lệ Nhà nước tham gia bao nhiêu %, thậm chí là 60-70% và đối với dự án tốt, có khả năng thu hồi vốn cao, lưu lượng cao thì Nhà nước chỉ tham gia 20-30%. Tuy nhiên, cũng có dải rộng để chúng ta lựa chọn” - ông Thắng nêu rõ.
Điều quan trọng, theo ông Thắng, chúng ta phải chủ động thay đổi tư duy khi mời gọi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Bộ GTVT đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và sắp tới sẽ phối hợp với các địa phương để tổ chức sớm Hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông.
“Chúng ta tiếp tục đẩy mạnh thu hút nguồn vốn doanh nghiệp thông qua triển khai hình thức nhượng quyền thu phí, đấu giá quyền thu phí. Đây là một nội dung đã đặt ra và thực tế nhiều dự án hiện nay có khả năng đấu giá quyền thu phí để doanh nghiệp tham gia giai đoạn sau. Nhà nước rút vốn ra để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông” - Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh.
Sớm sửa đổi Luật PPP
Tiếp tục tranh luận liên quan đến phần vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP ngành giao thông, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, cần căn cứ tính chất dự án trong từng giai đoạn để quyết định tỷ lệ % vốn nhà nước. Đặc biệt là vốn của Nhà nước vào các dự án ở những vùng khó khăn, xa xôi cần phát triển cơ sở hạ tầng giao thông theo phương thức này.
Theo ông Lộc, hiện nay, việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các dự án PPP giao thông rất khó khăn. Chính vì vậy, nếu có thể tăng được vốn của Nhà nước, thậm chí 85-90%, khi đó chỉ cần vốn đầu tư của tư nhân 10-15% vẫn có khả năng hoàn thành được dự án một cách tốt nhất, không nhất thiết phải có vốn tín dụng của ngân hàng.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc kiến nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật PPP để đàm phán, phù hợp hơn với thực tiễn, bởi không chỉ lĩnh vực giao thông mà các dự án PPP trong các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục… cũng đang bế tắc. Nếu có sự thay đổi sẽ tạo điều kiện cho việc mở rộng phương thức PPP.
Đồng tình với đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ GTVT đang kiến nghị đề xuất sửa đổi Luật PPP trong thời gian tới để đảm bảo triển khai thu hút được nhiều nhà đầu tư vào các doanh nghiệp PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông./.