Thị trường bất động sản đang suy giảm cả về nguồn cung và lượng giao dịch

(BKTO) - Thị trường bất động sản đang suy giảm cả về nguồn cung lẫn lượng giao dịch, trong đó nguồn cung căn hộ mới được đưa vào thị trường cũng như số lượng dự án mới được đầu tư, xây dựng ngày một hạn chế và chưa có dấu hiệu cải thiện.



Trao đổi tại Tọa đàm “Bắt mạch” thị trường bất động sản do Tạp chí Thương gia tổ chức vào chiều 16/9, TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - cho biết, từ năm 2018 đến nay, nguồn cung bất động sản sụt giảm nghiêm trọng.
                
   

Quang cảnh Tọađàm.Ảnh: D.THIỆN

   

Cụ thể, năm 2018, tổng nguồn cung căn hộ mới chào bán ra thị trường là gần 180.000 căn, đến năm 2019 đã giảm xuống còn gần 110.000 căn. Năm 2020, nguồn cung này tiếp tục sụt giảm chỉ còn hơn 90.000 sản phẩm và giảm xuống còn hơn 50.000 sản phẩm vào năm 2021. Trong gần 9 tháng đầu năm 2022, nguồn cung căn hộ mới chào bán ra thị trường chỉ đạt khoảng hơn 32.200 sản phẩm, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguồn cung sụt giảm nghiêm trọng khiến giá bất động sản tăng mạnh, hiện giá bất động sản ở hầu hết các phân khúc đều tăng khoảng 30% so với năm 2021 và cao hơn khoảng 50% so với năm 2019, đặc biệt có một số phân khúc giá tăng đến 100%.

Nguồn cung suy giảm, cộng với giá bất động sản tăng cao khiến tỷ lệ hấp thụ giảm sút rõ rệt. Đơn cử, trong gần 9 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ hấp thụ trên toàn thị trường chỉ ở mức gần 48%, thấp hơn 3,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.

Cũng theo ông Đính, nguồn cung bất động sản trên thị trường sụt giảm có một phần nguyên nhân do khó khăn về nguồn vốn, nhất là sau những động thái thắt chặt quản lý của các cơ quan chức năng khiến “room” tín dụng cho thị trường bất động sản và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ.
                
   

TS. NguyễnVăn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam phát biểu.Ảnh: D.THIỆN

   

Ông Đính cũng cho biết, khi nguồn vốn chảy vào bất động sản bị hạn chế sẽ ảnh hưởng đến nhiều nhóm đối tượng trên thị trường.

Trước hết là các nhà phát triển bất động sản. Hiện nay, vốn tự có của các doanh nghiệp bất động sản thường chỉ đủ để thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng và nộp thuế đất.

Để đầu tư xây dựng công trình, hạ tầng dự án, chủ đầu tư phải tiếp cận với nguồn vốntín dụng từ ngân hàng, phát hành trái phiếu và huy động từ khách hàng. Do đó, nếu dòng vốn bị ngưng trệ thì lập tức các dự án bất động sản phải tạm dừng triển khai.

Nhóm đối tượng thứ hai bị ảnh hưởng là các ngành nghề kinh doanh liên quan như vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị, nội thất… Đây là nhóm đối tượng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng chậm thanh toán của chủ đầu tư, đồng thời bị ảnh hưởng gián tiếp bởi những hệquả chung khi thị trường bất động sản trầm lắng.

Bên cạnh đó, chính hệ thống các ngân hàng thương mại cũng đối mặt với nguy cơ gia tăng nợ xấu khi các dự án bất động sản không thể hoạt động.

Ngoài ra, nhóm khách hàng có nhu cầu mua nhà ở cũng gặp nhiều khó khăn để lựa chọn được sản phẩm phù hợp. Mặt khác, các chủ trương quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng đô thị, nhà ở của các địa phương cũng bị ảnh hưởng, khó có thể hoàn thành mục tiêu đề ra…

Từ thực tế thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn như trên, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cho rằng, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, để các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản có thể đẩy mạnh phát hành trái phiếu, tạo nguồn vốn phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Đính, đối với gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước cần có phương án để phân bổ công bằng cho các lĩnh vực kinh doanh, trong đó có lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là với các dự án đã hoàn thiện về thủ tục pháp lý, các dự án nhà ở xã hội.

Về phía doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản cũng cần chủ động tìm các giải pháp để đa dạng hóa nguồn vốn.

Theo đó, ngoài nguồn vốn tín dụng, doanh nghiệp cần lưu tâm, linh hoạt huy động vốn từ các kênh khác như phát hành trái phiếu, chào bán cổ phần, phát hành cổ phiếu, thuê tài chính, tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT)…

Song song với đó, doanh nghiệp cũng cần đảm bảo việc huy động vốn phải gắn với sử dụng vốn đúng mục đích; đồng thời tăng cườngchú trọng đến việc quản lý rủi ro tài chính… để hoạt động đầu tư, kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất…/.

DIỆU THIỆN
Cùng chuyên mục
Thị trường bất động sản đang suy giảm cả về nguồn cung và lượng giao dịch