Thông qua chủ trương đầu tư dự án giao thông kết nối tỉnh Khánh Hòa với Lâm Đồng, Ninh Thuận

(BKTO) - Sáng 20/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận, với 95,34% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

tc.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Theo Nghị quyết, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận.

Phạm vi Dự án được thực hiện trên địa bàn 02 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.

Dự án sẽ đầu tư khoảng 56,9 km đường cấp III miền núi, tốc độ thiết kế là 60 km/h. Đoạn qua địa hình khó khăn, hiểm trở, độ dốc cao, gấp khúc có tốc độ thiết kế là 40 km/h; 02 làn xe, tổng chiều rộng nền 9m, mặt đường rộng 6m, lề đường 2 bên 3m (gia cố lề mỗi bên 1m), với hình thức đầu tư là đầu tư công.

Về nhu cầu sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng rừng phục vụ Dự án, Nghị quyết nêu rõ, tổng diện tích đất chiếm dụng sơ bộ khoảng 128,96 ha.

Trong đó, Quốc hội đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng và chuyển mục đích sử dụng rừng khoảng 75,58 ha (đất rừng, rừng phòng hộ đầu nguồn khoảng 27,07 ha; đất rừng, rừng đặc dụng khoảng 32,88 ha và đất rừng, rừng sản xuất khoảng 15,63 ha).

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 1.930 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu dự án có tính chất liên kết vùng là 1.000 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách địa phương là 930 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 là 122 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 808 tỷ đồng.

Dự án được thực hiện từ năm 2023 đến hết năm 2027, được phân chia thành 02 Dự án thành phần, gồm dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư; dự án thành phần xây lắp.

Tại Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành Dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình; quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công khai, minh bạch và hiệu quả, không để trục lợi chính sách; bảo đảm cam kết phân bổ đủ 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025.

Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, chịu trách nhiệm về việc thực hiện cam kết của tỉnh Khánh Hòa phân bổ đủ 930 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương và có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án.

Đồng thời thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, bảo đảm phù hợp với điều kiện lâm sinh và đa dạng sinh học; chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu về diện tích rừng, đất rừng.

Cùng với đó là quan tâm công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng; khảo sát, đánh giá, kiểm kê kỹ tài sản của người dân để đền bù thỏa đáng theo quy định của pháp luật; chú trọng bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, sinh kế, việc làm, chuyển đổi nghề cho người dân vùng Dự án.

Hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án vào kỳ họp cuối năm.

Cùng chuyên mục
  • Tháo gỡ khó khăn trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng
    11 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Là một trong những cơ quan được giao nguồn vốn đầu tư công năm 2023 lớn nhất cả nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đang tập trung tối đa nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Trong quá trình triển khai dự án đầu tư đã nảy sinh những bất cập, vướng mắc, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải phối hợp tìm giải pháp tháo gỡ, đặc biệt là trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án đầu tư công.
  • Chính sách nhà ở xã hội: Cần mục tiêu rõ ràng, khả thi, tránh trục lợi
    11 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Các đại biểu Quốc hội đề nghị chính sách phát triển nhà ở xã hội (NOXH) cần theo hướng tăng nhà ở cho thuê để đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập thấp, đồng thời ngăn ngừa tình trạng người có thu nhập cao sở hữu, đầu cơ NOXH.
  • Cần kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân chậm quyết toán vốn đầu tư công
    11 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Năm 2022 vẫn còn 35,5% số dự án hoàn thành chưa phê duyệt quyết toán. Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan gây chậm quyết toán vốn đầu tư công.
  • Còn nhiều dư địa giảm chi phí logistics
    11 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Chi phí logistics của Việt Nam còn cao so với bình quân chung trên thế giới, nhưng đã tiệm cận chỉ tiêu tối thiểu mà Chính phủ đề ra tại Chiến lược phát triển logistics của Việt Nam đến năm 2025 (chi phí logistics chiếm khoảng từ 16-20% GDP).
  • Tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp
    11 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Đại biểu Quốc hội chất vấn Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về những giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường này phát triển an toàn, lành mạnh.
Thông qua chủ trương đầu tư dự án giao thông kết nối tỉnh Khánh Hòa với Lâm Đồng, Ninh Thuận