Thu hút đầu tư - Bàn đạp thúc đẩy du lịch Lạng Sơn cất cánh

Nằm ở khu vực Đông Bắc của Việt Nam có nhiều lợi thế về sự kết hợp phong phú, hài hòa giữa vị trí địa lí, thiên nhiên, tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng và chiều sâu văn hóa của vùng đất. Phát triển du lịch là một trong những lĩnh vực được tỉnh quan tâm hàng đầu và UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương chính sách để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

nui-to-thi-phuong-tam-thanh-tp.-lang-son(3).jpg
Núi Tô Thị, phường Tam Thanh, TP. Lạng Sơn. Ảnh: ST

Điểm sáng đầu tư đánh thức tiềm năng du lịch

Với vị trí là phên dậu phía Đông Bắc của Tổ quốc, Lạng Sơn được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc núi non hùng vĩ. Cùng với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Lạng Sơn được biết đến với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng với truyền thống lịch sử lâu đời, trong đó có những di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đồng thời, với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh… tạo nên một bức tranh văn hóa đa màu, thống nhất. Đồng thời với những sản vật xứ Lạng phong phú độc đáo như đào Mẫu Sơn, na Chi Lăng, thạch đen Tràng Định… nhiều sản phẩm được ghi nhận trong top đặc sản và sản vật Việt Nam.

Tài nguyên về di tích lịch sử, văn hóa là nhân tố hết sức quan trọng để phát triển du lịch Lạng Sơn mà không địa phương nào cũng có. Với những giá trị của hệ thống di tích đem lại như chùa Tam Thanh, đền Kỳ Cùng, động chùa Nhị Thanh, Tam Thanh… Tỉnh đã và đang phát huy có hiệu quả nguồn tài nguyên đó phục vụ phát triển du lịch.

Ngoài thế mạnh về lịch sử tài nguyên thiên nhiên được tạo hóa ban tặng, Lạng Sơn nổi lên như một điểm sáng đầu tư ở khu vực Đông Bắc với lợi thế về vị trí gần cửa khẩu, hạ tầng hoàn thiện nhiều dự án lớn và phát triển đồng bộ thương mại, du lịch. Lạng Sơn là điểm nối quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, cửa ngõ trung chuyển hàng hóa lớn hàng đầu trong nước và các nước ASEAN sang Trung Quốc.

Đồng thời là tỉnh có hai đường biên giới giáp với Quảng Tây - Trung Quốc, 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia, 9 cửa khẩu phụ và các cặp chợ biên giới tạo điều kiện thuận lợi cho Lạng Sơn trở thành điểm giao lưu, trung tâm buôn bán thương mại quan trọng của cả nước. Đó là thế mạnh là điểm tựa vững bền thúc đẩy du lịch phát triển mà không tỉnh miền núi phía Bắc nào có được.

Với tất cả những lợi thế đó, thời gian qua Lạng Sơn đã có bước chuyển mình mạnh mẽ về cả kinh tế và du lịch. Đặc biệt thành phố Lạng Sơn đang dần trở thành đô thị hạt nhân, tính chất là trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp của vùng trung du miền núi phía Bắc, là đầu mối giao thương liên vùng, quốc tế và giao thông quan trọng của hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hải Phòng - Quảng Ninh và vành đai kinh tế Bắc Bộ.

Đánh thức tiềm năng du lịch xứ Lạng từ dự án trọng điểm

du-lich-sinh-thai-cong-dong-chi-lang.jpg
Du lịch sinh thái cộng đồng Chi Lăng. Ảnh: ST

Trong bối cảnh sự bùng nổ phát triển về kinh tế, thương mại sẽ kéo theo sự tăng trưởng về đô thị, thành phố Lạng Sơn đang có nhiều chuyển biến mạnh mẽ về phát triển và nâng cấp đô thị. Một thành phố thương mại cửa khẩu phát triển như Lạng Sơn sẽ đòi hỏi có những khu đô thị xứng tầm với những cơ sở hạ tầng hiện đại và tiện ích đẳng cấp cho tầng lớp thị dân thành đạt. Những dự án tầm cỡ được đánh giá sẽ góp phần tạo ưu thế cho Lạng Sơn về phát triển kinh tế và thu hút du lịch. Một trong những động lực quan trọng thúc đẩy Lạng Sơn phát triển toàn diện là sự hình thành của các dự án quy mô được đầu tư bài bản. Đến nay, địa phương ghi nhận nhiều tập đoàn lớn "đổ bộ" như Sun Group với Khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn; Vingroup với dự án Vincom Lạng Sơn, Vinpearl Lạng Sơn...

Dự án quần thể khu du lịch sinh thái cáp treo Mẫu Sơn của tập đoàn Sun Group đánh dấu một mốc mới trong việc khai thác, phát huy tiềm năng của khu du lịch Mẫu Sơn, đưa khu du lịch này trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

dinh-nui-mau-son-dia-danh-de-nhat-hung-quan.jpg
Đỉnh núi Mẫu Sơn - đệ nhất hùng quan. Ảnh: ST

Khu du lịch Mẫu Sơn trong nhiều năm qua được đánh giá là rất có tiềm năng để phát triển du lịch của tỉnh nhưng chưa được khai thác hiệu quả do hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch của Mẫu Sơn còn nhiều hạn chế.

Chính vì vậy, UBND tỉnh Lạng Sơn đã kêu gọi đầu tư để biến khu du lịch Mẫu Sơn trở thành địa chỉ thu hút khách trong và ngoài nước vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, vừa tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương.

Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn là một dự án trọng điểm trong lộ trình phát triển du lịch Mẫu Sơn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để trở thành khu du lịch quốc gia với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước.

Theo đó, dự án sẽ được Sun Group xây dựng với nhiều hạng mục có tiêu chuẩn và đẳng cấp quốc tế, đưa Mẫu Sơn trở thành một “thị trấn tuyết” độc đáo không chỉ trong nước và trên toàn khu vực, khai phá và đánh thức tiềm năng du lịch to lớn của Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn.

Không những vậy, nằm ngay trên tuyến đường Xuyên Á và tọa lạc gần kề cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tiếp giáp Trung Quốc, một trong những nền kinh tế năng động lớn nhất thế giới, Mailand Hoàng Đồng sở hữu một địa thế đắt giá và tiềm năng hiếm thấy. Quần thể siêu dự án gồm các trung tâm giao thương, mua sắm phi thuế quan, công viên rừng sinh thái tích hợp công nghệ thông minh, sân golf và casino tiêu chuẩn quốc tế, cáp treo, trạm dừng chân độc đáo và hàng nghìn tiện ích từ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp ẩm thực đến giáo dục, thể thao...

Xung quanh dự án cũng hội tụ nhiều di sản văn hóa, lịch sử và thắng cảnh nổi tiếng, kết hợp với quần thể sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp của dự án tạo nên “trấn danh cửu cảnh” của Lạng Sơn.

thac-ban-khieng.jpg
Thác Bản Khiếng. Ảnh: ST

Có thể nói, sự hiện diện của các quần thể dự án từ các nhà đầu tư đã góp phần thay đổi diện mạo Lạng Sơn, đáp ứng được yêu cầu phát triển và quảng bá hình ảnh của tỉnh, đồng thời phát triển đô thị gắn với các chức năng đảm bảo sinh kế cho cộng đồng. Các dự án đã đánh thức tiềm năng du lịch của tỉnh vốn bị ngủ quên trong thời gian dài, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong những năm tới, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân .

Các dự án từ nhà đầu tư được kỳ vọng sẽ biến những tiềm năng to lớn của Lạng Sơn trở thành nguồn lực, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch Lạng Sơn bứt phá, đồng thời gia tăng công ăn việc làm cho người dân địa phương, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo hướng bền vững, chuyên nghiệp./.

Cùng chuyên mục
Thu hút đầu tư - Bàn đạp thúc đẩy du lịch Lạng Sơn cất cánh