Thu ngân sách của ngành hải quan gặp khó khăn

(BKTO) - 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) ở hầu hết nhóm, ngành hàng quan trọng giảm mạnh khiến việc thu ngân sách của ngành hải quan đối mặt với nhiều khó khăn.

13.jpg
Công chức Hải quan kiểm tra một lô hàng nhập khẩu. Ảnh: ST

Số thu ngân sách nhà nước của ngành hải quan giảm 19,2%

Cục Thuế XNK, Tổng cục Hải quan cho biết, 8 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu chịu thuế đạt 79,5 tỷ USD, bằng 53% dự toán, giảm 19,1% và kim ngạch xuất khẩu chịu thuế đạt 4,7 tỷ USD, bằng 57,5% dự toán, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Cùng với đó, kim ngạch nhiều nhóm, ngành hàng giảm mạnh. Dẫn đầu là nhóm các mặt hàng nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất như: Than, hóa chất và sản phẩm hóa chất, chất dẻo, sắt thép và phế liệu, nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô… chiếm 56% tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế đã giảm 23,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp theo là nhóm xăng dầu nhập khẩu đạt 5,8 triệu tấn, trị giá đạt 4,7 tỷ USD, tăng 27,4% về lượng nhưng giảm 1,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Riêng nhóm hàng ô tô nguyên chiếc các loại có kim ngạch nhập khẩu có thuế đạt 86.585 chiếc, trị giá đạt 2 tỷ USD, giảm 9,9% về lượng và giảm 9,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Đại diện Cục Thuế XNK cho biết thêm, số thu 8 tháng qua giảm chủ yếu do kim ngạch nhập khẩu chịu thuế giảm. Thống kê của ngành hải quan cho thấy, 8 tháng giảm thu khoảng 29.500 tỷ đồng do giá giảm. Trong đó, giảm mạnh nhất là sắt, thép giảm khoảng 4.100 tỷ đồng; xăng dầu nhập khẩu giảm 6.100 tỷ đồng; chất dẻo nguyên liệu gần 2.500 tỷ đồng.

Riêng mặt hàng ô tô nguyên chiếc, 4 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng các doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu 13.529 chiếc, nhưng từ tháng 5 đến tháng 8 bình quân chỉ đạt 8.117 chiếc/tháng, giảm 40%/tháng và giảm thu 1.100 tỷ đồng/tháng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến số thu từ tháng 4/2023 đã có xu hướng giảm dần.

Đặc biệt, kim ngạch thương mại hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh đã tác động không nhỏ đến công tác thu do ngành hải quan quản lý. Đến ngày 31/8, số thu ngân sách nhà nước của toàn ngành đạt 240.390 tỷ đồng, bằng 56,6% dự toán, giảm 19,2% so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện Cục Thuế XNK cho rằng, số thu có xu hướng giảm mạnh bắt đầu từ tháng 5/2023. Cụ thể, tháng 01 đạt 27.064 tỷ đồng; tháng 02 đạt 30.731 tỷ đồng; tháng 3 đạt 34.479 tỷ đồng; tháng 4 đạt 32.053 tỷ đồng; tháng 5 đạt 29.956 tỷ đồng; tháng 6 đạt 30.711 tỷ đồng; tháng 7 đạt 27.624 tỷ đồng và tháng 8 đạt 27.771 tỷ đồng. Hai năm trở lại đây (2021, 2022), số thu 6 tháng cuối năm đều giảm so với 6 tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, số thu của ngành hải quan giảm còn do giảm thu từ thuế giá trị gia tăng (trung bình mỗi tháng giảm khoảng 1.415 tỷ đồng); việc thực hiện ưu đãi thuế linh kiện ô tô nhập khẩu, việc hoàn thuế đối với mặt hàng xăng dầu theo C/O và hoàn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa XNK tại chỗ giảm khoảng 3.500 tỷ đồng.

Cải cách thủ tục hành chính, chống thất thu thuế

Trước nhiều khó khăn, thách thức nêu trên, để hoàn thành nhiệm vụ ngân sách nhà nước, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, công khai, thuận tiện và thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về hải quan, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động XNK, quá cảnh hàng hoá, phương tiện vận tải. Mở rộng việc ký kết nộp thuế điện tử với các ngân hàng thương mại theo Đề án nộp thuế 24/7 và triển khai mở rộng Chương trình nộp thuế điện tử doanh nghiệp nhờ thu.

Triển khai mạnh mẽ các giải pháp tăng thu ngân sách nhà nước theo Chỉ thị số 479/CT-TCHQ của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hàng hóa XNK.

Đồng thời, tiếp tục áp dụng các chuẩn mực quốc tế, quy trình quản lý hải quan hiện đại nhằm tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo giám sát, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định. Tăng cường chống thất thu qua công tác kiểm tra, giám sát hải quan, quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ. Đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; chủ động rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý nợ thuế phát sinh trước ngày 01/01/2023; không để phát sinh nợ mới trong năm 2023…

Thực hiện rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 01/01/2023 theo 4 nhóm: Nợ khó thu; nợ chờ xử lý; nợ được khoanh; nợ có khả năng thu hồi, đồng thời áp dụng các giải pháp phù hợp theo quy định của pháp luật đối với từng nhóm nợ theo đúng quy trình quản lý nợ thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa XNK của Tổng cục Hải quan.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị hải quan cửa khẩu tăng cường các giải pháp kiểm soát về số lượng, chủng loại, tên hàng, trị giá hàng hóa XNK; rà soát, đánh giá rủi ro và tăng cường kiểm tra các trường hợp miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, không chịu thuế đối với các doanh nghiệp chế xuất, gia công, sản xuất xuất khẩu... Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ thu thuế, miễn, giảm, hoàn thuế, không thu thuế, xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa.

Toàn ngành tập trung rà soát, phân tích thông tin doanh nghiệp trên hệ thống thông tin của ngành phục vụ công tác đánh giá rủi ro, đánh giá tuân thủ doanh nghiệp và áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan. Rà soát xây dựng hồ sơ, trọng tâm vào các đối tượng rủi ro cao, tuyến đường, hàng hoá trọng điểm; áp dụng linh hoạt các biện pháp kiểm soát rủi ro để ngăn ngừa, phát hiện, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng rủi ro và tạo thuận lợi cho DN tuân thủ tốt./.

Cùng chuyên mục
Thu ngân sách của ngành hải quan gặp khó khăn