Thu ngân sách sẽ vượt dự toán

(BKTO) - Nền kinh tế Việt Nam trong 11 tháng qua tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. 11 tháng ghi nhận 158.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm 22,4%; các khoản thu về nhà, đất giảm 37%… Cùng với đó, việc tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khiến số thu ngân sách nhà nước (NSNN) giảm 7,1% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, thu ngân sách vẫn đảm bảo tiến độ và có khả năng vượt dự toán.

10-thay.jpg
Để đạt dự toán, trong tháng 12/2023, cả nước phải thu khoảng 80.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

11 tháng, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 94,9% dự toán

Bộ Tài chính cho biết, lũy kế 11 tháng năm 2023, thu NSNN ước đạt 1.537.600 tỷ đồng, bằng 94,9% dự toán, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.272.700 tỷ đồng, bằng 95,4% dự toán, giảm 3% so với cùng kỳ; không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu thuế, phí nội địa ước đạt 95,4% dự toán, xấp xỉ mức thu so với cùng kỳ. Trong thu nội địa, một số khoản thu tiến độ đạt thấp so với dự toán và giảm so với cùng kỳ, như: Thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 52,6% dự toán, giảm 17,4% so với cùng kỳ; các loại phí, lệ phí ước đạt 86,8% dự toán, giảm 13,6% so với cùng kỳ... do thực hiện các chính sách giảm thu; các khoản thu về nhà, đất ước đạt 78,9% dự toán, giảm 37% so với cùng kỳ do thị trường bất động sản chậm phục hồi; công tác đấu giá, cấp quyền sử dụng đất tại nhiều dự án ở địa phương không triển khai được hoặc triển khai nhưng không có nhà đầu tư trúng đấu giá.

Ước tính có 27 địa phương thực hiện thu nội địa 11 tháng đạt trên 95% dự toán; 13 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ, trong khi có tới 50 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ. Thu từ dầu thô 11 tháng ước đạt khoảng 57.100 tỷ đồng, bằng 135,9% dự toán, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù từ khi được Quốc hội thông qua, dự toán thu NSNN năm 2023 được đánh giá là thận trọng do các cơ quan liên quan đã mường tượng được những khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023 khi xây dựng dự toán nhưng đến thời điểm này, có thể coi việc thu, chi ngân sách là điểm sáng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 205.600 tỷ đồng, bằng 86,5% dự toán, giảm 22,4% so với cùng kỳ; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 125.600 tỷ đồng, bằng 67,5% dự toán. Thu ngân sách từ xuất nhập khẩu giảm do tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đến ngày 15/11/2023 đạt 587,7 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ; riêng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá có thuế giảm 15,5%. Trong đó, một số mặt hàng nhập khẩu có thuế đóng góp số thu lớn cho ngân sách giảm mạnh làm giảm nguồn thu NSNN, như: Nhóm các mặt hàng nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất giảm thu khoảng 33.100 tỷ đồng; nhóm xăng dầu nhập khẩu giảm thu khoảng 2.000 tỷ đồng; nhóm ô tô nguyên chiếc nhập khẩu giảm thu khoảng 3.100 tỷ đồng.

Đáng chú ý, các khoản thu trực tiếp từ 3 khu vực sản xuất - kinh doanh (chiếm 53,3% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 94,6% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ, trong đó riêng thuế thu nhập doanh nghiệp (chiếm khoảng 44,2% tổng số thu từ khu vực sản xuất - kinh doanh) đã tạm nộp 5/5 kỳ theo quy định.

Thu, chi ngân sách là điểm sáng

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, hết 11 tháng, thu NSNN ước đạt 1.537.600/1.620.700 tỷ đồng, bằng 94,9% dự toán. Như vậy, trong tháng 12, cả nước chỉ phải thu khoảng 80.000 tỷ đồng là đạt dự toán. Trong khi đó, trung bình mỗi tháng thu được hơn trăm nghìn tỷ đồng và tháng 12 thường là tháng thu cao điểm nên thu ngân sách năm nay sẽ đạt và vượt dự toán. Cùng với đó, chi ngân sách 11 tháng đạt khoảng 1.502.900 tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, mặc dù từ khi được Quốc hội thông qua, dự toán thu NSNN năm 2023 được đánh giá là thận trọng do các cơ quan liên quan đã mường tượng được những khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023 khi xây dựng dự toán nhưng đến thời điểm này, có thể coi việc thu, chi ngân sách là điểm sáng. Bởi lẽ, số liệu thống kê của các Bộ, ngành đến hết tháng 11/2023 cho thấy, doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. 11 tháng qua, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 158.800 doanh nghiệp, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; các khoản thu về nhà, đất giảm 37% so với cùng kỳ do thị trường bất động sản chậm phục hồi; 50/63 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ… Cùng với đó, tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nhưng thu ngân sách đã đạt 94,9% dự toán.

Ông Lâm nhấn mạnh: Thu ngân sách năm nay đạt kế hoạch có ý nghĩa rất quan trọng vì sẽ đảm bảo cân đối thu, chi, giữ vững ổn định NSNN đồng thời tạo dựng cơ sở và nền tảng để phát huy tối đa vai trò quan trọng của chính sách tài khóa nghịch chu kỳ. Các nước và Chính phủ Việt Nam đã thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, tức là trong giai đoạn khó khăn đã thực hiện tăng cường chi tiêu và hỗ trợ, đồng thời giảm thu để nuôi dưỡng nguồn thu. Chính sách này nhằm kích cầu tiêu dùng, đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp và thực hiện chính sách an sinh xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô./.

Trong tháng 11/2023, cơ quan thuế, hải quan tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 11 khoảng 172.100 tỷ đồng, trong đó miễn, giảm khoảng 65.200 tỷ đồng; gia hạn khoảng 106.900 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Thu ngân sách sẽ vượt dự toán