Thu ngân sách sụt giảm

(BKTO) - Tại Phiên họp thường kỳ tháng 10, Chính phủ đánh giá, tăng trưởng kinh tế và “sức khỏe” của doanh nghiệp (DN) đã có sự phục hồi. Tuy nhiên, thu ngân sách nhà nước (NSNN) chưa diễn biến tích cực. 10 tháng qua, thu ngân sách giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2022.

11-.jpg
Việc hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2023 là áp lực lớn đối với ngành tài chính. Ảnh: ST

Thu ngân sách giảm 9,2%

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành công nghiệp chủ lực vẫn còn khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2023 của ngành sản xuất ô tô giảm 16,9%; sản xuất điện thoại di động giảm 11,4%... Cùng với đó, thị trường bất động sản chậm phục hồi, kết hợp với việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất làm giảm thu ngân sách. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn cho người dân, DN đến hết tháng 10 ước tính khoảng 163.800 tỷ đồng.

Riêng tháng 10, tổng thu NSNN ước đạt 169.500 tỷ đồng, bằng 10,5% dự toán, trong đó, thu nội địa ước đạt 145.500 tỷ đồng, bằng 10,9% dự toán, cao hơn 73.000 tỷ đồng so với thu tháng trước chủ yếu do một số khoản thu phát sinh trong quý III theo chế độ kê khai nộp NSNN trong quý IV. Nếu loại trừ các khoản thu phát sinh theo quý, thu nội địa tháng 10 ước đạt 6,2% dự toán.

Lũy kế 10 tháng, thu NSNN ước đạt 1.398.700 tỷ đồng, bằng 86,3% dự toán, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2022 (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 88,9% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 83,3% dự toán). Trong đó: Thu nội địa ước đạt 1.157.700 tỷ đồng, bằng 86,8% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước; thu từ dầu thô ước đạt khoảng 51.400 tỷ đồng, bằng 122,3% dự toán, giảm 19,8% so với cùng kỳ; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 188.800 tỷ đồng, bằng 79% dự toán, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Các khoản thu trực tiếp từ 3 khu vực sản xuất - kinh doanh (chiếm 53,3% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 85,5% dự toán, giảm 2,9% so với cùng kỳ. Không kể thuế thu nhập DN (chiếm gần 45,2% tổng số thu từ khu vực sản xuất - kinh doanh đạt khá so dự toán do DN đã tạm nộp 5/5 kỳ theo quy định) thì số thu của 3 khu vực này chỉ bằng 92,7% cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tính đến ngày 15/10/2023 đạt 522,9 tỷ USD, giảm 10,9% so cùng kỳ năm 2022; riêng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá có thuế giảm 17,2% so cùng kỳ năm trước.

Ước tính có 24 địa phương thu nội địa 10 tháng đạt trên 86% dự toán; 7 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ, 56 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Phấn đấu đạt kết quả thu cao nhất

Ngành tài chính đã đẩy mạnh công tác chống thất thu ngân sách, tăng cường các biện pháp đôn đốc thu. Đến ngày 15/10/2023, cơ quan thuế đã thực hiện gần 50.000 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra trên 476.000 hồ sơ khai thuế của DN, qua đó kiến nghị xử lý tài chính khoảng 47.000 tỷ đồng, trong đó thu nộp NSNN khoảng 12.600 tỷ đồng (đã nộp ngân sách hơn 9.000 tỷ đồng); đôn đốc thu hồi và xử lý nợ đọng thuế đến hết tháng 10 đạt khoảng 38.800 tỷ đồng. Cơ quan hải quan cũng đã thực hiện 1.500 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử lý thu vào NSNN 852 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cơ quan hải quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bắt giữ 14.100 vụ vi phạm với giá trị hàng hóa khoảng 5.700 tỷ đồng, xử lý thu vào NSNN trên 433 tỷ đồng.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành, trong 2 tháng còn lại của năm, để đạt được dự toán, Tổng cục Thuế phải thu hơn 211.000 tỷ đồng, tương đương mỗi tháng ngành thuế phải thu đạt khoảng 105.000 tỷ đồng, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Tổng cục Thuế đã thành lập tổ công tác đôn đốc thu thuế và thu hồi nợ đọng nhằm đạt kết quả tích cực nhất. Trong 2 tháng cuối năm, ngành thuế sẽ tập trung thu ngân sách, đảm bảo tiến độ hoàn thuế trên tinh thần chặt chẽ, đúng pháp luật.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, thu ngân sách 10 tháng năm 2023 của ngành đạt 300.000 tỷ đồng. Như vậy, so với chỉ tiêu Bộ Tài chính giao thì 2 tháng cuối năm ngành hải quan sẽ phải thu 70.000 tỷ đồng. Để đạt được kết quả này, toàn ngành sẽ cố gắng tạo thuận lợi thương mại và chống thất thu, phấn đấu đạt kết quả cao nhất.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng dẫn lại đánh giá của Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 10 cho thấy, tăng trưởng kinh tế và “sức khỏe” của DN đã có sự phục hồi. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, thu NSNN chưa có nhiều diễn biến tích cực, số thu sụt giảm so với năm trước, chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm nhưng tổng thu NSNN mới đạt hơn 86%. Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan cần nỗ lực trong công tác quản lý thu, phấn đấu thu đạt cao nhất so với dự toán. Đặc biệt, trong điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách, các đơn vị trực thuộc cần phối hợp với Vụ Ngân sách nhà nước để điều hành chặt chẽ, chủ động, linh hoạt./.

TP. Hồ Chí Minh - địa phương có số thu ngân sách đứng đầu cả nước, lũy kế 10 tháng năm 2023, tổng thu NSNN của Thành phố này ước đạt 372.708 tỷ đồng, giảm gần 9% so với cùng kỳ. Sở Tài chính Thành phố cho biết, trong 2 tháng cuối năm 2023, áp lực cân đối ngân sách rất lớn, ngành tài chính Thành phố sẽ triển khai các giải pháp nhằm thu đúng - thu đủ, chống thất thu, hạn chế nợ thuế mới phát sinh, triển khai các giải pháp phòng, chống buôn lậu, trốn thuế… giảm 30% tiền thuê đất, hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời, đúng quy định; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phấn đấu tăng thu tiền sử dụng đất; rà soát, đôn đốc nộp các khoản thuế được gia hạn đến hạn nộp; đẩy nhanh tiến độ giải ngân chi đầu tư, chi thường xuyên, hạn chế việc bổ sung kinh phí và điều chỉnh dự toán...

Cùng chuyên mục
Thu ngân sách sụt giảm