Thủ tướng đồng ý bổ sung 3 khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai vào quy hoạch

(BKTO) - Ba khu công nghiệp được bổ sung vào Quy hoạch gồm Khu công nghiệp Long Đức 3, Khu công nghiệp Bàu Cạn-Tân Hiệp và Khu công nghiệp Xuân Quế-Sông Nhạn.




(Ảnh minh họa: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020.

Ba khu công nghiệp được bổ sung vào Quy hoạch gồm Khu công nghiệp Long Đức 3 (diện tích 253 ha tại xã Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai); Khu công nghiệp Bàu Cạn-Tân Hiệp (diện tích 2.627 ha tại xã Bàu Cạn và xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai); Khu công nghiệp Xuân Quế-Sông Nhạn (diện tích 3.595 ha tại xã Xuân Quế và xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai).

Các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nằm trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 được phê duyệt tại công văn số 2628/TTg-KTN ngày 22/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, không có sự thay đổi.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo, quy mô diện tích, vị trí đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp; đảm bảo sự phù hợp, tính khả thi, liên kết, đồng bộ, kế thừa và khả năng tích hợp của phương án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong nội dung quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch; không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện.

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh, bổ sung các khu công nghiệp này trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh Đồng Nai đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 9/8/2017 và điều chỉnh bổ sung theo mục 18 Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 14/7/2020 theo quy định của pháp luật về đất đai.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện tương ứng với chỉ tiêu diện tích đất khu công nghiệp được điều chỉnh tại văn bản số 1005/TTg-NN ngày 1/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai phân kỳ thực hiện quy hoạch 3 khu công nghiệp nêu trên theo các giai đoạn trên cơ sở đảm bảo: phù hợp với khả năng thu hút đầu tư, tính đồng bộ với đầu tư kết nối hạ tầng, hạ tầng xã hội (nhà ở, thiết chế văn hóa, xã hội, thể thao cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp), bảo vệ môi trường; xác định hợp lý diện tích các khu công nghiệp trong giai đoạn quy hoạch tỉnh Đồng Nai chưa được phê duyệt để đảm bảo tính khả thi; không ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác quỹ đất xung quanh cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ủy ban Nhân dân tỉnh có trách nhiệm thực hiện thủ tục đầu tư, thành lập, xây dựng khu công nghiệp theo từng giai đoạn, phù hợp với khả năng thu hút đầu tư, tuân thủ các điều kiện, trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, pháp luật có liên quan.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm chỉ đạo việc cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp quy mô, tiến độ, lộ trình triển khai dự án đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng khu công nghiệp; chỉ đề xuất mở rộng khu công nghiệp trong trường hợp đáp ứng điều kiện về tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp, đảm bảo sự đồng bộ với kết nối giao thông, đầu tư cho môi trường, xã hội; tránh tình trạng để đất hoang hóa, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân trong khu vực bị thu hồi đất, phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển khu công nghiệp với các công trình nhà ở, xã hội và văn hóa thể thao cho người lao động trong khu công nghiệp; đảm bảo việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngoài hàng rào phục vụ cho hoạt động của khu công nghiệp.

Cùng với đó, tỉnh cần xây dựng định hướng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp theo hướng hạn chế hoặc không thu hút dự án sử dụng nhiều lao động kỹ năng thấp, chiếm đất lớn, tiêu tốn nước và năng lượng; tập trung thu hút dự án đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; phát triển theo hướng cụm liên kết ngành.

Ủy ban Nhân dân tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp trong đó xác định nhà đầu tư có năng lực theo quy định của pháp luật có liên quan; sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai và đảm bảo tính khả thi của quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn./.
Theo vietnamplus.vn
Cùng chuyên mục
  • Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Anh sẽ có hiệu lực từ đêm 31/12
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Vào lúc 21 giờ, ngày 29/12/2020, theo giờ Việt Nam, Hiệp định UKVFTA đã được đại diện ủy quyền (Đại sứ) của Chính phủ hai nước chính thức ký kết tại Luân Đôn, Vương quốc Anh.
  • Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 chạm mức cao nhất của 30 năm
    3 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Theo đà đi lên của phần lớn thị trường châu Á, tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 2,7% lên 27.568,15 điểm, mức cao nhất ghi nhận được từ tháng 8/1990. Ở thị trường trong nước chiều 29/12, sau sự hứng khởi ở đầu phiên, nhiều nhà đầu tư đã quyết định bán ra khiến VN-Index thoái lui về dưới 1.100 điểm.
  • IMF: Kinh tế Việt Nam, Indonesia và Malaysia phục hồi hoàn toàn vào năm 2021
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo dự báo của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), sáu nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á dự kiến ​​sẽ đối mặt với các con đường tài khóa khác nhau vào năm 2021. Việt Nam, Indonesia và Malaysia sẽ tăng trưởng vượt so với mức trước đại dịch Covid-19, trong khi Singapore, Philippines và Thái Lan tiếp tục phải vật lộn để hồi phục nền kinh tế.
  • Đốc thúc giải ngân vốn vay nước ngoài
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Chỉ còn vài tuần nữa là kết thúc năm 2020 nhưng việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vẫn chưa đạt 50% kế hoạch. Trước thực trạng này, Bộ Tài chính liên tiếp tổ chức hội nghị với các Bộ, ngành, địa phương, các nhà tài trợ nước ngoài để bàn giải pháp thúc đẩy giải ngân.
  • Ứng dụng công nghệ để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Giai đoạn 2016-2020, tình hình trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đã được kiềm chế, tai nạn giao thông (TNGT) giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương so với giai đoạn 2011-2015. Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, TNGT và vi phạm trật tự, ATGT vẫn ở mức cao, do đó, thời gian tới cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) nhằm nắm rõ thực trạng ATGT, từ đó hoạch định chính sách phù hợp để tiếp tục kéo giảm TNGT xuống mức thấp nhất.
Thủ tướng đồng ý bổ sung 3 khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai vào quy hoạch