FDI là khu vực kinh tế năng động
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 38.084 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 453,26 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện lũy kế ước đạt gần 287,1 tỷ USD, bằng 63,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Tính riêng 8 tháng năm 2023, Việt Nam đã thu hút được 1.924 dự án FDI mới, 830 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư và 22.268 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 18,15 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Duy Đông nhấn mạnh, 35 năm qua, khu vực FDI đã luôn khẳng định được vai trò là khu vực kinh tế năng động, có đóng góp tích cực vào tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, thu hút FDI không chỉ góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ bản nền kinh tế mà còn tác động tích cực đến cải cách, đổi mới thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bộ máy quản lý nhà nước, cải thiện uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việt Nam cũng đã chủ động thu hút, hợp tác FDI có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Việt Nam đã bước đầu đón dòng vốn đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ cao như Intel, Samsung. Việc các tập đoàn công nghệ toàn cầu đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Việt Nam, khiến thị trường nội địa đang mở rộng nhanh chóng - Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Duy Đông cho biết.
Dấu ấn được ghi nhận là các DN trong nước đang từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất của các DN FDI, điển hình như số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng gấp 10 lần, từ 25 DN vào năm 2014 lên 257 DN vào cuối năm 2022.
Đến nay, Samsung Việt Nam đã thực hiện chương trình tư vấn cải tiến cho DN Việt Nam với 379 DN được nhận tư vấn trong giai đoạn 2015-2023 và 33 DN đã tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung. Ngoài ra, Samsung còn có chương trình đào tạo chuyên gia khuôn mẫu và Dự án Hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, đầu tư FDI cũng góp phần nâng cao năng lực sản xuất cho các DN trong nước. Minh chứng được thể hiện ở một số ngành, lĩnh vực đã đạt tỷ lệ cung ứng thành phẩm, bán thành phẩm của DN trong nước cho DN FDI khá cao. Chẳng hạn như ngành xe máy đạt 85-95%; điện tử gia dụng đạt 30-35%; thiết bị đồng bộ đạt 30-40%; điện tử tin học và viễn thông đạt 15-30%; ô tô đạt 15-40% và công nghiệp công nghệ cao cũng đã đạt 5-10%.
Chuyển giao công nghệ chưa được như mong đợi
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Duy Đông thẳng thắn nêu rõ, còn nhiều DN FDI sử dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất không quá vượt trội so với DN trong nước, việc cập nhật công nghệ, tỷ lệ DN đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) còn hạn chế và mục tiêu thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi.
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, các DN FDI luôn chiếm tỷ lệ trên 90% trong số các DN thực hiện đăng ký chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Trong giai đoạn từ 01/7/2018 đến hết năm 2022, có trên 400 hợp đồng chuyển giao công nghệ của các DN FDI, nhưng là hoạt động chuyển giao công nghệ giữa công ty mẹ với công ty con, không lan tỏa đến khu vực trong nước - ông Đặng Đình Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh.
Các hợp đồng chuyển giao công nghệ những năm qua chủ yếu đến từ nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ, ASEAN… và thuộc về các lĩnh vực điện tử, viễn thông, ô tô, xe máy, dược phẩm, y tế, hóa dầu, mỹ phẩm, khai thác chế biến khoáng sản, xây dựng.
Theo TS. Trần Toàn Thắng - Viện Chiến lược phát triển (Bộ KHĐT), các DN FDI hoạt động ở Việt Nam những năm qua chỉ tạo tác động lan tỏa giữa các DN cùng ngành thông qua 4 kênh. Cụ thể gồm: DN nội địa “sao chép” công nghệ của DN FDI; chuyển dịch lao động từ DN FDI sang DN trong nước, mang theo kỹ năng và một số công nghệ; sức ép cạnh tranh đầu vào và đầu ra với các FDI có xu hướng xuất khẩu, điều này buộc DN trong nước phải thay đổi công nghệ; kênh liên kết dọc, liên kết ngang giữa DN FDI và DN trong nước.
Hiện có hơn 100 tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới như: Samsung, LG, General Electric, Intel, Panasonic, Toyota… đầu tư tại Việt Nam nhưng chỉ có 2 tập đoàn là Samsung và LG đầu tư trung tâm R&D tại Hà Nội - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết.
Tuy nhiên, TS. Trần Toàn Thắng cũng nêu rõ, việc có tiếp nhận công nghệ hay không phụ còn thuộc cả vào phía Việt Nam, trong đó có các DN tư nhân lớn trong nước, những DN sẵn sàng trong chuyển giao công nghệ. Hơn nữa, một số DN FDI muốn đầu tư cho R&D, đầu tư công nghệ cao hơn ở Việt Nam nhưng lại gặp khó vì thiếu nguồn lao động kỹ thuật cao.
"Samsung Việt Nam sẽ tích cực hỗ trợ để nhiều DN Việt Nam có thể đảm bảo được năng lực cạnh tranh về công nghệ và có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung và các DN toàn cầu".
Ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam
Trước những thực tế này, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Duy Đông cho rằng, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về thu hút FDI trong lĩnh vực công nghệ cao và chuyển giao công nghệ; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với thông lệ quốc tế; chủ động rà soát các ưu đãi để thu hút FDI chất lượng cao, trong đó có tiêu chuẩn cao hơn cho công nghệ cao và chuyển giao công nghệ.