Thúc đẩy giáo dục tài chính tại Việt Nam

(BKTO) - Việc phổ cập tài chính sẽ góp phần giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, mức độ phổ cập về tài chính tại Việt Nam rất thấp, nội dung giáo dục tài chính lại chưa được phổ biến ở các trường học… Đó là thông tin được các chuyên gia về tài chính và ngân hàng chia sẻ tại Hội thảo quốc tế: “Giáo dục tài chính trong bối cảnh đẩy mạnh phổ cập tài chính ở Việt Nam” do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Mạng lưới tăng cường hiểu biết tài chính cho Việt Nam, Viện Kế toán Công chứng Anh quốc và xứ Wales (ICAEW) vừa tổ chức.



Mức độ phổ cập tài chínhở Việt Nam rất thấp

Theo các chuyên gia tài chính, phổ cập tài chính là việc giúp cho mỗi người dân có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính như: tín dụng, tiết kiệm, thanh toán, bảo hiểm… một cách thuận tiện, với chi phí hợp lý. Việc ngày càng có nhiều người dân am hiểu và sử dụng các dịch vụ tài chính sẽ thúc đẩy lĩnh vực này phát triển, qua đó, góp phần vào việc giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Ông Alwaleed Alatabani - Chuyên gia trưởng lĩnh vực tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - nói rõ thêm: Người am hiểu việc quản lý tài chính của cá nhân có thể sẵn sàng trước những cú sốc xảy ra đối với bản thân và gia đình. Đối với mỗi quốc gia, việc phổ cập tài chính sẽ giúp phòng ngừa các rủi ro cho nền kinh tế. Chính vì vậy, từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra vào năm 2008, nhiều nước trên thế giới ngày càng quan tâm đến việc phát triển năng lực hành vi tài chính cho người dân và xây dựng chiến lược phổ cập tài chính để nâng cao phúc lợi toàn xã hội.

Mức độ phổ cập giáo dục về tài chính của nước ta còn ở mức rất thấp. Ảnh: TƯ LIỆU

Tuy nhiên, theo ông Alatabani, ở Việt Nam, mức độ phổ cập tài chính rất thấp, đứng ở vị trí 22/37 quốc gia đang phát triển tại châu Á và xếp thứ 112/176 trên toàn thế giới. Giáo dục tài chính chưa được đưa vào chương trình đào tạo chính quy.

Hạn chế trên còn được phản ánh qua một loạt kết quả khảo sát. Cụ thể, kết quả khảo sát về mức độ hiểu biết tài chính toàn cầu (Global Finlit Survey) do S&P thực hiện năm 2015 cho biết, chỉ có 24% người trưởng thành tại Việt Nam được hỏi hiểu biết về tài chính. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng chỉ ra rằng, 51% người được khảo sát đã từng nghe và hiểu về các khoản vay cá nhân. Còn theo kết quả khảo sát học sinh, sinh viên ở độ tuổi từ 13 - 18 vào năm 2012-2013, chỉ có 17,2% trong số này biết tiết kiệm một phần tiền sinh hoạt phí, 8,8% tiêu hết tiền và số còn lại không biết phải làm gì với tiền. Đây là điều rất đáng lo ngại.

Cần đưa nội dung phổ cậptài chính vào trường học

Để gia tăng mức độ phổ cập tài chính, thời gian qua, NHNN đã kết hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức một số gameshow về tài chính trên truyền hình; một số ngân hàng và các công ty cũng đang triển khai những chương trình phổ biến kiến thức tài chính cho học sinh các cấp và người dân. Tại Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), Nhóm nghiên cứu tài chính cá nhân của Trường đã triển khai một số khoá học tài chính cá nhân cho sinh viên và các hộ gia đình khởi nghiệp…

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động giáo dục tài chính ở Việt Nam vẫn chưa được tổ chức một cách thống nhất theo chiến lược quốc gia, với lộ trình dài hạn nhằm phục vụ mục tiêu nâng cao hiểu biết về tài chính cho cộng đồng.

TS. Cấn Văn Lực - Giám đốc Trường Đào tạo Cán bộ Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - cũng cho rằng, các khóa đào tạo, tập huấn về tài chính cá nhân trong cộng đồng vẫn còn quá ít. Việc giáo dục tài chính chưa được phổ biến tại các trường đại học, nếu có thì hoạt động này vẫn mang tính học thuật và hàn lâm quá cao, không đưa được các ví dụ đời thường vào chương trình, thiếu sự hợp tác có hiệu quả giữa các DN với các nhà nghiên cứu, các trường đại học… Vì vậy, cần có kế hoạch phổ cập tài chính đối với người có thu nhập thấp và đưa nội dung này vào chương trình giáo dục quốc gia.

Từ thực tế triển khai các khóa học tài chính cá nhân cho sinh viên, bà Đinh Thị Thanh Vân - Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân Hàng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - khuyến nghị, các trường đại học cần có các khóa học ngoại khóa về tài chính cho sinh viên cũng như các khóa đào tạo về tài chính đối với các hộ gia đình khởi nghiệp để giúp họ thay đổi thái độ và hành vi tài chính.

Nhằm giúp Việt Nam đẩy mạnh việc giáo dục tài chính trong trường học, WB đang làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa nội dung giáo dục tài chính vào chương trình lớp 12. Theo đó, nội dung này sẽ được tích hợp các kiến thức về tài chính vào các môn học chính như: Toán, Khoa học Xã hội và Giáo dục công dân.

Điều quan trọng khi thiết kế các chương trình phổ cập tài chính là phải lưu ý đến đối tượng học, phải can thiệp đúng thời điểm, không để quá muộn và không nên đợi đến khi được Chính phủ chính thức hóa. Bên cạnh đó, NHNN đang xây dựng Chiến lược quốc gia về phổ cập tài chính, trong đó, coi giáo dục tài chính là một trong những trụ cột chính. Những việc làm này được kỳ vọng sẽ giúp đẩy mạnh giáo dục tài chính trong trường học, góp phần cải thiện mức độ phổ cập tài chính ở Việt Nam.

THU HƯỜNG
Theo Báo Kiểm toán số 13 ra ngày 29-3-2018
Cùng chuyên mục
  • Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước cần được siết chặt
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Hiện nay, nước ta đang có khoảng hơn 100 văn bản pháp luật điều chỉnh các loại quỹ tài chính ngoài NSNN nhưng lại chưa có khung pháp lý thống nhất để quản lý các quỹ này. Chính vì vậy, giới chuyên gia khuyến cáo, các cơ quan nhà nước cần rà soát, xây dựng và ban hành một khung pháp lý nhằm sớm khắc phục khoảng trống nói trên.
  • Mở rộng cơ sở thuế góp phần tăng thu ngân sách
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Một trong những yêu cầu của Chính phủ đối với ngành tài chính là phải mở rộng cơ sở thuế (đối tượng chịu thuế), kết hợp với điều chỉnh thuế suất theo lộ trình hợp lý nhằm góp phần tăng thu ngân sách. Chỉ đạo này xuất phát từ những yêu cầu đặt ra trong quá trình thực thi pháp luật.
  • Mở rộng khai nộp thuế điện tử đối với cá nhân cho thuê tài sản
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Theo Quyết định số 2715/QĐ-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính, từ tháng 01/2018, những cá nhân cho thuê tài sản sẽ chính thức được kê khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân theo phương thức điện tử trên phạm vi toàn quốc. Đây là quyết tâm cao của ngành thuế trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ đối với NSNN và là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển, hiện đại hóa công tác quản lý thuế của các nước trong khu vực.
  • Phát triển ngân hàng số: Tiềm năng và thách thức
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, làn sóng số hóa đang làm thay đổi các mô hình kinh doanh ngân hàng. Minh chứng là, nhiều nhà băng đã có những hành động cụ thể, hướng đến trở thành ngân hàng số trong tương lai. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này đặt ra không ít thách thức đối với các ngân hàng.
  • Tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động thế nào đến tổng thu ngân sách?
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Bộ Tài chính vừa đưa ra đề xuất, từ ngày 01/7/2018, mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với các mặt hàng xăng, dầu sẽ tăng kịch khung hiện hành. Cụ thể, thuế BVMT đối với xăng dự kiến tăng thêm 1.000 đồng/lít, các mặt hàng dầu còn lại tăng từ 500 - 1.100 đồng/đơn vị tính.
Thúc đẩy giáo dục tài chính tại Việt Nam