Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước cần được siết chặt

(BKTO) - Hiện nay, nước ta đang có khoảng hơn 100 văn bản pháp luật điều chỉnh các loại quỹ tài chính ngoài NSNN nhưng lại chưa có khung pháp lý thống nhất để quản lý các quỹ này. Chính vì vậy, giới chuyên gia khuyến cáo, các cơ quan nhà nước cần rà soát, xây dựng và ban hành một khung pháp lý nhằm sớm khắc phục khoảng trống nói trên.



Các quỹ cần được rà soátvà cơ cấu lại

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, cả nước có 26 quỹ tài chính ngoài NSNN do các Bộ, cơ quan T.Ư thành lập hoặc được giao quản lý. Trong đó, 10 quỹ có vốn, nguồn thu và nhiệm vụ chi lớn, gồm: Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT), Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN, Quỹ Tích lũy trả nợ, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Các quỹ tài chính này đều có quy định về chế độ quản lý tài chính và hoạt động độc lập tương đối với NSNN.

Hiện có 8 quỹ được NSNN cấp bổ sung vốn điều lệ với tổng số cấp ước đến hết năm 2017 là khoảng 4 nghìn tỷ đồng. Một số quỹ được NSNN cấp kinh phí hoạt động hằng năm, như: Quỹ BHXH (để chi lương hưu và trợ cấp cho các đối tượng được hưởng chế độ bảo hiểm trước ngày 01/01/1995); Quỹ BHYT (để đóng bảo hiểm cho các đối tượng được NSNN đảm bảo 100% mức đóng và các đối tượng được NSNN hỗ trợ một phần mức đóng); Quỹ BHTN (để bảo đảm duy trì số dư hằng năm bằng 2 lần tổng các khoản chi chế độ BHTN và chi phí BHTN)…

Tuy nhiên, theo quy định của Luật NSNN, từ năm 2017, NSNN đã không còn hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính trên. Những trường hợp được NSNN hỗ trợ vốn điều lệ thì phải phù hợp với khả năng của NSNN và chỉ thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện: được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu và nhiệm vụ chi của NSNN.

Cần ban hành một khung pháp luật thống nhất để điều chỉnh hoạt động các quỹ tài chính ngoài NSNN. Ảnh: Minh họa

Chính vì lý do này, năm 2018, yêu cầu đặt ra đối với các quỹ tài chính là phải tập trung thực hiện rà soát, đánh giá hoạt động theo Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý đối với quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN. Bên cạnh đó, các quỹ tài chính này cũng phải cơ cấu lại để đảm bảo không trùng lặp nguồn thu, nhiệm vụ chi với NSNN...

Nên sớm ban hànhkhung pháp lý thống nhất

Theo ThS. Đỗ Quang Minh - Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) - hiện nay, pháp luật điều chỉnh các loại quỹ tài chính ngoài NSNN đang có khoảng hơn 100 văn bản, tuy nhiên, khung pháp lý thống nhất để quản lý các quỹ nói trên thì vẫn chưa có. Tình trạng này vừa tạo nên sự xung đột giữa các văn bản dưới luật, vừa gây khó khăn trong công tác quản lý. Trong một số lĩnh vực, các mục tiêu, nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ và của NSNN còn chồng chéo, trùng lặp. Thêm vào đó, khung pháp luật về chế tài xử lý đối với hoạt động của các quỹ tài chính ngoài NSNN cũng chưa được xây dựng và ban hành…

Từ lập luận nêu trên, ông Đỗ Quang Minh kiến nghị các cơ quan quản lý thực hiện một số vấn đề sau: nghiên cứu, xây dựng và ban hành một khung pháp luật thống nhất để điều chỉnh hoạt động các quỹ tài chính ngoài NSNN, cụ thể là xây dựng và ban hành Luật về quản lý quỹ tài chính ngoài NSNN; sớm ban hành cơ chế quản tài chính, quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, chế tài xử phạt đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quản lý quỹ; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng vốn của các quỹ trong kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kỳ họp của Hội đồng nhân dân các cấp…

Để tăng cường quản lý các quỹ tài chính ngoài NSNN, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 137/2017/TT-BTC quy định xét duyệt, thẩm định, thông báo và tổng hợp quyết toán năm, có hiệu lực từ ngày 10/02/2018. Với Thông tư này, các quỹ tài chính ngoài NSNN đã trở thành đối tượng phải thực hiện xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm để báo cáo Quốc hội.

Bên cạnh quy định nói trên, Bộ Tài chính cũng nêu rõ, các quỹ có nguồn thu, nhiệm vụ chi của NSNN phải được xem xét để chuyển nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ vào NSNN, trước mắt là sẽ chuyển dần sang phương thức Nhà nước đặt hàng và giao nhiệm vụ, thay cho việc NSNN hỗ trợ trực tiếp như trước đây.

Yêu cầu tiếp theo là các quỹ tài chính ngoài NSNN phải đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh, nâng cao tính độc lập cũng như khả năng tự cân đối và hạn chế bao cấp từ NSNN. Theo đó, các Quỹ BHXH, BHYT, BHTN sẽ tiếp tục phát triển đối tượng tham gia, thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm và tăng cường quản lý, đôn đốc, xử lý kịp thời những trường hợp chiếm dụng, trục lợi từ các chính sách hỗ trợ.

Để các quỹ có thể đảm bảo cân đối và phát triển bền vững, Bộ Tài chính cho rằng, cần lồng ghép các chính sách, loại bỏ chế độ chồng chéo, đặc biệt là không nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm khi chưa cân đối được nguồn thực hiện. Một số quỹ như: Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, Quỹ Bảo trì đường bộ, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia… cần phải được tổng kết, đánh giá để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ cho phù hợp với tình hình mới.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng kiến nghị, các cơ quan chủ quản cần tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm chế độ công khai toàn diện, rộng rãi về tình hình hoạt động của các quỹ và xử lý nghiêm đối với các vi phạm.

THU HƯỜNG
Theo Báo Kiểm toán số 12 ra ngày 22-3-2018
Cùng chuyên mục
Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước cần được siết chặt