Thúc đẩy kết nối và tự cường trong ASEAN

(BKTO) - Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 30 (AEMR30), các Bộ trưởng kinh tế ASEAN đã thông qua 14 sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế (PED) mà Lào đưa ra trong năm Chủ tịch ASEAN 2024 với chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy Kết nối và Tự cường”.

Hội nghị vừa diễn ra tại Luang Prabang (Lào), với sự tham dự của Tổng Thư ký ASEAN, Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN và Timor Leste. Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân dẫn đầu.

1.jpeg
Cùng hướng đến thúc đẩy kết nối và tự cường trong ASEAN. Ảnh: CT

Các sáng kiến của Lào tập trung vào 03 định hướng chính: Hồi phục và kết nối các nền kinh tế; Kiến tạo tương lai bao trùm và bền vững; Chuyển đổi hướng đến tương lai số.

Những sáng kiến này được đánh giá vừa bao gồm các nội dung mang tính kế thừa, tiếp nối thành quả của ASEAN trong năm 2023, vừa tính đến các nội dung, vấn đề mới.

Hội nghị cũng thống nhất các ưu tiên thường niên năm 2024 của ASEAN trong kênh kinh tế, tập trung trong các lĩnh vực: thương mại hàng hóa, tạo thuận lợi thương mại, hải quan, thương mại dịch vụ và di chuyển thể nhân, đầu tư, tài chính, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử; doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa…

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng cũng thông qua Khung tạo thuận lợi dịch vụ ASEAN (ASFF). Đồng thời tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng khác liên quan đến hợp tác kinh tế ASEAN như tình hình đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), đàm phán Hiệp định Khung ASEAN về Kinh tế số (DEFA), Hiệp định khung ASEAN về Cạnh tranh, nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), tình hình triển khai các sáng kiến về bền vững trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN…

Hội nghị cũng đề cập đến các khuyến nghị của Nhóm Cấp cao Đặc trách về Hội nhập kinh tế ASEAN liên quan đến việc thực thi Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, xây dựng kế hoạch chiến lược Cộng đồng Kinh tế ASEAN giai đoạn 2026-2030, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và chiến lược của ASEAN đối với những vấn đề mới nổi trong các Hiệp định Thương mại tự do ASEAN + 1...

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện của Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ đối với các sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế của Lào trong năm Chủ tịch ASEAN 2024; cam kết phối hợp chặt chẽ với Lào và các nước ASEAN khác để hoàn tất các mục tiêu, kế hoạch đặt ra, đóng góp vào thành công chung của năm ASEAN 2024.

Việt Nam cũng nhấn mạnh việc dành ưu tiên cho các hoạt động phục hồi và kết nối các nền kinh tế, đặc biệt là việc ưu tiên dành nguồn lực cho các hoạt động đàm phán mới, đàm phán nâng cấp các hiệp định của ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác.

Kinh tế ASEAN năm 2023 đạt nhiều kết quả tích cực với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng khoảng 4,7%, cao hơn mức trung bình của thế giới là 3,1%. Tính đến quý III/2023, kim ngạch thương mại hàng hoá của ASEAN đạt 2,6 nghìn tỷ USD. Cùng với thu hút dòng vốn FDI đạt cao, du lịch của ASEAN cũng phục hồi đáng kể khi thu hút 101,9 triệu du khách năm 2023, tăng 136,2% so với năm 2022.

Ban Thư ký ASEAN

Cùng chuyên mục
Thúc đẩy kết nối và tự cường trong ASEAN