Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đảm bảo nhu cầu xuất khẩu

(BKTO) - Năm 2020, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 42 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay, ngoài đối mặt với dịch bệnh Covid-19, ngành nông nghiệp còn hứng chịu cả các yếu tố cực đoan của thời tiết, hạn hán, dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm A/H5N1. Để vượt qua các khó khăn này, ngành nông nghiệp hiện đang phải tìm cơ hội ở các thị trường mới, cũng như tái cơ cấu sản xuất để đảm bảo mục tiêu đề ra.



Đối mặt với nhiều thách thức

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, 2 tháng đầu năm 2020, do chịu tác động khá mạnh bởi dịch Covid-19 nên kim ngạch xuất khẩu của ngành chỉ đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản ước khoảng 4,3 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Nói về những khó khăn trong khâu tiêu thụ nông sản, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho biết, trên địa bàn tỉnh, dưa hấu gặp khó khăn trong tiêu thụ khá lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, cuối tháng 3, tỉnh sẽ thu hoạch khoảng 48.000 tấn ớt, mặt hàng này chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay chắc chắn việc tiêu thụ sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát ở nhiều nước châu Âu cũng khiến xuất khẩu cá ngừ đại dương, tôm gặp khó khăn. Sản lượng khai thác cá ngừ của tỉnh khoảng 2.600 tấn, hiện còn tồn 600 tấn; tôm đã sơ chế 150 tấn nhưng chưa xuất khẩu được, sắp tới sẽ thu hoạch thêm 10.000 tấn, dự báo sẽ khó khăn trong tiêu thụ.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, bước sang năm 2020, ngoài phải chịu ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra, ngành nông nghiệp còn phải gánh chịu nhiều thách thức khác như: tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long; dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn; cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát tại Việt Nam; thị trường nhiều mặt hàng nông sản vẫn có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn; “thẻ vàng” xuất khẩu, thủy sản khai thác biển do Ủy ban châu Âu đưa ra chưa được gỡ bỏ.

Cần đa dạng hóa thị trườngxuất khẩu

Mặc dù đang đối diện với nhiều khó khăn nhưng năm 2020, ngành nông nghiệp vẫn đặt mục tiêu: kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông - lâm - thủy sản đạt 42 tỷ USD. Trong đó, hàng nông sản khoảng 20 tỷ USD, lâm sản và đồ gỗ khoảng 11,5 tỷ USD, các mặt hàng thủy sản khoảng 10 tỷ USD, các mặt hàng chăn nuôi khoảng 0,8 tỷ USD.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT đề ra các giải pháp trọng tâm. Chẳng hạn, đối với lĩnh vực trồng trọt, các cơ quan chuyên môn, địa phương phải có những điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ. Với rau màu, do thời gian sinh trưởng ngắn, Bộ sẽ điều chỉnh diện tích, cơ cấu về chủng loại rau để phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu. Bộ cũng sẽ tập trung rà soát, chuyển đổi cơ cấu chủng loại, giống cây ăn quả chất lượng, phù hợp, có thị trường bằng trồng mới, trồng tái canh, ghép cải tạo giống; phát triển các giống cây ăn quả đặc sản có lợi thế tại địa phương; đồng thời ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến; khuyến khích DN đầu tư liên kết với nông dân.

Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Việt, trong bối cảnh các thị trường truyền thống của nông sản Việt như Trung Quốc, châu Âu đang vô cùng căng thẳng trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, hướng đi cần thiết lúc này là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông - lâm - thủy sản, tìm kiếm thị trường mới, từng bước giảm dần mức độ phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ, chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản; tăng cường triển khai công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, tiếp cận các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại nước ngoài.

Trong khi đó, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang Dương Thanh Tùng cho rằng, nếu dịch bệnh Covid-19 không lắng xuống, chắc chắn việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường chính là Trung Quốc sẽ gặp khó khăn. Để việc tiêu thụ vải thiều hiệu quả, tỉnh chỉ đạo các địa phương nâng cao chất lượng, hướng dẫn nông dân chăm sóc vải theo quy trình an toàn; chỉ đạo ngành công thương xúc tiến tiêu thụ trong nước, mở rộng kênh phân phối ở thị trường miền Trung, miền Nam để đề phòng trường hợp dịch bệnh Covid-19 có thể làm ảnh hưởng đến xuất khẩu. Tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm, hỗ trợ giới thiệu các DN sản xuất quy mô lớn, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là những sản phẩm đặc sản mà Bắc Giang có thế mạnh. Đồng thời, Bộ cũng cần hỗ trợ về cơ chế trong thu hút đầu tư của các DN vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Khẳng định vai trò ngành nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Ngành khác có thể gián đoạn ở thời điểm này, nhưng với ngành nông nghiệp thì phải tạo ra lương thực thực phẩm. Cho nên ngành nông nghiệp không hề được nghỉ. Với một đất nước cả trăm triệu dân, với ngần ấy thách thức, chúng ta phải nỗ lực hơn nữa”. Bộ trưởng cho rằng, sau dịch bệnh, thị trường thường bùng nổ về nhu cầu hàng hóa. Vì vậy, ngành nông nghiệp cũng phải chuẩn bị điều kiện tốt nhất khi dịch bệnh kết thúc nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, tạo đà thúc đẩy xuất khẩu. Khó khăn “kép”, nhưng ngành phấn đấu hoàn thành mục tiêu “kép” là xuất khẩu và an sinh, đảm bảo môi trường bền vững. Để đảm bảo mục tiêu đó, các đơn vị, ngành hàng phải nhận diện rõ nguy cơ, thách thức để có các giải pháp cụ thể.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đảm bảo nhu cầu xuất khẩu