Thực hiện tốt các giải pháp để ngăn ngừa chồng chéo, trùng lặp trong kiểm toán

Thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2023, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị khẩn trương tổ chức nguồn lực triển khai tốt nhiệm vụ kiểm toán được giao; đồng thời rà soát, không để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo với hoạt động thanh tra; cũng như kịp thời có phương án xử lý chồng chéo, trùng lặp, tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động của địa phương, đơn vị được kiểm toán.

875a2039383fe561bc2e.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: N.LỘC

Làm tốt công tác thu thập thông tin, lập kế hoạch kiểm toán

Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn, thời gian qua, cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, KTNN cũng đặc biệt chú trọng đến việc rà soát, phối hợp xử lý để tránh chồng chéo trong hoạt động kiểm toán với hoạt động thanh tra, kiểm tra. Dẫn Chỉ thị về tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2023, ông Tuấn cho biết, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải kịp thời báo cáo Lãnh đạo KTNN và phối hợp chặt chẽ với các đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để xử lý chồng chéo, trùng lặp về nội dung và thời gian trong hoạt động kiểm toán, thanh tra theo yêu cầu của Quốc hội: Không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm toán quá 1 lần/năm về cùng 1 nội dung đối với 1 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

“Việc chống trùng lặp khi kiểm toán liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, song trước tiên, các đơn vị kiểm toán cần ý thức và phòng ngừa nguy cơ chồng chéo ngay từ trong hoạt động của Ngành” - ông Tuấn cho biết; đồng thời đề cập đến việc làm tốt công tác khảo sát, thu thập thông tin đóng vai trò rất quan trọng giúp nâng cao chất lượng lập kế hoạch kiểm toán, cũng như hạn chế tối đa nguy cơ chồng chéo, trùng lặp.

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác khảo sát, thu thập thông tin, lãnh đạo KTNN khu vực V cho biết, trước khi đề xuất kế hoạch kiểm toán của Ngành, đơn vị thường tổ chức các đoàn khảo sát, thu thập thông tin từ rất sớm. Bên cạnh đó, trước mỗi đợt kiểm toán, các đoàn khảo sát tiếp tục thu thập thông tin cụ thể về đơn vị, phục vụ cho xây dựng kế hoạch kiểm toán chi tiết. Thông qua đó, đơn vị kiểm toán có thể cơ bản biết được tình hình của địa phương, đơn vị dự kiến kiểm toán để đề xuất phạm vi, nội dung kiểm toán phù hợp với yêu cầu của lãnh đạo KTNN. “Việc thu thập thông tin phải được tiến hành thận trọng nhằm thu thập thông tin đầy đủ, chính xác, từ đó xác định đầu mối kiểm toán phù hợp với năng lực của đơn vị, tránh việc điều chỉnh sau này do trùng với kế hoạch thanh tra” - lãnh đạo đơn vị lưu ý.

Nhấn mạnh mục tiêu của việc khảo sát nhằm xác định nội dung kiểm toán và các vấn đề có liên quan phục vụ hoạt động kiểm toán, hạn chế phát sinh, từ đó giảm bớt ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của địa phương, đơn vị, các đơn vị kiểm toán cũng cho rằng, với hệ thống cơ sở dữ liệu về địa phương, đơn vị kiểm toán đang được cập nhật và ngày càng hoàn thiện, các đơn vị kiểm toán cần chú trọng khai thác kênh dữ liệu này và nhiều cách thức phù hợp khác, thay vì chỉ tập trung khảo sát trực tiếp tại đơn vị như trước đây.

Tại cuộc họp giao ban tháng 3/2023 của KTNN diễn ra chiều 07/3, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn tiếp tục yêu cầu các đơn vị kiểm toán phải tập trung xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng nhiệm vụ để bố trí nguồn lực rõ ràng, hiệu quả; tăng cường phổ biến, quán triệt đến kiểm toán viên về nhiệm vụ kiểm toán, đi đôi với phòng ngừa chồng chéo, trùng lặp với hoạt động thanh tra, kiểm tra để có giải pháp phù hợp, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo KTNN.

Tăng cường phối hợp, kịp thời xử lý chồng chéo, trùng lặp

Thực hiện nhiệm vụ kiểm toán trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao, các đơn vị kiểm toán đã quán triệt đến kiểm toán viên, các đoàn kiểm toán phải thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo; cũng như tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, địa phương để từ đó kịp thời nắm bắt, xử lý phát sinh trong hoạt động kiểm toán, tránh chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ.

Theo lãnh đạo KTNN khu vực IX, từ thực tiễn cho thấy, để đạt được mục tiêu kiểm toán, cũng như kịp thời xử lý phát sinh, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán đòi hỏi các đoàn kiểm toán phải bám sát tình hình, triển khai thực hiện kiểm toán theo đúng kế hoạch, đề cương và phương án kiểm toán đã được phê duyệt. Đồng thời, đoàn kiểm toán phải có trách nhiệm báo cáo thường xuyên, kịp thời các hoạt động kiểm toán theo kế hoạch, cũng như các vấn đề phát sinh. “Việc báo cáo kết quả kiểm toán định kỳ, cũng như lãnh đạo đơn vị thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán sẽ giúp xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình kiểm toán” - lãnh đạo đơn vị cho biết.

Trong khi đó, theo KTNN khu vực VII, việc phối hợp với địa phương, Bộ, ngành và cơ quan chủ quản tốt sẽ giúp thuận lợi cho KTNN trong quá trình thực hiện kiểm toán, đặc biệt là gỡ vướng trong vấn đề chồng chéo. Kinh nghiệm của đơn vị cho thấy, khi thực hiện tốt với địa phương trong hoạt động kiểm toán, từ quá trình khảo sát, thu thập thông tin lập kế hoạch kiểm toán cho đến quá trình kiểm toán và các hoạt động phối hợp thường xuyên khác, khi có phát sinh chồng chéo, đơn vị kiểm toán đã xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo KTNN và kịp thời trao đổi, cùng với địa phương khắc phục tình trạng này, không để ảnh hưởng đến đơn vị được kiểm toán và kế hoạch kiểm toán. Có trường hợp, trong quá trình rà soát, đơn vị đã kiến nghị lãnh đạo KTNN giảm bớt đầu mối kiểm toán để tránh chồng chéo với hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Theo lãnh đạo KTNN chuyên ngành II, hiện nay, trong hoạt động thanh tra có hoạt động thanh tra thường xuyên, tiềm ẩn nguy cơ trùng lặp cao do có chung mục đích với hoạt động kiểm toán là xác nhận, đánh giá. Do đó, khi thực hiện tốt công tác phối hợp với địa phương, cơ quan chủ quản sẽ giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ chồng chéo, trùng lặp. Theo đó, ngoài chương trình phối hợp công tác chung của KTNN với các địa phương, đòi hỏi các KTNN khu vực phải phát huy vai trò, thế mạnh đóng tại địa phương để từ đó tăng cường quan hệ phối hợp, nhất là trong hoạt động kiểm toán./.

Các đơn vị cần tiếp tục đổi mới phương thức kiểm toán, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán và kiến nghị kiểm toán; thực hiện các giải pháp để tránh chồng chéo với hoạt động thanh tra, giảm thiểu tác động và ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến các hoạt động thường xuyên của địa phương, đơn vị.

- Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn - 

Cùng chuyên mục
Thực hiện tốt các giải pháp để ngăn ngừa chồng chéo, trùng lặp trong kiểm toán