Thực trạng nộp thuế của doanh nghiệp

(BKTO) - Trong tổng thu NSNN, khu vực khác lại chiếm tỷ trọng lớn nhất suốt giai đoạn 2001-2019 với mức dao động trên dưới 40%, thậm chí tới gần 50% những năm 2009 và 2017-2019. Đứng thứ hai về tỷ trọng trong tổng thu NSNN là khu vực DNNN với mức trên dưới 20%. Khu vực DN ngoài quốc doanh vươn lên chiếm vị trí số 3 sau gần 2 thập kỷ liên tục tăng tỷ trọng và đạt kỷ lục 16,3% vào năm 2019. Khu vực FDI được coi là đột phá và quan trọng của nền kinh tế song chỉ đứng vị trí cuối cùng về đóng góp cho NSNN với tỷ trọng cao nhất là 14,7% tổng thu NSNN năm 2016, ngoại trừ năm 2019 đột ngột tăng lên 17,3%.



Trong thuế giá trị gia tăng (GTGT) hàng sản xuất trong nước, DN ngoài quốc doanh đã vươn lên từ tỷ trọng trên dưới 30% giai đoạn 2003-2006 lên trên dưới 40% giai đoạn 2007-2016 và chiếm tới gần 1/2 kể từ năm 2017 do DN ngoài quốc doanh chiếm vị trí chủ đạo trong sản xuất kinh doanh phục vụ thị trường trong nước, đặc biệt là ưu thế vượt trội trong lĩnh vực thương mại. Trong khi đó, tỷ trọng của DN FDI trong thuế GTGT hàng sản xuất trong nước gần như không thay đổi suốt giai đoạn 2003-2019 và dao động quanh mức 20% do DN FDI chủ yếu tập trung vào xuất khẩu.

Vị trí dẫn đầu về tỷ trọng trong thuế GTGT hàng sản xuất trong nước của DNNN giai đoạn 2003-2007 với mức trên dưới 40% đã bị DN ngoài quốc doanh chiếm giữ kể từ năm 2008, thậm chí xuống dưới mức 30% từ năm 2016 đến nay cho thấy vai trò của DNNN đối với thị trường trong nước đã sụt giảm mạnh, một phần do tiến trình cổ phần hóa DNNN chủ yếu là những DNNN hoạt động trên thị trường trong nước, phần khác là do cầu hàng hóa do DN ngoài quốc doanh sản xuất kinh doanh tăng nhanh hơn cầu hàng hóa do DNNN cung cấp.

Trong thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), tỷ trọng của DN ngoài quốc doanh mặc dù tăng liên tục từ năm 2007 song cũng chỉ vượt qua mức 20% từ năm 2018 trong khi suốt từ năm 2003 đến 2011 không vượt quá 10%, thậm chí không đáng kể trong giai đoạn 2003-2006. Rõ ràng, tỷ trọng của DN ngoài quốc doanh trong thuế TTĐB tăng lên cho thấy rào cản DN ngoài quốc doanh tham gia những lĩnh vực sản xuất kinh doanh hàng hóa phải nộp thuế TTĐB như: rượu, bia, thuốc lá,... đã từng bước được gỡ bỏ. Bên cạnh đó, cổ phần hóa DNNN cũng tạo cơ hội cho khu vực DN ngoài quốc doanh tham gia sâu rộng hơn vào những lĩnh vực có đóng góp thuế TTĐB. Tuy nhiên, chiếm vị trí áp đảo trong đóng góp thuế TTĐB lại là DN FDI kể từ năm 2015 do hàng loạt DNNN lớn trong lĩnh vực phải nộp thuế TTĐB được bán cho nước ngoài. Tỷ trọng DN FDI trong thuế TTĐB tăng vọt lên gần 1/2 kể từ năm 2016 trong khi tỷ trọng của DNNN tụt xuống trên dưới 30% trong giai đoạn này.

Sắc thuế phản ánh rõ nhất sức mạnh của DN cũng như đóng góp thật sự của DN vào NSNN chính là thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). DNNN nhìn chung chỉ đóng góp trên dưới 20% tổng số thuế TNDN ngoại trừ giai đoạn 2008-2012 đóng góp tới trên dưới 30% mà nguyên nhân chủ yếu là gánh đỡ cho DN ngoài quốc doanh và DN FDI bị khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ở chiều ngược lại, DN ngoài quốc doanh ngày càng đóng góp nhiều hơn vào thuế TNDN, từ mức chưa đầy 10% giai đoạn 2003-2006 lên mức trên dưới 30% kể từ năm 2017 chủ yếu do số lượng DN ngoài quốc doanh gia tăng kéo theo quy mô thuế TNDN của khu vực này tăng lên. Riêng năm 2009, tỷ trọng DN ngoài quốc doanh trong thuế TNDN lại tụt về ngưỡng 10% sau khi đã vượt qua ngưỡng này trong các năm 2007-2008 do khó khăn trong sản xuất kinh doanh và chính sách miễn giảm thuế TNDN cho DN nhỏ và vừa trong chính sách kích cầu giai đoạn 2009-2010.

Chiếm vị trí áp đảo về đóng góp thuế TNDN là DN FDI với tỷ trọng trong thuế TNDN lên tới 60 - 70% suốt từ năm 2003 đến 2015, ngoại trừ năm 2010 tụt xuống đáy chỉ còn 50% và các năm 2009 và 2011 xuống khoảng 56%. Vẫn duy trì vị trí dẫn đầu song tỷ trọng DN FDI trong thuế TNDN đã giảm về mức hơn 50% giai đoạn 2016-2018, thậm chí đã xuống dưới ngưỡng 50% vào năm 2019. Thực tế cho thấy, suốt giai đoạn 2003-2013, phần lớn thuế TNDN do DN FDI đóng góp là từ dầu thô với tỷ trọng trong tổng số thuế TNDN từ DN FDI lên tới trên 90% vào năm 2003 và trên 70% trong những năm còn lại, ngoại trừ năm 2010 và 2013 giảm xuống còn hơn 60%. Tuy nhiên, từ năm 2014, DN FDI phi dầu thô đã đóng góp trên 40% trong số thuế TNDN của khu vực FDI và chính thức vượt ngưỡng 50% kể từ năm 2015, thậm chí đảo chiều lên trên 70% vào năm 2016 và lên tới gần 75% vào năm 2019 - đẩy tỷ trọng thuế TNDN từ dầu thô xuống chỉ còn chiếm 1/4 số thuế TNDN từ DN FDI. Rõ ràng, DN FDI đang phát triển vượt bậc trong những lĩnh vực phi dầu thô thay vì phụ thuộc quá nhiều vào dầu thô như trước năm 2014.

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH
Chuyên gia Kinh tế
Cùng chuyên mục
  • Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong đổi mới và phát triển
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, khi giang sơn sạch bóng quân xâm lược, non sông gấm vóc liền một dải. Từ đó, cả nước vừa ra sức khôi phục kinh tế, tìm tòi, tháo gỡ khó khăn, khắc phục trì trệ, khủng hoảng kinh tế - xã hội; vừa tiến hành hai cuộc chiến đấu chống xâm lược ở hai đầu biên giới, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
  • Áp lực lạm phát giảm  trong quý I/2020
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Sau 3 tháng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tiếp tăng cao trên dưới 1%, từ tháng 02/2020, CPI đảo chiều giảm, thậm chí giảm sâu tới 0,72% vào tháng 3/2020 với 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có CPI giảm. Giảm nhiều nhất là nhóm giao thông chủ yếu do tác động của điều chỉnh giảm giá xăng, dầu tới 9,83% giúp cho CPI chung giảm tới 0,43%. CPI nhóm văn hóa, giải trí và du lịch cũng giảm 1,4%; CPI nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn giảm 0,43% mặc dù giá lương thực tăng 1,09% song giá thực phẩm lại giảm 0,89%. Như vậy, CPI bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019 tuy vẫn tăng 5,56% song xu thế vượt ngưỡng an toàn 5% đã đảo chiều kể từ tháng 02/2020.
  • Đồng lòng, hợp tác chặt chẽ để vượt qua thách thức
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng chống dịch; bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân…
  • Bất động sản có thể là hy vọng cho nền kinh tế?
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Covid-19 tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội không chừa quốc gia, dân tộc nào, dù phát triển, đang phát triển hay chậm phát triển. Kinh tế toàn cầu đối mặt nguy cơ khủng hoảng suy thoái thậm chí còn nặng nề hơn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, đặc biệt là khu vực dịch vụ. Chính vì vậy, các nhà đầu tư, cả tổ chức và cá nhân đều mong muốn tìm nơi trú ẩn an toàn cho đồng vốn của họ và chờ đợi cho đến khi dịch bệnh kết thúc.
  • Vai trò của Kiểm toán Nhà nước đối với dự án PPP - những câu hỏi còn bỏ ngỏ
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ở Việt Nam, PPP được hiểu là đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Theo đó, Nhà nước và nhà đầu tư phối hợp thực hiện các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án hoặc hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư, DN để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
Thực trạng nộp thuế của doanh nghiệp