Bất động sản có thể là hy vọng cho nền kinh tế?

(BKTO) - Covid-19 tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội không chừa quốc gia, dân tộc nào, dù phát triển, đang phát triển hay chậm phát triển. Kinh tế toàn cầu đối mặt nguy cơ khủng hoảng suy thoái thậm chí còn nặng nề hơn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, đặc biệt là khu vực dịch vụ. Chính vì vậy, các nhà đầu tư, cả tổ chức và cá nhân đều mong muốn tìm nơi trú ẩn an toàn cho đồng vốn của họ và chờ đợi cho đến khi dịch bệnh kết thúc.



Đặc điểm của khủng hoảng kinh tế lần này nếu xảy ra là không bắt nguồn từ khu vực tài chính do vay nợ quá mức đi kèm với “bong bóng” bất động sản (BĐS) như hai cuộc khủng hoảng 1997-1998 và 2008-2009 mà do dịch bệnh khiến cho nhiều hoạt động kinh tế đình trệ, thậm chí đóng băng. Niềm tin vào thị trường chứng khoán sụp đổ khiến cho hàng loạt nhà đầu tư ồ ạt rút vốn bất chấp nới lỏng tiền tệ thông qua hạ lãi suất, thậm chí về 0% và bơm tiền thông qua các gói hỗ trợ khổng lồ.

Trong bối cảnh biến động hỗn loạn từ giá chứng khoán, giá vàng, tỷ giá hối đoái, lãi suất,... đến giá nhiều nguyên nhiên vật liệu và hàng hóa thiết yếu thì BĐS nổi lên như một kênh trú ẩn vừa an toàn vừa không kém phần hấp dẫn. Thứ nhất, giá BĐS hiện ở mức tương đối hợp lý do hầu như không có hiện tượng “bong bóng” BĐS như hơn 1 - 2 thập kỷ trước. Thứ hai, cung BĐS đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều đối tượng khác nhau, từ giá thấp đến giá cao, thậm chí đặc biệt cao cấp, từ dành để ở đến cho thuê hay đầu tư, từ như “của để dành” đến công cụ đầu tư hứa hẹn lợi nhuận cao, nhất là gần như chắc chắn giá BĐS sẽ tiếp tục tăng sau khi dịch bệnh đi qua và kinh tế phục hồi. Thứ ba, cầu BĐS đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam vẫn rất lớn và dự báo sẽ tiếp tục duy trì ít nhất 15 - 25 năm nữa. Thứ tư, Việt Nam đang có nhiều chính sách đối phó với Covid-19 vừa hợp tình vừa hợp lý với những thành công được quốc tế và người dân ghi nhận. Niềm tin của mỗi người dân, không kể đang sống trong nước hay ở nước ngoài, của mỗi người nước ngoài, không kể đến Việt Nam du lịch hay làm việc chính là cơ sở vững chắc để tin rằng sau khi dịch bệnh đi qua, Việt Nam nhất định sẽ còn là điểm đến hấp dẫn bội phần.

Theo đó, cầu BĐS không những không giảm mà còn dự báo sẽ tăng mạnh ở hầu hết các phân khúc, từ nhà ở, văn phòng, BĐS thương mại đến BĐS du lịch và dịch vụ cũng như BĐS công nghiệp. Bên cạnh đó, thị trường BĐS còn đang được hưởng lợi nhờ rất nhiều nút thắt về thủ tục, quy trình liên quan đến BĐS đã được tháo gỡ ngay từ những tháng đầu năm 2020 như hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng cho condotel, officetel,... góp phần tăng tính linh hoạt, sức hấp dẫn và độ an toàn cho thị trường BĐS. Sự đa dạng và phong phú của các sản phẩm BĐS đi đôi với sự đảm bảo về pháp lý vững chắc và thông thoáng trong khả năng tiếp cận sẽ giúp cho các nhà đầu tư dễ dàng và an tâm hơn khi lựa chọn đầu tư BĐS phù hợp, giảm thiểu rủi ro. So với các kênh đầu tư khác, rủi ro về pháp lý và thanh khoản là rào cản lớn khiến cho nhiều nhà đầu tư e ngại nhất nên những sản phẩm BĐS có đảm bảo chắc chắn về pháp lý, có tính thanh khoản cao và do những nhà phát triển BĐS có uy tín cung cấp sẽ có ưu thế vô đối.

Ngoài ra, bản thân các DN BĐS cũng như các nhà đầu tư BĐS mong muốn Chính phủ sớm ban hành những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, giảm áp lực tài chính cho DN trong bối cảnh khó khăn như: giãn hoãn thuế, nợ bảo hiểm xã hội, gia hạn thêm thời gian quyết toán thuế năm 2019, giảm các loại phí, miễn giảm đóng bảo hiểm xã hội năm 2020, giãn hoãn trả nợ gốc và lãi các khoản vay ngân hàng,... bên cạnh gói hỗ trợ giảm lãi suất cho vay hiện hành. Được như vậy, hy vọng thị trường BĐS sẽ là điểm sáng kinh tế năm 2020 và sẽ đóng góp tích cực vào hỗ trợ tăng trưởng kinh tế không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay mà còn trong vực dậy nền kinh tế sau dịch bệnh.

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH
Chuyên gia Kinh tế
Cùng chuyên mục
  • Vai trò của Kiểm toán Nhà nước đối với dự án PPP - những câu hỏi còn bỏ ngỏ
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ở Việt Nam, PPP được hiểu là đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Theo đó, Nhà nước và nhà đầu tư phối hợp thực hiện các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án hoặc hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư, DN để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
  • Bất cập hay tư duy cũ trong cơ chế quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Tại cuộc họp chiều 24/02, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Tài chính cùng các Bộ, ngành liên quan thống nhất có giải pháp đúng quy định pháp luật, khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, không được để ảnh hưởng đến đời sống người lao động; trường hợp cần thiết, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
  • Sáng suốt trước dịch nCoV
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Khởi phát từ đầu năm 2020, đến nay, dịch nCoV 2019 (vừa được Tổ chức Y tế Thế giới đặt tên chính thức là COVID-19) đã lan rộng ra hơn 20 quốc gia trên thế giới và khiến hơn 40.000 người nhiễm bệnh, gần 1.000 người tử vong, chủ yếu tập trung tại Trung Quốc. Do chưa thể dự báo được diễn biến của dịch nên việc đánh giá tác động, dự báo tình hình cũng như đề xuất giải pháp, chính sách khắc phục hậu quả và vượt qua dịch bệnh gần như là bất khả thi.
  • Thước đo sự lãnh đạo thành công
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Dấu ấn lịch sử sâu đậm và quan trọng nhất mang tầm vóc và ý nghĩa lịch sử trong sự lãnh đạo kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam là khởi xướng, sáng tạo và lãnh đạo công cuộc đổi mới, mà trước hết là “đổi mới về tư duy kinh tế”.
  • Xuân mới - Tâm thế mới và năng lực mới
    4 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Ngay từ đầu năm 2019, Kế hoạch kiểm toán đã được ngành KTNN chủ động xây dựng minh bạch, chi tiết các đầu mối kiểm toán, giảm thiểu sự chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán và thanh tra. Trong năm qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, đôn đốc quyết liệt, kịp thời trong hoạt động kiểm toán.
Bất động sản có thể là hy vọng cho nền kinh tế?