Thủy điện tích năng Bác Ái: Dự án có ý nghĩa lớn, sẽ phục vụ phát điện vào giờ cao điểm

(BKTO) - Qua kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái, Kiểm toán nhà nước (KTNN) ghi nhận những mặt tích cực, đồng thời chỉ ra những số liệu mà đơn vị được kiểm toán - Ban Quản lý dự án Điện 3 - cần xử lý, điều chỉnh trong báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính.

t7.jpg
KTNN kiến nghị Ban Quản lý dự án Điện 3 điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính Dự án theo ý kiến kết luật của KTNN. Ảnh minh họa

Dự kiến phát điện phủ đỉnh với sản lượng 1,6 tỷ kWh/năm

Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Điện 3 được giao triển khai thực hiện tại huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

Theo EVN, Dự án đóng vai trò quan trọng, có nhiệm vụ chủ yếu là phát điện phủ đỉnh (điền đáy biểu đồ phụ tải hằng ngày, dự phòng công suất phát, giúp ổn định hệ thống, điều chỉnh tần số; là công cụ giúp điều độ hệ thống điện quốc gia vận hành ổn định, an toàn, tin cậy) với công suất lớn nhất 1.200MW lên hệ thống lưới điện quốc gia vào giờ cao điểm.

Đồng thời, bơm nước từ hồ dưới lên hồ trên để tích trữ năng lượng vào giờ thấp điểm, góp phần làm phẳng biểu đồ phụ tải của hệ thống điện với số giờ phát điện phủ đỉnh hằng ngày tối đa là 7 giờ.

Theo thiết kế, Dự án có quy mô đầu tư công suất lắp 4 tổ máy, mỗi tổ máy 300MW, sản lượng điện trung bình hằng năm khoảng 1,6 tỷ kWh.

Dự án gồm các hạng mục: Hồ trên được tạo bởi cụm các công trình đầu mối bao gồm: Đập dâng và Đập tràn; Tuyến năng lượng gồm 2 tuyến độc lập (tuyến số 1 và tuyến số 2) chạy song song với nhau.

Hồ dưới sử dụng hồ chưa nước Sông Cái - một hợp phần của Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư.

Cùng với đó là Dự án thành phần Đường dây đấu nối thủy điện tích năng Bác Ái với hệ thống điện đấu nối về Trạm biến áp 500kV Ninh Sơn bằng đường dây mạch kép, dài khoảng 20km.

EVN xác định, tổng mức đầu tư của Dự án là 21.101.468,68 triệu đồng. Dự án được phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn.

Trong đó, Giai đoạn 1 xây dựng Cụm công trình cửa xả triển khai thi công ngày 06/01/2020, nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 04/3/2021, đảm bảo đồng bộ với tiến độ tích nước của hồ Sông Cái - Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ.

Đến ngày 30/6/2022, giá trị khối lượng hoàn thành là 544.959,11 triệu đồng, trong đó nguồn vốn chủ sở hữu đầu tư dự án là 540.387,07 triệu đồng.

Giai đoạn 2, Dự án sẽ đầu tư xây dựng toàn bộ các hạng mục công trình còn lại, dự kiến khởi công tháng 01/2024, phát điện và hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng tháng 12/2030.

Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái có tên trong danh mục dự án nhà máy điện tích năng phải đưa vào sử dụng từ năm 2019-2021 theo Quy hoạch điện VII, sau được điều chỉnh thời điểm các Tổ máy 1, 2 vận hành năm 2023 và Tổ máy 3, 4 vận hành năm 2025 theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh.

Cần điều chỉnh báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính

Đánh giá về tính trung thực, hợp lý của số liệu tài chính Dự án, KTNN nêu rõ, đơn vị được kiểm toán đã lập và trình bày trung thực, hợp lý Báo cáo tình hình thực hiện đầu tư Dự án về số liệu, thông tin tài chính đến ngày 30/6/2022 theo chuẩn mực, chế độ kế toán và các quy định pháp lý hiện hành.

Đơn vị cũng đã xác định việc thực hiện kiểm soát nội bộ là cần thiết để đảm bảo cho việc lập và trình bày số liệu, thông tin tài chính của Dự án không có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn.

Căn cứ vào phạm vi, giới hạn kiểm toán, các hồ sơ tài liệu do đơn vị cung cấp, xây dựng kế hoạch kiểm toán và thực hiện kiểm toán, Đoàn kiểm toán đánh giá, ngoại trừ sự ảnh hưởng của phạm vi, giới hạn kiểm toán, tổng hợp sai sót ước lượng của Dự án là 4.013 triệu đồng, lớn hơn mức trọng yếu tổng thể (2.725 triệu đồng) nhưng không ảnh hưởng trọng yếu đến Báo cáo kiểm toán do nguyên nhân chủ yếu là tính toán trùng lặp khối lượng và nhầm các hệ số phụ cấp lương nhân công.

Xét trên các khía cạnh trọng yếu, Báo cáo tình hình thực hiện đầu tư của Dự án do đơn vị lập đã phản ánh trung thực và hợp lý tình hình tài chính của Dự án tại thời điểm lập Báo cáo, phù hợp với chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán áp dụng và quy định pháp luật có liên quan, nhưng vẫn còn một số hạn chế.

Cụ thể, qua kiểm toán, KTNN xác định giảm trừ và thu hồi chi phí đầu tư giá trị trước thuế 4.013,3 triệu đồng, thuế giá trị gia tăng 401,3 triệu đồng.

Trong đó, thu hồi thuế giá trị gia tăng đã được hoàn 105,37 triệu đồng (giá trị thuế giá trị gia tăng đầu vào từ khởi công Dự án đến ngày 30/6/2022 là 41.894 triệu đồng, giá trị thuế đã hoàn là 6.926 triệu đồng, tỷ lệ hoàn thuế là 16,54%); kê khai hạch toán giảm thuế giá trị gia tăng còn được hoàn 295,96 triệu đồng.

Vì thế, tại kết luận kiểm toán, KTNN kiến nghị Ban Quản lý dự án Điện 3 điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính Dự án theo ý kiến kết luận của KTNN.

Cụ thể, KTNN kiến nghị Ban Quản lý dự án Điện 3 xử lý tài chính số tiền 4.923,49 triệu đồng. Trong đó, tăng thu ngân sách nhà nước hơn 910 triệu đồng (bao gồm: Thuế tài nguyên 417,6 triệu đồng; phí bảo vệ môi trường 91,2 triệu đồng; giảm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ và thu hồi tiền hoàn thuế giá trị gia tăng theo con số phát hiện kiểm toán nêu trên).

Cùng với đó, Ban Quản lý dự án Điện 3 phải thu hồi cho chủ đầu tư 461,35 triệu đồng và đặc biệt là phải giảm chi phí thanh toán cho chủ đầu tư 3.551,98 triệu đồng.

Trong tổng mức đầu tư của Dự án là 21.101,468 tỷ đồng, chi phí xây dựng là 5.755,1 tỷ đồng; chi phí thiết bị gần 5.475,62 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư 32,526 tỷ đồng; chi phí tư vốn đầu tư xây dựng 1.145,316 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án gần 301,72 tỷ đồng; chi phí khác 3.057,22 tỷ đồng và chi phí dự phòng 5.333,965 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Thủy điện tích năng Bác Ái: Dự án có ý nghĩa lớn, sẽ phục vụ phát điện vào giờ cao điểm