Sắp xếp, kiện toàn hoạt động và biên chế

Qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước (KTNN) kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam sớm phê duyệt phương án tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc; đồng thời, khắc phục những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng biên chế và tổ chức bộ máy.

trang-4.jpg

KTNN kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam sớm khắc phục những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng biên chế và tổ chức bộ máy. Ảnh minh họa

Giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả

Năm 2021, Tổng LĐLĐ Việt Nam có 12 đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Tính đến thời điểm kiểm toán (tháng 10/2022), có 4 đơn vị được giao loại hình tự chủ. Trong đó, giao tự chủ thí điểm Nghị quyết số 77/2014/NQ-CP đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng; tự chủ toàn bộ chi thường xuyên (Báo Lao động), tự chủ một phần (Trường Đại học Công đoàn) và tự chủ theo Nghị quyết số 54/2016/NĐ-CP (Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động). Còn 8 đơn vị chưa xác định mức độ tự chủ và giao tự chủ.

Tại các LĐLĐ tỉnh, thành phố có nhiều công ty, đơn vị sự nghiệp trực thuộc (chủ yếu là nhà văn hóa, các trường nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm…) hoạt động chưa hiệu quả, chưa chủ động tổ chức các hoạt động cho đoàn viên, chủ yếu hoạt động kinh doanh, nguồn kinh phí hoạt động bộ máy và quản lý hành chính chủ yếu do ngân sách nhà nước (NSNN) và các LĐLĐ tỉnh, thành phố cấp hỗ trợ; một số đơn vị phản ánh doanh thu, chi phí chưa đầy đủ hoặc không đúng tính chất nguồn thu, kinh doanh thua lỗ, hoạt động chưa thực sự hiệu quả… Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổng hợp đề xuất của các đơn vị gửi Bộ Tài chính phương án giao tự chủ tài chính cho 3 trường cao đẳng và 10 trường trung cấp trực thuộc các LĐLĐ địa phương nhưng đến thời điểm kiểm toán, phương án chưa được Bộ Tài chính thống nhất.

Trước những bất cập này, KTNN kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành, trình Tổng LĐLĐ phê duyệt phương án tự chủ tài chính; rà soát, sắp xếp, kiện toàn hoặc giải thể các đơn vị trực thuộc hoạt động không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ.

Chấn chỉnh công tác sử dụng biên chế

Trong việc giao biên chế, theo Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026: Trước mắt giữ ổn định số lượng biên chế công đoàn địa phương đã giao vượt so với biên chế được giao. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp ủy, tổ chức đảng liên quan tiến hành kiểm tra, tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình quản lý và giao biên chế công đoàn làm cơ sở tham mưu, hướng dẫn việc giao biên chế đối với cơ quan LĐLĐ cấp tỉnh; cấp huyện thì ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy thực hiện giao biên chế công đoàn theo quy định trong tổng số biên chế được giao”. Tuy nhiên, trong khi chờ hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, kết quả kiểm toán cho thấy, hiện tại việc giao, sử dụng biên chế, người lao động đối với các đơn vị sự nghiệp và tổ chức công đoàn còn một số bất cập ảnh hưởng đến công tác lập, giao, quyết toán kinh phí.

Theo đó, tỉnh ủy, thành ủy các địa phương giao biên chế cho các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Tổ chức Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ tổng hợp trên cơ sở số liệu của LĐLĐ các địa phương để báo cáo Ban Tổ chức Trung ương. Việc giao chỉ tiêu biên chế của thành ủy, tỉnh ủy các địa phương còn chưa thống nhất (giao biên chế cơ quan LĐLĐ tỉnh, không giao biên chế các LĐLĐ quận, huyện hoặc không giao biên chế Công đoàn khu kinh tế, công đoàn ngành hoặc chỉ giao biên chế chung của cả LĐLĐ tỉnh…) hoặc chưa giao biên chế, dẫn đến việc giao dự toán quỹ lương và chi quản lý hành chính giữa các địa phương chưa thống nhất.

Mặt khác, ngoài chỉ tiêu biên chế, thực tế một số LĐLĐ địa phương và công đoàn ngành trung ương đã tuyển dụng và đang sử dụng cán bộ Hợp đồng lao động 68 và hợp đồng chuyên môn khác; việc trả lương cho số cán bộ này đều sử dụng từ nguồn tài chính công đoàn được cấp có thẩm quyền giao dự toán hằng năm.

Kiện toàn lại các tổ chức công đoàn

Tại các trường trung cấp và cao đẳng nghề, việc giao và quản lý biên chế của các đơn vị thuộc thẩm quyền của tỉnh ủy, thành ủy, do đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam không giao biên chế cho các đơn vị này. Trong khi đó, các trường đều có giảng viên cơ hữu và được NSNN hỗ trợ kinh phí chi lương, hoạt động chi thường xuyên và quản lý hành chính.

Đối với các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, theo thống kê của Ban Tổ chức cán bộ, tính đến thời điểm ngày 31/12/2021, còn 43 tổ chức công đoàn có số cán bộ công đoàn chuyên trách vượt 157 người so với định mức của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Nguyên nhân dôi dư là do một số tổng công ty giảm đoàn viên do nghỉ hưu theo chế độ, hạn chế tuyển mới người lao động, tăng năng suất lao động, tái cơ cấu, sắp xếp, chuyển đổi mô hình hoạt động, thoái vốn nhà nước…

Có 37 tổ chức công đoàn là các tổng công ty quản lý dưới 2.000 đoàn viên và 11 cơ quan Bộ, ngành, cục, viện quản lý dưới 1.500 đoàn viên chưa đủ điều kiện là tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo quy định. Qua kiểm toán chi tiết tại Công đoàn Điện lực Việt Nam, có 4/9 tổ chức công đoàn Tổng công ty không đủ điều kiện là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở do đảm bảo số đoàn viên nhưng không đảm bảo số công đoàn cơ sở trực tiếp; Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam có 18/24 tổ chức công đoàn không đủ điều kiện là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở do chưa đủ số đoàn viên theo quy định.

Từ thực tế trên, KTNN kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với các cấp ủy, tổ chức Đảng liên quan tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình quản lý và giao biên chế công đoàn, báo cáo Ban Tổ chức Trung ương để hướng dẫn việc giao biên chế đối với cơ quan liên đoàn lao động cấp tỉnh, cấp huyện, đảm bảo thống nhất. Bên cạnh đó, chỉ đạo LĐLĐ cấp tỉnh phối hợp với Ban Tổ chức tỉnh ủy, thành ủy và Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quyết định giao biên chế cho các trường trung cấp và cao đẳng nghề theo Quy định số 212-QĐ/TW ngày 20/12/2019 của Ban Bí thư.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan công đoàn ngành trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ rà soát các tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có một số cán bộ công đoàn vượt định mức để phối hợp với cấp ủy, tổ chức chuyên môn bố trí, sắp xếp đối với cán bộ dôi dư; sắp xếp, kiện toàn lại các tổ chức công đoàn không đủ điều kiện là tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở./.

Cùng chuyên mục
Sắp xếp, kiện toàn hoạt động và biên chế