Tích cực triển khai hợp tác với Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước (Trung Quốc)

(BKTO) - Sáng 08/4, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Trung Quốc, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) Đỗ Hữu Huy đã có buổi làm việc với ông Cẩu Bình - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa (SASAC) và làm việc với Tập đoàn COFCO (Trung Quốc).

Phát biểu tại buổi làm việc với SASAC, Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy cho biết, đến hết năm 2023, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 Tập đoàn, Tổng công ty do UBQLV làm đại diện chủ sở hữu đạt khoảng 47 tỷ USD (tương đương khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của toàn bộ khối doanh nghiệp nhà nước); tổng tài sản đạt khoảng 100 tỷ USD (tương đương khoảng 65% tổng tài sản của toàn bộ khối doanh nghiệp nhà nước).

01.jpg
Đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm việc với Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa. Ảnh: UBV

Tổng doanh thu hợp nhất đạt khoảng 74 tỷ USD, bằng 176,28% kế hoạch năm 2023; lợi nhuận trước thuế hợp nhất (không tính Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) đạt khoảng 3 tỷ USD, bằng 144,09% kế hoạch năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 8 tỷ USD, bằng 174,00% kế hoạch năm 2023.

Về cơ bản, các doanh nghiệp do UBQLV làm đại diện chủ sở hữu đều có kết quả sản xuất, kinh doanh ổn định, khả quan; góp phần quan trọng vào việc đảm bảo cân đối và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quan trọng như: dầu, khí, điện, than, alumin, vật liệu nổ, hóa chất cơ bản, vận tải (hàng không, đường bộ, đường sắt, hàng hải, viễn thông, các sản phẩm nông nghiệp...); tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy, UBQLV đã có các hoạt động hợp tác hiệu quả, thực chất với SASAC khi triển khai Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) đã ký giữa Ủy ban và SASAC trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng năm 2022 và kết quả chuyến thăm làm việc của UBLQV với SASAC tháng 3/2023.

Trong đó, đối với nội dung đàm phán xử lý những vướng mắc của Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO 2), được sự hỗ trợ của phía SASAC, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) đã tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc trực tiếp giữa chủ đầu tư và tổng thầu Trung Quốc.

Các cuộc đàm phán đã diễn ra trên tinh thần hữu nghị, thẳng thắn, hướng đến giải quyết các tồn tại, vướng mắc của Hợp đồng EPC, từ đó có những bước tiến lớn trong phương án xử lý các tồn tại, vướng mắc.

Bên cạnh đó, trong năm vừa qua, các doanh nghiệp trực thuộc SASAC và UBQLV đã chủ động trao đổi, kết nội, tích cực tìm kiếm khả năng hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng đường bộ, đường sắt, cảng biển, viễn thông, năng lượng…

Làm việc với Tập đoàn COFCO, lãnh đạo UBQLV và Đoàn công tác được biết định hướng tương lai COFCO sẽ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp chất lượng cao, hỗ trợ hiện đại hóa nông nghiệp và phục hồi nông thôn, đồng thời đẩy nhanh việc thành lập một doanh nghiệp ngũ cốc hàng đầu thế giới với khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Hiện nay, Tập đoàn COFCO (trực thuộc Chính quyền Trung ương) dẫn đầu ngành nông nghiệp và ngũ cốc của Trung Quốc, có quy mô kinh doanh ngũ cốc trên toàn cầu.

Tập đoàn COFCO lấy nông nghiệp và ngũ cốc làm hoạt động kinh doanh cốt lõi, tập trung vào các sản phẩm chủ lực như ngũ cốc, dầu, đường, bông, thịt, sữa và các danh mục khác, cũng như triển khai đầu tư tại lĩnh vực thực phẩm, tài chính và bất động sản.

Dựa vào chuỗi công nghiệp nông nghiệp, ngũ cốc và thực phẩm, COFCO cung cấp tài chính cho phát triển nông nghiệp, phát triển quỹ tín thác, hợp đồng tương lai, bảo hiểm, quỹ và các chuỗi kinh doanh tài chính khác, tích hợp công nghiệp và tài chính phục vụ nông nghiệp, khu vực nông thôn và nông dân./.

Cùng chuyên mục
Tích cực triển khai hợp tác với Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước (Trung Quốc)