Tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubella cho trẻ 1-5 tuổi

(BKTO) - Bộ Y tế vừa phê duyệt kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubella (MR) cho trẻ 1-5 tuổi năm 2018- 2019, góp phần tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh Sởi, Rubella trong cộng đồng. Chiến dịch được triển khai tại 418 huyện của 57 tỉnh, thành phố, với hơn 4,2 triệu trẻ từ 1-5 tuổi sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin MR.



95% trẻ sẽ được tiêm bổ sung vắc xin

Theo Kế hoạch của Bộ Y tế, thời gian triển khai chiến dịch chia làm 2 đợt. Đợt 1: tháng 11, 12/2018 tại 156 quận/huyện nguy cơ cao của 20 tỉnh/thành phố. Đợt 2: tháng 1, 2/2019 tại 262 quận/huyện nguy cơ cao của 37 tỉnh/thành phố.

Theo đó, tất cả trẻ từ 1 - 5 tuổi tại vùng nguy cơ cao (trẻ sinh từ ngày 1/1/2014 đến 1/11/2017 đối với đợt 1, trẻ sinh từ ngày 1/3/2014 đến 1/1/2018 đối với đợt 2) sẽ được tiêm bổ sung 01 mũi vắc xin MR ngoại trừ trẻ đã tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi hoặc vắc xin phòng bệnh Rubella trong thời gian <1 tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung.

Chiến dịch đặt mục tiêu sẽ có 95% trẻ từ 1- 5 tuổi vùng nguy cơ cao được tiêm bổ sung 01 mũi vắc xin MR, đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng.

Góp phần đạt mục tiêu loại trừ bệnh Sởi, Rubella

Theo Bộ Y tế, Sởi và Rubella là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút sởi và vi rút rubella gây ra. Bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của trẻ. Trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS) mắc đồng thời nhiều dị tật bẩm sinh như dị tật tim, đục thuỷ tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở trẻ nhỏ, vàng da, xuất huyết... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
                
   

Hơn 4,2 triệu trẻ em sẽ được tiêm bổ sung vắc xin Sởi- Rubella- Ảnh: Nguyên An

   
Vắc xin MR an toàn và có hiệu quả cao trong phòng bệnh. Tỷ lệ tiêm mũi 1 vắc xin sởi trên toàn quốc hàng năm đạt trên 95% và tỷ lệ tiêm vắc xin MR cho trẻ 18 tháng tuổi đạt trên 90%.

Từ năm 2017 số mắc sởi tại Việt Nam có xu hướng gia tăng so với năm 2015, 2016, ghi nhận 436 trường hợp sốt phát ban nghi sởi (SPB) tại 45 tỉnh/thành phố, trong đó có 145 trường hợp sởi dương tính. Năm 2018, tính đến ngày 17/9/2018 toàn quốc có 49 tỉnh/thành phố ghi nhận 2.301 trường hợp SPB, 37 tỉnh/thành phố ghi nhận 954 trường hợp mắc sởi dương tính, 01 trường hợp tử vong tại Hưng Yên (bệnh nhân có bệnh lý nền viêm phổi kéo dài). Các tỉnh có số SPB và sởi dương tính cao là Hà Nội, Lào Cai, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Ninh, Điện Biên... Số SPB nghi sởi phân bố chủ yếu tại miền Bắc (2.094 trường hợp, 91%), miền Nam (197 trường hợp, 8,56%), miền Trung (6 trường hợp, 0,26%), Tây Nguyên (4 trường hợp, 0,17%). So với cùng kỳ năm 2017 (SPB: 251; Dương tính: 41), số SPB nghi sởi tăng 8,2 lần, số trường hợp dương tính tăng 22,3 lần.

Trong số các trường hợp SPB nghi sởi, chỉ có 370 trường hợp đã tiêm chủng (chiếm 16,1%), trong đó dương tính 110, còn lại phần lớn là các trường hợp không được tiêm chủng (1.004 trường hợp, chiếm 43,6%, trong đó dương tính 501) và không rõ tiền sử tiêm chủng (927 trường hợp, chiếm 40,3%, trong đó dương tính 343).

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc duy trì tỷ lệ tiêm 2 mũi vắc xin sởi ở trẻ dưới 2 tuổi đạt 95% là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi. Ngoài ra cần triển khai các đợt tiêm vét, tiêm chiến dịch theo tình hình dịch tễ.

Mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin sởi và vắc xin MR trên toàn quốc các năm gần đây đạt cao, tuy nhiên tỷ lệ tiêm vắc xin MR trên phạm vi toàn quốc chưa đạt 95% và vẫn còn các huyện/thị vùng nguy cơ cao chỉ đạt tỷ lệ tiêm vắc xin sởi, MR dưới 90%. Số trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc một số trẻ đã tiêm chủng nhưng không có miễn dịch phòng bệnh tích lũy qua các năm. Khi số lượng này đủ lớn, trong điều kiện vi rút sởi lưu hành có thể gây dịch.

Năm 2018, Việt Nam đã tiến hành bổ sung vắc xin MR cho 33 huyện thuộc 06 tỉnh nguy cơ bao gồm Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La từ tháng 6/2018. Đến nay, hầu hết các huyện đã hoàn thành chiến dịch với tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95%. Ngoài ra, 13 tỉnh/thành phố vùng nguy cơ cao đang xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vắc xin MR cho trẻ từ 1 - 5 tuổi. Một số tỉnh, thành phố có số mắc sởi cao năm 2018 cũng đã có kế hoạch triển khai tiêm vắc xin MR trên địa bàn bằng nguồn kinh phí của địa phương như Hà Nội, Lào Cai.

Việc mở rộng phạm vi triển khai tiêm vắc xin MR tại các vùng nguy cơ cao là rất cần thiết. Hoạt động này sẽ góp phần quan trọng không để dịch Sởi, Rubella quay trở lại, góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu loại trừ bệnh Sởi và Rubella cùng với các nước khu vực Tây Thái Bình Dương trong tương lai. Đây cũng là nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho Dự án Tiêm chủng mở rộng trong giai đoạn 2016-2020.
         
Kinh phí triển khai chiến dịch sử dụng từ nguồn kinh phí NSNN dành cho Dự án Tiêm chủng mở rông. Tổng kinh phí là hơn 91,3 tỷ đồng, trong đó kinh phí mua vắc xin là 81,4 tỷ đồng, kinh phí mua vật tư tiêm chủng là hơn 9,9 tỷ đồng.
NGUYÊN AN
Cùng chuyên mục
  • PVN ủng hộ 250 tỷ đồng cho đồng bào nghèo trong năm 2018
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo- không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động và triển khai tháng cao điểm “Vì người nghèo”, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên đã đăng ký với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác an sinh xã hội đối với địa phương, tổ chức, cá nhân trong cả nước năm 2018 với kinh phí 250 tỷ đồng.
  • Gần 46% dân số thế giới đang sống với thu nhập dưới 5,5 USD/ngày
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tiến bộ kinh tế toàn cầu đồng nghĩa với việc dù số người nghèo cùng cực giảm đi nhưng gần một nửa dân số thế giới, tức là 3,4 tỷ người, vẫn đang chật vật để đáp ứng các nhu cầu cơ bản.
  • Ra mắt Ngân hàng mô đầu tiên tại Việt Nam
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chiều 16/10, tại Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khai trương Ngân hàng mô và khu khám bệnh theo yêu cầu. Đây là Ngân hàng mô đầu tiên được cấp phép và đi vào hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác số 75/2006/QH11 và Nghị định 118/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng mô.
  • Lần đầu tiên cứu sống bệnh nhân nhược cơ nặng bằng kỹ thuật thay huyết tương
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 16/10, thông tin từ Bệnh viện K cho biết, lần đầu tiên các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện đã thực hiện thành công kỹ thuật thay huyết tương điều trị cho một nam bệnh nhân bị nhược cơ nặng do u tuyến ức di căn màng phổi.
  • Ưu tiên nguồn lực cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khoẻ người dân
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe người dân, song Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng, đòi hỏi phải có các giải pháp can thiệp đồng bộ nhằm cải thiện tầm vóc, trí tuệ và sức khoẻ người Việt.
Tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubella cho trẻ 1-5 tuổi