Xu hướng người tiêu dùng Việt ưu tiên sử dụng hàng Việt đã không ngừng gia tăng.Ảnh: P.Tuân
Sức tiêu dùng của thị trườngnội địa ngày càng tăng
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2020 ước đạt 450.800 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng 9 và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, doanh thu bán lẻ hàng hóa đã đạt 356.500 tỷ đồng, tăng 2,5% và tăng 11%. Tính chung 10 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 4,12 triệu tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 3%. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng đạt trên 3,26 triệu tỷ đồng, chiếm 79,1% tổng mức và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là chỉ số tăng duy nhất trong các yếu tố của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Kết quả này cho thấy bán lẻ hàng hóa tiếp tục là một trong những động lực quan trọng, không chỉ góp phần cho tăng trưởng thị trường nội địa, mà còn đóng góp quan trọng cho tăng trưởng GDP cả nước trong thời gian cực kỳ khó khăn này.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường trong nước của Việt Nam đang phát triển có thể bổ sung một phần hoặc thậm chí đối trọng với thị trường nước ngoài. Đến nay, gần 1/6 dân số Việt Nam đã gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu với chi tiêu bình quân đầu người hơn 15 USD mỗi ngày. Nếu duy trì được tốc độ hiện tại, mỗi năm, Việt Nam sẽ có thêm 1 triệu người tham gia nhóm này. Tầng lớp trung lưu mới nổi sẽ không chỉ tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ nhiều hơn, mà còn yêu cầu chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt hơn. Điều này đòi hỏi các DN Việt phải nâng cao năng lực thông qua sử dụng hiệu quả các nguồn lực và đổi mới, sáng tạo hơn.
Thị trường nội địa được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng của DN Việt. PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính - nhận định, các DN Việt rất dễ tiếp cận thị trường nội địa bởi chi phí phát triển thị trường thấp hơn rất nhiều so với phát triển thị trường nước ngoài. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các nước đều thực hiện giãn cách xã hội, giảm tối đa nhập khẩu nhằm giảm thiểu nguồn lây lan dịch bệnh. Một số nước còn có động thái đóng cửa, bảo vệ thị trường nội địa. Do đó, kích cầu tiêu dùng nội địa là một yêu cầu bắt buộc, không chỉ đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân trong nước mà còn tháo gỡ khó khăn cho khu vực DN.
Một yếu tố thuận lợi cho DN phát triển thị trường trong nước, theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, người dân Việt Nam có tính dân tộc rất cao, sau những nỗ lực thúc đẩy phong trào “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, xu hướng người tiêu dùng Việt ưu tiên sử dụng hàng Việt đã không ngừng gia tăng.
Thúc đẩy hàng Việt chiếm lĩnhthị trường
Kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar cũng cho thấy, nhu cầu và hành vi tiêu dùng của người Việt cũng đang có những thay đổi mạnh mẽ. “Hậu Covid-19 và giãn cách xã hội, lối sống và quản lý tài chính của người Việt thay đổi theo hướng thận trọng và kỹ lưỡng hơn”, bà Nguyễn Thị Bích Chung - đại diện của Kantar - cho biết, đồng thời công bố con số 57% người tiêu dùng được hỏi chia sẻ rằng họ sẽ ngừng mua các sản phẩm, dịch vụ ảnh hưởng đến môi trường, xã hội; họ cũng ưu tiên chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu và an toàn cho sức khỏe…
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam - đánh giá, thị trường nội địa chính là cứu cánh cho DN Việt cả trước mắt và lâu dài. Khi DN hướng tới thị trường nội địa, về mặt tổng thể sẽ tạo tính tự chủ cho hàng hóa Việt Nam, đỡ phụ thuộc vào hàng hóa bên ngoài. Về lâu dài, các DN mở rộng được thị trường nội địa sẽ tạo được một sân nhà vững chắc với lợi thế cạnh tranh cao và rất am hiểu tâm lý người tiêu dùng.
Nhằm hỗ trợ các DN khắc phục khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa, từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương đã chủ trì tổ chức nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng. Gần đây nhất, Chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 - Vietnam Grand Sale 2020” đã được triển khai thực hiện. Đây là hành động thiết thực hưởng ứng tinh thần của Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Thông qua Chương trình, các DN đã có nhiều hoạt động khuyến mại hấp dẫn để người tiêu dùng mua sắm được những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp. Các địa phương và đông đảo DN đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động khuyến mại kết hợp với hội chợ, triển lãm trưng bày, giới thiệu sản phẩm.
Thống kê sơ bộ cho thấy, đã có hơn 27.450 chương trình khuyến mại do các DN thực hiện để hưởng ứng Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia. Trong đó, có gần 1.000 chương trình khuyến mại với mức khuyến mại từ 80% đến 100%; có 1.100 chương trình khuyến mại với mức khuyến mại từ 60% đến 79% và khoảng 2.500 chương trình khuyến mại với mức khuyến mại từ 50% đến 69%. Các chương trình khuyến mại giảm giá sâu thường tập trung vào các ngành hàng: may mặc, hàng tiêu dùng, hàng điện máy, điện tử, viễn thông… được bán qua hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ và sàn giao dịch thương mại điện tử.
QUỲNH ANH