Vững tay chèo vượt khó “3 không”
TS. Vương Hữu Nhơn sinh ngày 11/7/1932, tại xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Trải qua nhiều cương vị công tác, năm 1994, ông đã được Chính phủ tin tưởng giao đảm nhiệm chức vụ Tổng Kiểm toán nhà nước.
Trên thế giới, KTNN đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Song ở nước ta, phải cho tới những năm 90 của thế kỷ XX, quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải quản lý kinh tế, tài chính chặt chẽ, hiệu quả và minh bạch hơn, phù hợp với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng. KTNN ra đời là một đòi hỏi tất yếu, là nhu cầu tự thân của nền kinh tế thị trường.
Ông và các cán bộ ngày ấy nhận nhiệm vụ thành lập KTNN trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt với nhiều con số “Không”: Không có tiền lệ trong cơ cấu tổ chức nhà nước ở Việt Nam, Không có cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật, Không có nguồn nhân lực chuyên ngành. Bước khởi đầu chỉ có lòng quyết tâm cùng sự ủng hộ của lãnh đạo Chính phủ.
Một lần từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội làm việc, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã nói với ông: “Tôi đi họp nhiều nước nghe họ nói về công tác kiểm toán, tôi mê quá, nhất là nước ta trong giai đoạn đổi mới, nhưng thực sự chưa hiểu rõ tổ chức ra sao, làm như thế nào? Các cậu cố gắng chọn những cán bộ giỏi cử đi nước ngoài nghiên cứu, học tập rút ra những cái tốt nhất, thích hợp nhất với hoàn cảnh nước ta để về huấn luyện dần dần, đào tạo đội ngũ kiểm toán. Chúng ta xác định vừa xếp hàng vừa chạy. Các cậu phải tổ chức nhanh chóng lên, gấp rút lắm rồi...”.
Để tạo điều kiện ban đầu, KTNN được Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng ý cho đóng trụ sở tại địa chỉ số 33 Hùng Vương, Hà Nội. Lúc đó, việc “tìm quân” mới thật không đơn giản, dễ dàng. Tuy nhiên, nhờ một số đồng chí, trong đó có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Ngọc Son, KTNN dần dần cũng tập hợp được một số cán bộ cốt cán.
Tạm ổn định bước đầu, ông cùng một số cán bộ đã đi những nước có lịch sử phát triển KTNN lâu đời để hợp tác, học tập những kinh nghiệm quý. Có bộ máy tổ chức, điều lệ, trụ sở, nhân lực, ông và các cán bộ bắt tay vào việc. Để kiểm toán có chất lượng thì phải có cán bộ kiểm toán tốt, am hiểu công việc. Vì vậy, KTNN bắt đầu tập huấn, đào tạo đội ngũ và tổ chức kiểm toán một số đơn vị nhằm rút kinh nghiệm. Ở thời điểm đó, khó khăn lớn nhất là KTNN chưa có một hệ thống quy trình, chuẩn mực, các hướng dẫn kiểm toán cũng như mẫu biểu, hồ sơ làm cơ sở cho hoạt động kiểm toán.
Chúng tôi nhận nhiệm vụ quản lý và điều hành KTNN trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt: Từ một cơ quan mà trước đó chưa có tiền thân về tổ chức và tiền lệ về hoạt động; không có cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật; không có nguồn nhân lực chuyên ngành… Những gì có được trong bước khởi đầu là lòng quyết tâm và sự ủng hộ của Chính phủ, đặc biệt là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng nền móng KTNN và cố Thủ tướng Phan Văn Khải - người có công tiếp sức cho KTNN xây dựng và phát triển trong thời kỳ đầu đầy khó khăn, thử thách.
TS. Vương Hữu Nhơn - Cố Tổng Kiểm toán nhà nước
Từ đòi hỏi thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, vị Tư lệnh Ngành nhận thấy cần thiết phải có một bộ chuẩn mực làm nền tảng cho hoạt động chuyên môn. Với nhiều nỗ lực, cố gắng, chỉ sau 5 năm KTNN thành lập, Tổng Kiểm toán nhà nước Vương Hữu Nhơn đã ký ban hành Hệ thống Chuẩn mực KTNN đầu tiên với 14 chuẩn mực. Hệ thống Chuẩn mực đã hướng tới những đối tượng quan trọng như ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, trở thành “cẩm nang” gợi ý, hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán đối với Kiểm toán viên nhà nước trong giai đoạn đầu KTNN đi vào hoạt động. Đây chính là bước đi mạnh mẽ, tiên phong, đặt viên gạch nền móng đầu tiên cho các Hệ thống Chuẩn mực KTNN được xây dựng sau này…
Đồng chí Vương Hữu Nhơn đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì; Huy chương thành đồng Tổ quốc; Huy chương vì sự nghiệp công đoàn, vì sự nghiệp thương binh - xã hội, vì sự nghiệp thương mại; Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Những di nguyện lúc sinh thời
Không chỉ đau đáu, trăn trở với sự phát triển của KTNN lúc tại nhiệm, ngay cả khi nghỉ hưu, ông vẫn luôn dõi theo từng bước phát triển của Ngành. Vào mỗi dịp đặc biệt, ông luôn gửi gắm những tâm tư, tình cảm và dành những lời chúc tốt đẹp tới toàn thể các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của KTNN. Ông vui mừng trước sự phát triển, lớn mạnh không ngừng của KTNN.
Trước Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN (11/7/1994-11/7/2024) một năm, TS. Vương Hữu Nhơn đã có một bài viết đầy xúc động với những dòng chữ viết tay mộc mạc, giản dị nhưng thấm đẫm tình cảm, thể hiện mong muốn và kỳ vọng của người lãnh đạo - Tổng Kiểm toán nhà nước đầu tiên - dành cho các thế hệ sau. Báo Kiểm toán đã dành vị trí trang trọng nhất để đăng tải bài viết và lưu giữ như một nguồn tư liệu quý. Bài viết không chỉ gợi lại kỷ niệm của những ngày khởi đầu gian nan nhưng rất đỗi tự hào của ông và thế hệ cán bộ đầu tiên mà còn khẳng định những thành tựu nổi bật của Ngành: “Sau gần 1/3 thế kỷ xây dựng và phát triển với nhiều khó khăn, thách thức, KTNN đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong cơ cấu bộ máy nhà nước; khẳng định được sự cần thiết, tính tất yếu, khách quan của hoạt động KTNN trong thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; gây dựng được uy tín và sự tin cậy trong sự nghiệp xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững; phục vụ hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam…”.
Để làm tốt vai trò và nâng cao hơn nữa vị thế của KTNN, ông mong rằng toàn Ngành cần phải quyết tâm hơn nữa, sẵn sàng vượt qua thách thức, tiếp tục có những bước đi tích cực và thiết thực. Các đơn vị trong Ngành, đặc biệt là các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực cần phối hợp chặt chẽ hơn với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, cũng như tổ chức các hoạt động giám sát, quản lý và điều hành tài chính, tài sản công tại các đơn vị được kiểm toán theo quy định của pháp luật.
Đầu năm 2024, nhân dịp Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cùng Đoàn công tác của KTNN đến thăm ông và gia đình, ông vô cùng xúc động, “tay bắt mặt mừng”. Ông gửi lời thăm hỏi nhiều người và tiếp tục nhắn nhủ, dặn dò thế hệ hôm nay biết bao điều trân quý: KTNN phải tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ “Công minh - Chính trực - Nghệ tinh - Tâm sáng”. Các kiểm toán viên cần chú tâm “rèn đức, luyện tài” để xứng đáng với vai trò, vị thế và uy tín của Ngành. Vị tư lệnh Ngành đầu tiên cũng bày tỏ mong muốn KTNN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đặc biệt là có thêm những chức năng, nhiệm vụ mới phù hợp với thực tiễn cũng như thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân…
7 năm trên cương vị Tổng Kiểm toán nhà nước và nhiều năm sau, dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn luôn dõi theo từng chặng đường phát triển của KTNN.
Ông ra đi nhưng những tình cảm dạt dào, sâu lắng, những lời dặn dò ân cần vẫn còn đọng mãi trong lòng mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động KTNN, tạo nguồn động lực để thế hệ hôm nay tiếp bước vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng nỗ lực phấn đấu xây dựng và phát triển KTNN trở thành cơ quan uy tín, chuyên nghiệp, hiện đại, hướng tới giá trị cốt lõi “đảm bảo sự minh bạch, chất lượng, hiệu quả”, đúng như di nguyện của ông lúc sinh thời.
Trước giờ tiễn biệt, xin được thắp nén tâm nhang tưởng nhớ ông - vị Tư lệnh Ngành đầu tiên, Người đã có nhiều công lao, đóng góp cho sự hình thành và phát triển của KTNN!./.