Tiếp sức cho đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong thời kỳ mới

(BKTO) - 10 năm qua, đội ngũ doanh nghiệp (DN) doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, để có thể phát huy tốt hơn vai trò trong thời kỳ mới, ngoài việc nâng cao năng lực, đội ngũ doanh nhân vẫn cần đến một thể chế thông thoáng, thuận lợi, khuyến khích tinh thần kinh doanh và khát vọng làm giàu chân chính.

13.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Top 10 doanh nhân tiêu biểu nhất Việt Nam năm 2022. Ảnh sưu tầm

Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP

Thông tin về tình hình xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Bộ Chính trị khóa XI (Nghị quyết 09) đã tạo ra sự nhất quán và xuyên suốt về mặt chủ trương, chính sách, hệ sinh thái cho cộng đồng DN hoạt động ngày càng thuận lợi hơn, phát triển lớn mạnh như hiện nay.

Đến nay, Việt Nam đã có gần 900.000 DN đang hoạt động; nếu tính khoảng 14.400 hợp tác xã và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh, nước ta có hơn 7 triệu doanh nhân. Nhiều DN, doanh nhân Việt Nam đã mạnh dạn, tạo được đột phá trong quản trị DN, sản xuất - kinh doanh với những dự án đầy tham vọng, vươn xa ra thị trường quốc tế. Một số tập đoàn kinh tế, DN tư nhân có quy mô, tiềm lực tài chính lớn và quản trị, công nghệ hiện đại, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như: Sản xuất ô tô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp... Khu vực DN đóng góp trên 60% GDP và khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc.

Đặc biệt, bức tranh DN đang trên đà phục hồi rõ nét, cho thấy sự bứt phá, phát triển của đội ngũ này trong bối cảnh hậu Covid-19. Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 9 tháng năm 2022 là 163.300 đơn vị, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,3 lần mức bình quân trong cùng kỳ giai đoạn 2017-2021. Chính các DN dưới sự chèo lái của doanh nhân đã góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam lọt vào Top 40 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đương đầu và vượt qua thử thách của cộng đồng doanh nhân, nhiều DN đã xây dựng được thương hiệu và tiềm lực mang tầm vóc khu vực. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19, cộng đồng DN cũng đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng, thể hiện rõ trách nhiệm với xã hội.

Thể chế thuận lợi tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển

Bên cạnh những mặt đạt được, DN Việt vẫn còn không ít hạn chế cần khắc phục. Đó là, tình trạng thiếu vốn cho hoạt động, mở rộng sản xuất hoặc đầu tư để thay đổi công nghệ, 98% DN có quy mô nhỏ và vừa. Cùng với đó, trình độ quản lý, khả năng tiếp thị - xây dựng thương hiệu và kiến thức pháp luật cũng còn là những rào cản rất đáng lo ngại. Những điểm yếu này đang kìm nén, cản bước DN Việt trên đường “vươn ra biển lớn”.

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, đến nay, Việt Nam vẫn thiếu nhiều DN tầm vóc đầu đàn, có đủ sức làm điểm tựa để lan tỏa, nâng đỡ những đơn vị nhỏ hơn phát triển và mang tầm ảnh hưởng lớn ở khu vực cũng như thế giới. Vì vậy, những cơ chế, chính sách của Nhà nước phải tạo ra sự bình đẳng, tạo thuận lợi cho tất cả các DN, không phân biệt quy mô lớn, hay nhỏ, Nhà nước, tư nhân hay đầu tư nước ngoài. Nếu được tham gia cùng các nhà thầu lớn, DN nhỏ và vừa sẽ lớn dần lên, kể cả việc chấp nhận không tính lãi, thậm chí lỗ để lấy năng lực, kinh nghiệm.

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, vị thế, uy tín và tiềm lực của đất nước ta hiện nay đã khác rất nhiều so với 10 năm trước. Để nắm bắt được thời cơ và vượt qua thách thức trong bối cảnh mới, trước tiên, bản thân đội ngũ doanh nhân phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò của mình trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; chủ động hơn nữa trong việc hội nhập, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, Nhà nước cần xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh và khuyến khích tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính.

Tại Lễ Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 diễn ra vào giữa tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối điều hành, chỉ đạo tổ chức thực hiện đi đôi với xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, DN và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, công bằng, khuyến khích phát triển và đổi mới sáng tạo; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; loại bỏ những quy định không còn phù hợp, tháo gỡ điểm nghẽn có thể ảnh hưởng đến hoạt động, phát triển của DN, doanh nhân.

Giới chuyên gia kỳ vọng, những giải pháp mà người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh sẽ tiếp sức cho đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN không ngừng phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.

Đại hội XIII đã đề ra nhiệm vụ: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi…”; phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%.

Cùng chuyên mục
  • Linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá
    một năm trước Tài chính
    (BKTO) - Tỷ giá những ngày gần đây tạm thời ổn định nhưng đã ở mặt bằng cao hơn khá nhiều so với đầu năm. Theo các chuyên gia, diễn biến tỷ giá cuối năm 2022 và đầu năm 2023 sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cần điều hành
  • Nâng cao chất lượng đô thị hóa hướng đến phát triển bền vững
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo các chuyên gia, mặc dù Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh trong khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên, chất lượng đô thị hóa của Việt Nam chưa cao. Do đó, cần nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng đô thị hóa hướng đến phát triển bền vững, đóng góp
  • Quy hoạch là công cụ nền tảng để định hướng phát triển đô thị
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Ngày 30/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 phổ biến Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
  • Quy hoạch tỉnh Lai Châu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, giúp tỉnh phát triển nhanh, bền vững
    một năm trước Địa phương
    (BKTO) - Phiên họp thẩm định quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra vào chiều 29/11 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương - Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
  • Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh mới
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Ngày 30/11, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh mới”.
Tiếp sức cho đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong thời kỳ mới