Ngành tài chính hoàn thành vượt mức mọi mặt công tác
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2018, thu cân đối NSNN ước đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, vượt 103.500 tỷ đồng, tăng 7,8% so với dự toán. Trong đó, thu ngân sách T.Ư vượt 4,3%, thu ngân sách địa phương vượt 12,5% so với dự toán; tỷ lệ động viên đạt 25,7% GDP, riêng thuế và phí đạt 21,1% GDP. Chi NSNN được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, chủ động hơn. Bội chi NSNN năm 2018 ước tính dưới 3,6% GDP (dự toán 3,7% GDP).
Về tái cấu trúc thị trường tài chính, đến ngày 28/12/2018, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2017, tương đương 79% GDP năm 2017 và tương đương với 72% GDP năm 2018, vượt chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020.
Hoạt động của thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển. Hiện nước ta có 64 DN hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong đó 30 DN bảo hiểm phi nhân thọ, 18 DN bảo hiểm nhân thọ, 2 DN tái bảo hiểm, 14 DN môi giới bảo hiểm. Năm 2018, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước tăng 24%, tổng giá trị tài sản của các DN kinh doanh bảo hiểm tăng 21,1%, vốn đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 29,5% so với năm 2017.
Về tái cơ cấu DNNN, Bộ đã tiếp tục hoàn thiện các đề án, chính sách về sắp xếp, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Năm 2018, có 19 DN được phê duyệt phương án tái cơ cấu, 15/85 DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa; 21 DN thực hiện bán cổ phần lần đầu. Các tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện đấu giá cổ phần, thoái vốn thu về cho Nhà nước gần 40.000 tỷ đồng.
Về cơ cấu lại NSNN và nợ công, Bộ Tài chính tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững, đảm bảo khả năng trả nợ. Kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ bình quân năm 2018 là 12,63 năm, lãi suất bình quân khoảng 4,67%/năm, giảm 1,31% so với năm 2017. Nhà đầu tư trái phiếu chính phủ ngày càng đa dạng hơn, tỷ trọng nắm giữ trái phiếu của ngân hàng thương mại từ 78% cuối năm 2016 giảm xuống còn khoảng 53,1%. Ước tính đến ngày 31/12/2018, dư nợ công dưới 61% GDP, dư nợ Chính phủ dưới 52% GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 49,7% GDP (trong phạm vi Quốc hội cho phép).
Bộ cũng đã tăng cường quản lý thị trường, giá cả, kiểm soát lạm phát. Năm 2018, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,54%, lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,48% so với năm 2017, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Bộ Tài chính đã thực hiện 98.660 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó kiến nghị xử lý 64.740 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, cơ quan thuế đã thu hồi được khoảng 32.000 tỷ đồng nợ thuế, cơ quan hải quan đã thu hồi và xử lý nợ thuế trên 1.420 tỷ đồng…
Vẫn còn nhiều điềucần phải làm
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2019 của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Năm 2018, ngành tài chính đã hoàn thành toàn diện, vượt mức mọi mặt công tác được Đảng, Nhà nước giao. Những kết quả tiêu biểu của ngành như thu ngân sách vượt 7,8% so với dự toán, lần đầu tiên thu ngân sách T.Ư vượt 4,3%, thu ngân sách địa phương vượt 12,5% dự toán… đã đóng góp đáng kể vào kết quả tăng trưởng kinh tế vĩ mô của cả nước.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, DN vẫn phàn nàn về thủ tục hành chính thuế, hải quan. Thực tế, việc đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của ngành mới chỉ đạt 30%. Có nơi, việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN chưa thực chất, chưa kịp thời. Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính phải chấn chỉnh nạn tham nhũng gây bức xúc cho DN và người dân trong thủ tục hành chính thuế và hải quan.
Một vấn đề nữa được Thủ tướng nhấn mạnh là chính sách tài chính hay sửa đổi, gây khó cho người dân, DN. Thủ tướng yêu cầu: Ngành tài chính cần nhất quán về chính sách, hướng đến sự phát triển, làm giàu cho nông dân, nông nghiệp và nông thôn, không thể để tình trạng Thông tư của Bộ Tài chính quy định người dân bán 1 con bò cho hợp tác xã thì không chịu thuế giá trị gia tăng, còn bán cho hộ để tiêu dùng thì chịu thuế này 5%. Một số chính sách tài chính vẫn còn sơ hở, gây thất thoát NSNN, như: chính sách tài chính đối với đất đai, mặt nước…
Bộ Tài chính phải có giải pháp để hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chẳng hạn, chế độ kế toán đối với hộ cá thể phải đơn giản để khuyến khích loại hình này phát triển thành DN, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020 cả nước có khoảng 1 triệu DN (đến nay mới có hơn 700.000).
Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính phải có những cơ chế khuyến khích DN khởi nghiệp, sáng tạo; thúc đẩy ngành kinh tế số phát triển, không để tình trạng người dân Việt Nam phải chạy sang Singapore đăng ký kinh doanh.
Cho rằng chất lượng thanh tra, kiểm tra của ngành tài chính còn khiêm tốn so với kết quả kiểm toán và kết quả thanh tra của KTNN và Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính phải có giải pháp tổng thể đối với vấn đề này, cần ứng dụng công nghệ vào hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Thủ tướng đề nghị: Ngành tài chính phải quản lý thu tốt hơn nữa, kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế, có giải pháp đồng bộ để tạo không gian tài khóa lớn hơn, có nhiều nguồn lực hơn, từ đó điều hành ngân sách chủ động, linh hoạt hơn. Cơ chế, chính sách tài chính cần hoàn thiện theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, tăng chi đầu tư, giảm chi thường xuyên, giảm bội chi, hướng đến cân bằng ngân sách trong 5 - 10 năm tới.
Cùng với sự tin tưởng ngành tài chính sẽ ngày càng lớn mạnh, có nhiều đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển của đất nước, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan liên quan, các địa phương phải quan tâm, tạo điều kiện để hỗ trợ ngành tài chính hoàn thành nhiệm vụ.
THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 03 ra ngày 17-01-2019