Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: Bức tranh kinh tế Việt Nam 2019 sẽ có sự pha trộn giữa các sắc màu




ÔngVõ Trí Thành

Năm 2019, bức tranh kinh tế của Việt Nam sẽ có sự pha trộn giữa các sắc màu. Trước tiên, tôi nói về màu xám, bởi nền kinh tế của nước ta rất mở, trong khi thế giới đang gặp ba vấn đề có liên quan trực tiếp.

Thứ nhất, trong tất cả các dự báo gần đây, tăng trưởng kinh tế thế giới hai năm tới đều thấp hơn từ 0,1 điểm đến 0,3 điểm % so với dự báo trước đó, tức là tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới sẽ chững lại, thương mại thế giới cũng giảm.

Thứ hai, Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất và Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đều được dự báo giảm tốc nhanh hơn trước đây.

Thứ ba, tình hình bệnh dịch diễn biến phức tạp và rủi ro về địa chính trị tại Bắc Triều Tiên, Biển Đông, Trung Đông, di cư tại Hòa Kỳ... gia tăng.
Về giá cả hàng hóa, đặc biệt là giá dầu, không ai dự báo được giá dầu trong thời gian tới như thế nào, bởi tháng 10/2018, giá dầu tăng vọt lên 55 USD/thùng, tăng hơn 30% so với năm 2017, nhưng trong những ngày vừa qua, giá dầu lại lên xuống thất thường và tiếp tục diễn biến khó lường. Thị trường chứng khoán cũng không ổn định, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ liên tục mất điểm.

Vấn đề nữa là cuộc chiến thương mại Trung Quốc - Hoa Kỳ cũng rất khó dự báo. Mặc dù điều này có thể mang lại cơ hội về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ..., thế nhưng, nếu nó gắn với cuộc chiến địa chính trị thì rất bất lợi cho nhiều quốc gia.

Nói về màu hồng, đầu tiên là sự lạc quan về tiêu dùng của người dân Việt Nam. Trong suốt hơn 10 năm qua, lúc khó khăn, bất ổn hay khi tăng trưởng, hồi phục, niềm tin tiêu dùng của người Việt luôn cao nhất nhì châu Á.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) có hiệu lực vào ngày 14/01/2019 và dự kiến cuối quý I đầu quý II/2019, Hiệp định Việt Nam - EU sẽ được thông qua là cơ hội để mở rộng thị trường xuất nhập khẩu nội khối. Chính phủ cũng đang cải cách rất mạnh mẽ môi trường kinh doanh, khắc phục những hạn chế, tạo thêm động lực để phát triển. Lúc này, cụm từ chúng tôi thấy phù hợp nhất là “hành động”.

Bên cạnh đó, do chính sách đầu tư phát triển của Việt Nam ngày càng cởi mở, cho nên việc đầu tư dài hạn ở đây sẽ rất tốt. Chính sách phát triển kinh tế Trung Quốc cộng 1, đó có thể là Việt Nam hoặc nước lân cận, sẽ có tác động tích cực tới Việt Nam. Cuộc chiến thương mại Trung Quốc - Hoa Kỳ sẽ giúp chúng ta chuyển hướng thương mại và đầu tư, ít nhất là trong ngắn hạn. Cũng bởi cuộc chiến này, Hàn Quốc đang chuyển hướng chiến lược, họ đưa ra “Chiến lược hướng Bắc” - hợp tác với Bắc Triều Tiên hướng đến ổn định hòa bình, nối qua Nga và các nước vùng Trung Á và “Chiến lược hướng Nam” - quan tâm tới Ấn Độ và ASEAN, trong ASEAN thì họ chọn Việt Nam và Indonesia. Đó là những cơ hội mà Việt Nam có thể tận dụng được...

Để cân bằng giữa vùng xám và vùng hồng thì mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 từ 6,6 - 6,8% là hợp lý và thận trọng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đặt ra kịch bản xấu nhất để sẵn sàng đối phó với những rủi ro khó lường đồng thời nhân cơ hội đó (nếu có) để tạo ra một chút lợi thế.

LƯU HƯỜNG (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số Xuân 2019
Cùng chuyên mục
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: Bức tranh kinh tế Việt Nam 2019 sẽ có sự pha trộn giữa các sắc màu