Cần đảm bảo nguyên tắc có kinh doanh là phải nộp thuế

(BKTO) - Đó là một trong những chỉ đạo quan trọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2019 của Tổng cục Thuế vừa qua.



Mở rộng cơ sở thuế, thu ngân sách vượt dự toán 7,2%

Cũng tại Hội nghị này, ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) - cho biết: Năm 2018, số thu ngân sách của ngành thuế đạt trên 1,14 triệu tỷ đồng, bằng 107,2% dự toán, tăng 12,3% so với thực hiện năm 2017.

Trong đó, thu từ dầu thô đạt 66.048 tỷ đồng, bằng 183,9% dự toán, tăng 33,2% so với thực hiện năm 2017; thu nội địa đạt trên 1 triệu tỷ đồng, bằng 104,5% dự toán, tăng 11,2% so với năm 2017. Đóng góp lớn cho số thu nội địa phần lớn là từ tiền sử dụng đất, đạt 146.616 tỷ đồng, bằng 170,7% dự toán, tăng 17,1% so với cùng kỳ; thu ngân sách T.Ư ước đạt 512.752 tỷ đồng, bằng 101,66% dự toán. Điểm đáng chú ý là sau nhiều năm không đạt chỉ tiêu được giao, năm nay, thu ngân sách T.Ư đã vượt 1,66% dự toán.

Năm 2018, Tổng cục Thuế đã lập và giao chỉ tiêu kế hoạch thanh, kiểm tra cho các cục thuế địa phương, tập trung phân tích chuyên sâu, lựa chọn đúng đối tượng có rủi ro cao về thuế để đưa vào danh sách thanh, kiểm tra; thực hiện đôn đốc nộp đầy đủ, kịp thời số tiền thuế phải thu theo kiến nghị, kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán. Trong năm, cơ quan thuế đã thực hiện trên 90.000 cuộc thanh, kiểm tra. Tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 17.302 tỷ đồng, giảm khấu trừ gần 2.000 tỷ đồng, giảm lỗ trên 34.400 tỷ đồng…

Năm 2019, ngành thuế đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao nhiệm vụ thu NSNN là 1,16 triệu tỷ đồng, trong đó, dầu thô là 44.600 tỷ đồng và thu nội địa là 1,12 triệu tỷ đồng. Người đứng đầu Tổng cục Thuế cho biết, ngành sẽ phấn đấu vượt 5% so với nhiệm vụ được giao.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2019 của Tổng cục Thuế, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đánh giá: Năm 2018, Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu tăng thu NSNN vượt dự toán 3%, nhưng ngành thuế đã thu tăng 7,2%. Đây là con số rất cao, cho thấy cơ sở thu thuế đã được mở rộng hơn trước rất nhiều. Có 40 địa phương lọt Top câu lạc bộ có số thu 5.000 tỷ đồng, 18 địa phương có số thu 10.000 tỷ đồng. Trong vòng 10 năm qua, tổng thu của ngành thuế đã tăng gấp hơn 3 lần. Thuế là nguồn thu chủ yếu của NSNN, do đó, kết quả thu ngân sách của ngành thuế đã đóng góp rất tích cực vào việc hoàn thành chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018 của đất nước, tạo tiền đề tốt cho các năm tiếp theo.

Cải cách thuế không phải là tăng tỷ lệ huy động và thuế suất

Cùng với việc ghi nhận những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng đã yêu cầu ngành thuế phải nhanh chóng xây dựng và triển khai đề án mở rộng cơ sở thuế nhưng không lạm thu mà phải nuôi dưỡng nguồn thu, hạn chế thuế khoán đối với hộ kinh doanh.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Cải cách thuế không phải là tăng tỷ lệ huy động, tăng thuế suất, mà phải đảm bảo nguyên tắc có kinh doanh là phải nộp thuế. “Chúng ta phải xây dựng văn hóa có hóa đơn, văn hóa đóng thuế với các hộ kinh doanh thuộc lĩnh vực dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn. Điều này sẽ giảm được việc thực hiện thu thuế theo phương thức khoán, tránh được sách nhiễu”.

Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Ngành thuế phải lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, các chuyên gia, các hiệp hội, với tinh thần cầu thị để hoàn thành dự luật với chất lượng cao nhất, khắc phục được những bất cập, vướng mắc hiện nay, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, có thể ổn định lâu dài trong 10 - 20 năm.

Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng phải cụ thể hóa, triển khai Nghị định về hóa đơn điện tử, đảm bảo cho 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM đạt 100% người nộp thuế áp dụng hóa đơn điện tử, sau đó tiến tới việc mỗi tỉnh, thành đều phải áp dụng hóa đơn điện tử nhằm thu hẹp diện thuế khoán.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành thuế tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế trên cơ sở quản lý rủi ro, không gây phiền hà cho DN. Những phán quyết về thuế không thể đẩy lên Thủ tướng và Chính phủ mà phải xử lý theo luật.

Ngành thuế cũng cần thực hiện giải pháp chống xói mòn cơ sở thuế, chống thất thu thuế; phối hợp với các địa phương và Tổng cục Thống kê để xây dựng đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát; nghiên cứu, chủ động đề xuất với Bộ Tài chính và Chính phủ ban hành chính sách phù hợp với môi trường kinh doanh mới như: kinh tế chia sẻ, kinh tế số, công nghệ tài chính (fintech)…

Về vấn đề ngành thuế đặt mục tiêu thu vượt dự toán 5% trong năm 2019, Phó Thủ tướng đề nghị ngành xem xét, phấn đấu vượt thu ở mức 7 - 8% so với dự toán. Từ đó, ngành cần xem xét việc giao chỉ tiêu theo hướng tích cực hơn đối với những địa bàn có dư địa tăng thu nhằm tạo động lực và áp lực đối với các Bộ, ngành, địa phương.

Phó Thủ tướng yêu cầu: Ngành thuế và Bộ Tài chính cần tham mưu cho Chính phủ, từng bước hoàn thiện công tác dự báo thu, chuyển dần từ việc dự toán như hiện nay sang xây dựng dự toán thu trên cơ sở dữ liệu về kinh tế - xã hội; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để nâng cao niềm tin của người dân, DN đối với cơ quan thuế. Khi triển khai công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, ngành cần triển khai rất thận trọng, chắc chắn, nhưng cũng phải quyết tâm, quyết liệt. Cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức thuế của các chi cục thuế khu vực phải phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo sự ổn định và phát triển của ngành.

THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 04 ra ngày 24-01-2019
Cùng chuyên mục
  • Thu ngân sách vượt 103 nghìn tỷ đồng: Ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2018
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Năm 2018, ngành tài chính đã hoàn thành toàn diện, vượt mức mọi mặt công tác. Tuy nhiên, chính sách tài chính cần nhất quán, hoàn thiện theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, tăng chi đầu tư, giảm chi thường xuyên, giảm bội chi, hướng đến cân bằng ngân sách trong 5 - 10 năm tới.
  • Triển vọng lạc quan của ngành ngân hàng năm 2019
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Vượt qua những thách thức của tình hình thế giới và trong nước, năm 2018, ngành ngân hàng đã gặt hái kết quả hết sức tích cực. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), với kết quả kinh doanh lạc quan trong năm 2018, đa số các tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng tình hình kinh doanh năm 2019 tiếp tục được cải thiện hơn.
  • Tăng cường kỷ luật tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ tài chính- NSNN quan trọng đặt ra cho năm 2019 đối với ngành tài chính là tăng cường kỷ luật tài chính - NSNN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, Bộ Tài chính đã quy định rõ yêu cầu đối với 3 hoạt động liên quan, là: công tác giao dự toán chi, việc tổ chức thực hiện chi và công tác kiểm soát chi, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các đơn vị sử dụng NSNN.
  • Tăng cường giám sát, đảm bảo tính thực chất trong xây dựng nông thôn mới
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Chiều ngày 15/01, tại Hà Nội, Ủy ban T.Ư (MTTQ) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016- 2018.
  • Chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Tăng trưởng tín dụng phù hợp, nợ xấu giảm mạnh, kiểm soát lạm phát tốt… là những thành công nổi bật trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Với những kết quả trên, ngành ngân hàng đã đạt được các mục tiêu đề ra từ đầu năm, qua đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Cần đảm bảo nguyên tắc có kinh doanh là phải nộp thuế