Nhiều đổi mới trong chính sách thuế
Với mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho DN, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật Quản lý thuế, Luật Thuế xuất nhập khẩu, Luật Phí và lệ phí số và nhiều Nghị định quan trọng...
Chính sách thuế đã và đang có nhiều cải cách, đổi mới theo hướng đơn giản hóa các thủ tục nhằm tạo thuận lợi cho DNẢnh: TK
Việc sửa đổi chính sách trên là nhằm hướng tới khung khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ, đơn giản hóa, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo tính minh bạch của thể chế. Nhờ đó, thời gian nộp thuế của DN đã giảm dần (từ 650 giờ năm 2010 xuống còn 117 giờ năm 2016). Bên cạnh đó, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tới 63 Cục Thuế và Chi cục Thuế trực thuộc. Tính đến cuối tháng 8 vừa qua, số DN đang thuộc diện quản lý thuế đã thực hiện khai thuế qua mạng đạt 99,6%. Hiện tại, số DN sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử cũng đạt trên 95,7%.
Tháo gỡ vướng mắc trong thực thi chính sách
Mặc dù chính sách thuế đã có nhiều đổi mới nhưng theo phản ánh của một số DN, trong quá trình thực thi, DN vẫn gặp khó khăn, vướng mắc.
Tại Hội thảo: “Các giải pháp và chính sách thuế hỗ trợ DN phát triển và đẩy mạnh hội nhập” do Tạp chí Tài chính tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn và Kế toán FAC - phản ánh việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục thuế từ phía cơ quan chức năng còn gây phiền hà cho DN. Chẳng hạn, liên quan đến khâu nộp thông báo tài khoản ngân hàng, DN phải làm theo mẫu mới (mẫu PL I-15) để nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thay cho mẫu cũ (mẫu 08) và phải “chạy đi chạy lại” mất 15 ngày mới lấy được kết quả, vượt quá thời gian so với quy định dẫn đến bị phạt tiền chậm nộp thuế. Bên cạnh đó, các thủ tục đăng ký của ngành Thuế đa số áp dụng điện tử nhưng cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh lại vẫn yêu cầu phải có giấy tờ. Đây là những bất cập cần được các cơ quan chức năng tháo gỡ.
Cùng với đó, theo bà Nguyễn Thị Thúy Nga, để tạo điều kiện thuận lợi cho các đại lý thuế hoạt động, cơ quan quản lý thuế các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí, tác dụng của đại lý thuế; xây dựng và tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nội dung quy định về chính sách thuế đối với người nộp thuế, đặc biệt là với các tổ chức làm về dịch vụ thuế; tăng cường giám sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết và luân chuyển hồ sơ thủ tục thuế.
Từ thực tế không ít DN vẫn lúng túng trong việc áp dụng các chính sách thuế, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo cán bộ và Tư vấn Tài chính - Kế toán - Thuế (CENSTAF) Trần Huy Hoàng đề xuất ban hành thêm các thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương…, qua đó góp phần giúp DN thực thi hiệu quả pháp luật về thuế.
Trước những kiến nghị của cộng đồng DN, đồng thời để triển khai Nghị quyết 35/NĐ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, Bộ Tài chính đang hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết một số giải pháp về thuế nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tới. Theo Dự thảo này, từ ngày 01/01/2017-31/12/2020, nhiều ưu đãi trong chính sách thuế TNDN sẽ được áp dụng. Đơn cử, DN khởi nghiệp, các hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ có tổng doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm sẽ được giảm mức thuế suất TNDN từ 20%/năm như hiện hành xuống 17%/năm. DN thực hiện dự án đầu tư mới về sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số, một số dịch vụ phần mềm quan trọng sẽ được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo... Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng sẽ xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với DN trong từng trường hợp cụ thể - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Vũ Khắc Liêm cho biết.
THÀNH ĐỨC