Tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong nền kinh tế

(BKTO) - Ổn định, phát triển, đạt và vượt kế hoạch… là ấn tượng về bức tranh kinh tế - xã hội năm 2019 mà Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - chia sẻ với phóng viên Báo Kiểm toán nhân dịp đầu Xuân.



♦ Thưa ông, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2019 được tạo nên bởi nhiều gam màu, trong đó nổi lên những gam màu sáng. Vậy gam màu sáng nào khiến ông cảm thấy ấn tượng?

         
   

   Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tếQuốc hội Nguyễn Đức Kiên
   
   
- Có thể nói, năm 2019 là năm thứ 3 liên tiếp chúng ta đạt các chỉ tiêu kinh tế quan trọng, đặc biệt, năm qua, Việt Nam đã xuất siêu tới 9 tỷ USD. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phức tạp với nhiều biến động, kinh tế trong nước vẫn giữ ổn định và có sự phát triển. Năm qua, tất cả các chỉ tiêu kinh tế mà chúng ta đặt ra đều đạt và vượt kế hoạch. Đó là những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội mà các tổ chức quốc tế cũng như dư luận xã hội dễ dàng cảm nhận và đánh giá.

Đứng ở góc độ trong nước, chúng ta thấy, điều hành của Chính phủ trong năm 2019 chủ động, linh hoạt hơn. Mặc dù đầu năm qua, những thông tin không thuận lợi, thậm chí thông tin xấu của tình hình thế giới phản chiếu vào kinh tế trong nước nhưng Chính phủ đã rất tự tin trong điều hành. Đến cuối năm, những định hướng và điều hành của Chính phủ về cơ bản là đúng hướng. Ít có giai đoạn nào mà Chính phủ lại tự tin trong điều hành như thế, đặc biệt là năm 2019.

♦Bên cạnh các gam màu sáng, những gam màu tối nào khiến ông còn cảm thấy băn khoăn?

- Tôi cho rằng, băn khoăn lớn nhất là chúng ta chưa chỉ ra được động lực để nền kinh tế trong 3 năm qua có thể đạt và vượt qua bao sóng gió. Có thể nói, Việt Nam đã tái cơ cấu nền kinh tế thành công cho nên mới đạt kết quả như vậy. Mặc dù chuyển dịch cơ cấu tốt song nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro. Hy vọng trong năm 2020-2021, đặc biệt là qua Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chúng ta sẽ chỉ ra cũng như khắc phục được những rủi ro tiềm ẩn này để phát triển bền vững hơn.

Bên cạnh đó, 3 năm qua, phong trào nông thôn mới của Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu. Tuy nhiên, chúng ta đang xây dựng nông thôn mới trên cơ sở tư duy của một nước vừa thoát ra khỏi nông nghiệp, trong khi thế giới đang chuyển mình sang công nghiệp 4.0. Chắc chắn mô hình này sẽ tiếp tục phát huy tác dụng trong 3 - 5 năm tới, nhưng sau 5 năm, nó có thể sẽ là lực cản cho sự phát triển nhanh của đất nước.

Thời gian qua, mặc dù nông thôn là bệ đỡ cho xã hội ổn định nhưng ổn định thì sẽ không tạo ra đột phá. Trong khi, quan trọng nhất hiện nay, năng suất lao động thấp là bởi khối này. Mặt khác, ngay từ đầu, phân bổ nguồn lực trong xã hội đã không phù hợp. Ngày xưa, Việt Nam luôn thiếu gạo nên mới dùng quỹ đất lớn cho nông nghiệp. Hiện nay, khi tỷ trọng nông nghiệp giảm, chúng ta phấn đấu giảm lĩnh vực này xuống 10% nhưng nguồn lực cho nông nghiệp thì vẫn quá lớn. Do nguồn lực đầu vào của nền kinh tế chưa phân bổ lại nên mới xảy ra tình trạng “sốt” bất động sản như vừa qua… Bởi thế, Việt Nam cần phải vượt qua nhiều khó khăn để bứt tốc đi lên.

♦Thưa ông, Ngân hàng Thế giới từng đưa ra cảnh báo về chất lượng tăng trưởng của Việt Nam dựa quá nhiều vào FDI. Ông suy nghĩ gì về điều này và dự báo như thế nào về triển vọng của nền kinh tế trong năm 2020?

- Phải khẳng định rằng, nhận định đó không sai khi kết quả thống kê cho thấy, 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam do FDI. Tuy nhiên, vấn đề ở đây, một mình Việt Nam có thể dịch chuyển được xu thế thị trường hay không khi thị trường đầu ra của các sản phẩm trên thế giới gần như đã phân chia xong.

Hiện nay, điều chúng ta mong muốn là các DN Việt Nam phải tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu và các giá trị gia tăng phải được tạo ra bởi các DN Việt Nam nhiều hơn là các DN FDI. Đấy là vấn đề chúng ta cần quan tâm. Chúng ta biết nhưng nguồn lực trong nước không có, trong khi, nếu làm theo hình thức đối tác công - tư (PPP) thì cũng gặp rất nhiều trở ngại.

Về triển vọng của nền kinh tế trong năm 2020, tôi cho rằng, nếu tình hình thế giới vẫn biến động và phức tạp nhưng chỉ giữ như năm qua với biên độ dao động không lớn hơn, cùng với điều kiện đầu vào vẫn giữ như năm 2019 thì năm nay, chúng ta có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7%. Thể chế mở hơn thì chắc chắn nền kinh tế phải khá hơn.

♦Có thể nói, thành công của một nền kinh tế không thể thiếu vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm toán. Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của KTNN đối với nền kinh tế trong năm qua?

- Năm 2019, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, đây là bước đánh dấu chuyển đổi nhận thức của Quốc hội và dư luận xã hội đối với công cụ quan trọng của Quốc hội trong giám sát nền kinh tế. Kết quả kiểm toán của KTNN đã giúp các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao ý thức giữ gìn tài sản công; đồng thời hỗ trợ các cơ quan này hoạch định chính sách cho phù hợp với diễn biến của nền kinh tế cũng như bảo toàn được vốn nhà nước; giúp nâng cao nhận thức của xã hội về ý thức chấp hành pháp luật.

♦Vậy theo ông, thời gian tới, KTNN cần phải tập trung vào những vấn đề gì để có thể tiếp tục phát huy vai trò giám sát nền kinh tế, đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra trong thời đại mới?

- Năm 2020 là năm Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN sẽ có hiệu lực. Theo đó, những vấn đề mới của Luật cần phải được quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, dự kiến trong năm nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2020-2030). Một trong những yêu cầu quan trọng trong Chiến lược là KTNN phải tự chuyển mình để phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội và thời đại. Bên cạnh kiến nghị cơ chế, chính sách đối với từng vụ việc, theo tôi, KTNN phải tập hợp tất cả kiến nghị kiểm toán trong một năm thành kiến nghị chung để trình Quốc hội tại Kỳ họp hằng năm, làm được như vậy thì vai trò và vị thế của KTNN sẽ được nâng cao.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
XUÂN HỒNG (thực hiện)
Cùng chuyên mục
Tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong nền kinh tế