Tiếp tục lan tỏa “làn gió tươi mới” trong hoạt động của Hội đồng nhân dân

(BKTO) - Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nếu như năm 2022 khẳng định đã có “làn gió tươi mới” trong hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp thì đến năm 2023 càng khẳng định "làn gió tươi mới" có phạm vi rộng hơn, lan tỏa hơn, kết quả tốt hơn và đồng đều hơn.

hue25.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: VPQH

Hoạt động của Hội đồng nhân dân ngày càng hiệu quả, sát thực

Chiều 25/3, sau một ngày làm việc, Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024, đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, với các ý kiến phong phú, xác đáng, sau Hội nghị, các HĐND có thể học tập được nhiều kinh nghiệm. Đồng thời, các kiến nghị, đề xuất là gợi ý rất tốt cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tổ chức hữu quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo chung

Điểm lại những kết quả của Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội cho biết,  Hội nghị đã khẳng định năm 2023 có thời cơ, thuận lợi, thách thức đan xen, khó khăn thách thức nhiều hơn dự báo nhưng đất nước ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng khá toàn diện, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Trong thành tích chung đó có vai trò của Quốc hội và cơ quan dân cử ở địa phương.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, khối lượng công tác HĐND năm qua là rất lớn. HĐND các tỉnh thành đã tổ chức 357 kỳ họp, cụ thể, 130 kỳ họp thường kỳ, 154 kỳ họp chuyên đề, 73 kỳ họp đột xuất. Cùng với đó là số lượng nghị quyết được HĐND ban hành cũng ở mức kỷ lục với 6.377 nghị quyết, trong số đó có 1.681 nghị quyết quy phạm pháp luật, cho thấy công tác lập pháp, lập quy của HĐND cũng rất lớn.

Trong năm 2023, có 1.332 đoàn giám sát ở 63 tỉnh, thành phố. Thông qua giám sát đã phát hiện 13.273 vấn đề vướng mắc và bất cập. Năm 2023, HĐND còn thực hiện lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu và phê chuẩn, gồm 1.700 chức danh ở cấp tỉnh và 12.028 chức danh ở cấp huyện.

Hoạt động của HĐND ngày càng hiệu quả, sát thực, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chung của địa phương. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, những địa phương có hoạt động HĐND tốt thì thu ngân sách và tăng trưởng khá, cho thấy vai trò quan trọng của cơ quan dân cử.

Hoạt động của HĐND đã bám sát quy định của pháp luật, thực hiện toàn diện các chức năng từ công tác lập pháp, lập quy đến giám sát, chất vấn, quyết định các vấn đề quan trọng, lấy phiếu tín nhiệm và các công tác khác như chuyển đổi số, công nghệ thông tin, đối ngoại…

Trong lập pháp, lập quy, các địa phương đã tích cực triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội đặc biệt là các nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù. Công tác giám sát, chất vấn có nhiều đổi mới, nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15. Công tác giám sát tại hiện trường, tái giám sát được quan tâm; công tác lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành nghiêm túc.

Cùng với đó, kỳ họp HĐND cấp tỉnh có nhiều khởi sắc. Đổi mới hoạt động của Thường trực HĐND; hoạt động của các Ban của HĐND được tăng cường nhiều hơn. Vai trò của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND được chú trọng. Qua đó cho thấy những đổi mới rõ nét và toàn diện, trong đó có nhiều mô hình mới, cách làm hay. Công tác tiếp công dân giải quyết kiến nghị cử tri được coi trọng và thực hiện tốt hơn. Số lượng vấn đề nhiều hơn, tỷ lệ giải quyết tốt hơn.

Năm 2023, qua chất vấn và giải quyết kiến nghị của cử tri đã phát hiện 13.273 vấn đề vướng mắc và bất cập tại địa phương. Các tỉnh đã tập trung giải quyết được 9.618 vấn đề bất cập này, đạt 72,44%, tốt hơn so với tỷ lệ 70,39% của năm 2022.

“Các hoạt động đều nhằm kiến tạo phát triển, rất trách nhiệm và cộng đồng trách nhiệm; có như vậy mới tháo gỡ khó khăn về thể chế” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tháo gỡ vướng mắc, khai thác tối đa nguồn lực địa phương

Bày tỏ đồng tình với các kiến nghị, đề xuất tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nhấn đề nghị HĐND tiếp tục tăng cường thực hiện chức năng của cơ quan dân cử ở địa phương để hoàn thành các nhiệm vụ của năm 2024. Trong đó, HĐND cần tập trung rà sát hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, tháo gỡ vướng mắc, khai thác tối đa nguồn lực.

qc25.jpg
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VPQH

HĐND các địa phương căn cứ các luật, nghị quyết được ban hành để có kế hoạch triển khai sâu sát các luật, nhất là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Căn cước, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, Luật Tài nguyên nước…và các nghị quyết về chính sách đặc thù, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, với nhiều nhiệm vụ được giao cho chính quyền địa phương…Đồng thời, tiến hành tổng rà soát thủ tục hành chính; rà soát thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công của nhiệm kỳ sau; tăng tốc thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó, cần đổi mới toàn diện các hoạt động của HĐND, trong đó, quan trọng nhất là đổi mới kỳ họp HĐND; tiếp tục tăng cường chất lượng kỳ họp HĐND cấp tỉnh, chú trọng hơn cho cấp huyện, cấp xã; quan tâm phát động phong trào thi đua, khen thưởng; quan tâm, khích lệ hoạt động của các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND; tăng cường công tác dân nguyện tại địa phương, tăng cường tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tổ cáo, đổi mới tiếp xúc cử tri; quan tâm công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị HĐND quan tâm quy hoạch đội ngũ cán bộ, đại biểu HĐND các cấp; giới thiệu nhân sự để tiến tới Đại hội Đảng các cấp; đóng góp tích cực xây dựng chính sách và sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; nghị quyết liên tịch về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; quy chế mẫu của HĐND; công tác rà soát Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương…/.

Cùng chuyên mục
Tiếp tục lan tỏa “làn gió tươi mới” trong hoạt động của Hội đồng nhân dân