Tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước

(BKTO) - Với 676 doanh nghiệp (DN), nắm giữ tài sản trị giá hơn 3,8 triệu tỷ đồng (tính đến đầu năm 2023), doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có vị trí then chốt, là lực lượng vật chất quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt, nhiều ý kiến cho rằng, DNNN cần được trao quyền tự chủ nhiều hơn.

10.png
Tăng quyền tự chủ để DNNN tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt. Ảnh minh họa

Một số doanh nghiệp chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực Nhà nước giao

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2023, tổng doanh thu ước thực hiện của DNNN khoảng 1,65 triệu tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch năm; trong đó doanh thu của riêng 19 tập đoàn, tổng công ty và Tập đoàn Viettel đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng doanh thu toàn bộ DNNN. Lợi nhuận trước thuế của DNNN khoảng 125.800 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm; đóng góp ngân sách nhà nước ước thực hiện khoảng 166.000 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.

Điều tôi mong muốn nhất, thông điệp tôi muốn truyền tải là DNNN phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, các ngành mới nổi; trên cơ sở đó đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và liên kết với các tập đoàn, tổng công ty nước ngoài, tập đoàn tư nhân để tạo ra chuỗi giá trị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Năm qua, các DNNN đã tập trung thực hiện các dự án đầu tư đảm bảo tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm theo kế hoạch được duyệt. Riêng 19 Tập đoàn, Tổng công ty có tổng vốn đầu tư giải ngân ước đạt 161.000 tỷ đồng so với 208.328 tỷ đồng được giao, đạt gần 80% kế hoạch năm. Nhiều dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ triển khai: Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3, 4; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Dự án mở rộng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây…

“DNNN ngày càng thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đóng góp thiết thực vào xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” - ông Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, một số DNNN chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực, vốn, tài sản Nhà nước giao, giải ngân vốn đầu tư cả năm 2023 chưa đạt kế hoạch, một số DNNN hoạt động còn thua lỗ; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số còn hạn chế; công tác đổi mới quản trị DN còn chậm, chưa tiệm cận với các nguyên tắc và thông lệ quốc tế tốt; tỷ trọng nguồn vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu chưa đạt yêu cầu...; chưa có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, nhất là trong các lĩnh vực mới như: Sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao (sản xuất chip bán dẫn, hydrogen...).

Tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp

Để DNNN tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt, Chủ tịch Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn Nguyễn Năng Toàn đề nghị cấp có thẩm quyền sớm sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, trong đó cần cụ thể hóa các quy định về vốn nhà nước, vốn của DNNN, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào DN và vốn của DNNN đầu tư vào DN khác trên cơ sở tổng thể theo mục tiêu dài hạn của DN, không tách riêng từng dự án, từng danh mục đầu tư... nhằm phát huy tính tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo của người quản lý DNNN. Đồng thời, điều chỉnh quy định về phân phối lợi nhuận của DNNN theo hướng cho phép một số DNNN kinh doanh hiệu quả trong nhiều năm liền, có các dự án đầu tư phát triển lớn, hiệu quả được chủ động giữ lại phần lợi nhuận sau thuế sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định để bổ sung vốn điều lệ phục vụ đầu tư phát triển các dự án, đảm bảo khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Phạm Đức Ấn nhấn mạnh, DNNN dám nghĩ, dám làm thì cơ chế quản lý vốn đầu tư vào DNNN cũng như hoạt động của DN cần sớm được đổi mới, trong đó tăng cường giao quyền tự chủ cho DNNN trên tinh thần chuyển quản lý hành vi sang quản lý mục tiêu, tăng cường giám sát, phát hiện, cảnh báo và xử lý vi phạm ngay từ sớm nhằm ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại. “Mục tiêu giao cho DNNN cần cụ thể hóa cho từng loại hình và từng DN, nhất là khả năng làm chủ công nghệ, sản xuất các mặt hàng thay thế nhập khẩu có giá trị gia tăng cao, tránh chỉ giao chỉ tiêu tăng trưởng kinh doanh và lợi nhuận đơn thuần. Cơ chế về bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ trong DNNN cũng cần được đổi mới triệt để” - ông Ấn đề nghị.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên kiến nghị Chính phủ hoàn thiện thể chế phát triển DNNN, cơ chế quản lý nhà nước đối với DNNN, sửa đổi Nghị định số 10/2019/NĐ-CP và các quy định về phân cấp, phân quyền, trao quyền tự chủ cho các tập đoàn, tổng công ty. Bên cạnh đó, có cơ chế đặt hàng, giao các tập đoàn, tổng công ty có năng lực, kinh nghiệm, triển khai các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, các dự án đầu tư vào những lĩnh vực và địa bàn nhạy cảm như khai thác dầu khí, điện gió ngoài khơi… “Rất cần đổi mới cơ chế quản lý DNNN theo hệ mục tiêu thay vì hệ giải pháp như hiện nay. Tăng nhiều quyền tự chủ cho DN, đồng thời cần có chiến lược để xây dựng, nuôi dưỡng phát triển các thương hiệu quốc gia, làm động lực và đầu kéo cho các DNNN, nhất là DN nhỏ và vừa phát triển” - ông Diên đề xuất.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, để DN phát triển, điều quan trọng là thị trường nhưng DN phải chứng minh rằng có sản phẩm tốt và có sức cạnh tranh. Thị trường rất quan trọng vì đánh giá sản phẩm và đánh giá nỗ lực của DN. Như người Mỹ nói “nền kinh tế trọng cung” có nghĩa rất quan trọng đầu vào, đầu cung cấp. Về thể chế, lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh giao quyền tự chủ cho DN, kể cả Luật Đấu thầu ban hành, khi gặp vướng cũng sửa ngay. Bộ trưởng cũng gợi mở các DNNN phải bàn đến kinh tế xanh, tuần hoàn và vai trò của kinh tế số. “Đối với từng ngành nghề, phải bàn tính kỹ, thiếu cơ chế phải trình Chính phủ để quyết cơ chế, vượt thẩm quyền Chính phủ thì trình Quốc hội để quyết sớm thì mới có thể phát triển hùng mạnh và bền vững. Cốt lõi của nền kinh tế là DN, DN vừa có vai trò trụ đỡ nhưng cũng là yếu tố đột phá của nền kinh tế” - ông Phớc nêu rõ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường của DNNN trong nền kinh tế; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của DNNN theo hướng nâng cao chất lượng, cụ thể là nghiên cứu, hợp tác triển khai một số dự án năng lượng, công nghệ mới theo xu hướng dịch chuyển trên thế giới, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), đồng thời đẩy mạnh các động lực mới về tăng trưởng liên quan chuyển đổi số, xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, ứng phó biến đổi khí hậu…/.

Cùng chuyên mục
Tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước