Tín hiệu tích cực trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

(BKTO) - Số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong tháng 5 tăng trưởng lớn so với các tháng trước, chi phí khám, chữa bệnh BHYT được kiểm soát hiệu quả hơn… là những tín hiệu tích cực để ngành BHXH Việt Nam phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu đề ra trong năm 2024.

16-copy.jpg
Công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT tháng 5 đạt kết quả tích cực. Ảnh: BHXH Việt Nam

Các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ

Số liệu cập nhật đến hết ngày 01/6 trên hệ thống của BHXH Việt Nam cho thấy, toàn quốc hiện có số người tham gia BHXH là 17,414 triệu người, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023; số người tham gia BHTN đạt 14,253 triệu người, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023; số người tham gia BHYT đạt 90,614 triệu người, tăng 0,02% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN ước đạt 195.495 tỷ đồng, tăng 16.376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tại Hội nghị giao ban công tác tháng 6/2024 của BHXH Việt Nam diễn ra ngày 03/6, ông Dương Văn Hào - Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, BHXH Việt Nam đã kịp thời đề ra các giải pháp để thực hiện, đôn đốc và hướng dẫn BHXH các địa phương đưa ra các giải pháp đảm bảo tính linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tháng 5 có xu hướng tích cực với số gia tăng trên 90.000 người so với tháng trước.

Đây là mức gia tăng cách biệt với tốc độ gia tăng của các tháng đầu năm (mức gia tăng dưới 60.000 người/tháng, thậm chí có tháng gia tăng rất thấp...). Đặc biệt, một số địa phương có số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN gia tăng lớn cũng là các địa phương có số lao động và số doanh nghiệp lớn như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Thanh Hóa... Đáng chú ý, nhóm tham gia BHXH tự nguyện là 1,456 triệu người, tăng 3,65% so với cùng kỳ năm 2023 là những tín hiệu tích cực trong thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH.

Liên quan đến công tác khám, chữa bệnh (KCB) BHYT, ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT - cho biết, trong tháng 5, với việc thực hiện giao ban định kỳ hằng tuần về chi phí KCB BHYT đã nâng cao hiệu quả kiểm soát chi phí KCB BHXH của các địa phương. Trong tháng qua, với số lượt KCB ổn định, chi phí bình quân cho mỗi lượt KCB đã giảm 8% so với tháng 4/2024 và giảm 5% so với tháng 3/2024. BHXH các địa phương cũng đã làm việc với các cơ sở KCB, thống nhất các chi phí không hợp lệ, không được thanh toán...

Tính đến hết tháng 5/2024, số chi thanh toán chi phí KCB BHYT là 52.819 tỷ đồng, tăng 6.182 tỷ đồng (tăng 13,26%) với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, trong tháng 5/2024, Thanh tra BHXH Việt Nam đã thành lập 2 đoàn kiểm tra cơ sở KCB có chi phí gia tăng cao tại Nghệ An và Phú Thọ. Kết quả kiểm tra tại 11 cơ sở KCB tại hai địa phương này đã phát hiện chi phí không đủ điều kiện thanh toán khoảng 18 tỷ đồng. Qua thanh tra, BHXH đã chỉ ra một số vấn đề mang tính hệ thống như: chỉ định hàng loạt dịch vụ y tế cho mọi bệnh nhân, chẩn đoán bệnh chính và rất nhiều bệnh phụ kèm theo cho bệnh nhân…

Tích cực tham gia hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Đề cập đến các giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Dương Văn Hào đề nghị, BHXH các địa phương cần tập trung hoàn thành dữ liệu về đối tượng tiềm năng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, thường xuyên cập nhật thông tin sát với thực tế, dữ liệu được cập nhật đến tận thôn, bản để vận động đúng, trúng đối tượng...

bao-hiem-y-te.jpg
BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các địa phương tích cực triển khai các giải pháp để kiểm soát hiệu quả chi phí KCB BHYT. Ảnh: hanoimoi.vn

Bên cạnh đó, thực hiện rà soát dữ liệu cho cơ quan Thuế cung cấp, phân nhóm để xác định các đối tượng cần phát triển. Nhằm nâng cao hiệu quả phát triển người tham gia, BHXH các địa phương cần phối hợp với Ban Chỉ đạo Thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn, sử dụng hiệu quả nguồn cộng tác viên tại địa bàn, nâng cao hiệu quả hoạt động các Ban Chỉ đạo tuyến huyện, xã...

Trong công tác thực hiện chính sách BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa lưu ý, tuy việc kiểm soát chi phí KCB BHYT đã có sự chuyển biến, chi phí bình quân đã giảm song so với cùng kỳ năm trước vẫn tăng do nhiều yếu tố. Vì vậy, Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến cần tiếp tục phân tích các chi phí bất thường, đưa ra các cảnh báo; yêu cầu BHXH các địa phương tích cực tham mưu, đề nghị sự vào cuộc hiệu quả và thực chất của Ban Chỉ đạo trên địa bàn để kiểm soát hiệu quả.

Cùng với đó, ông Nguyễn Đức Hòa đề nghị tiếp tục đánh giá kết quả thực hiện Luật BHYT, từ những vướng mắc, tồn đọng trong thực tiễn để đưa ra đề xuất, nhằm đảm bảo tính thực tiễn tốt nhất trong việc xây dựng Luật BHYT (sửa đổi).

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng trong tham gia xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến các chính sách BHXH, BHYT, ông Nguyễn Văn Cường- Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam - đề nghị, cần rà soát chức năng, nhiệm vụ của BHXH Việt Nam với chức năng, quyền hạn của Hội đồng quản lý trong Dự thảo Luật BHXH, qua đó đảm bảo tính thống nhất và không bị vướng mắc, chồng chéo sau khi Luật BHXH được ban hành và triển khai thực hiện. Đồng thời, khi tham mưu về cơ chế chính sách và các quy định về đầu tư các quỹ bảo hiểm và cơ chế tài chính, BHXH Việt Nam cần thống nhất, phối hợp giữa Bộ Tài chính và Hội đồng quản lý để đảm bảo các chính sách được thực hiện hiệu quả trong thực tế...

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam tiếp tục bám sát tiến độ xây dựng và tham gia hoàn thiện Luật BHXH, Luật BHYT; xây dựng các báo báo đánh giá rõ thực trạng, đề xuất sửa đổi các nội dung của luật, bảo đảm sát với yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, ngành BHXH Việt Nam cũng rà soát quy trình, quy chế nội bộ phù hợp với tình hình hiện nay.

Bên cạnh đó, BHXH các địa phương cần hoàn thành kịch bản phát triển đối tượng; phối hợp với các đơn vị liên quan tối ưu hóa các giải pháp chống lạm dụng, trục lợi các quỹ BHXH, BHYT trên cơ sở đảm bảo quyền lợi người tham gia, đặc biệt chú trọng hoạt động kiểm soát chi phí ở cấp huyện - nơi trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn... Khai thác, phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của Ngành để kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ; quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả./.

Cùng chuyên mục
Tín hiệu tích cực trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế