Thưa Tổng Kiểm toán Nhà nước, nhân dịp ngành KTNN vừa tròn 24 năm xây dựng và trưởng thành, xin Tổng Kiểm toán Nhà nước vui lòng chia sẻ với độc giả Báo Kiểm toán một vài suy nghĩ, đánh giá của mình về những thành tựu mà KTNN đã đạt được, nhất là những năm gần đây?
Trước hết, có thể khẳng định, những thành tựu mà KTNN đã đạt được sau 24 năm hình thành và phát triển là hết sức to lớn và toàn diện. Toàn Ngành đã từng bước khắc phục khó khăn, thiếu thốn ban đầu về đội ngũ nhân sự, cơ cấu tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, kỹ năng và kinh nghiệm kiểm toán... để đáp ứng nhiệm vụ được giao. Đến nay, KTNN ngày càng khẳng định rõ vai trò và vị thế của mình và có đóng góp to lớn cho đất nước.
Từ sau khi Luật KTNN 2005 được ban hành, dấu mốc đặc biệt quan trọng là ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp năm 2013 và quy định tại Điều 118 về địa vị pháp lý của KTNN “là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”. Trên cơ sở đó, ngày 24/6/2015, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật KTNN (sửa đổi), tạo hành lang pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của KTNN.Trong 24 năm qua, KTNN đã có nhiều đóng góp cho đất nước và là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong việc quản lý tài chính công, tài sản công, nhất là trong những năm gần đây, đó là công tác kiểm toán của KTNN liên tục ghi nhận những kết quả tích cực. KTNN đã có những đóng góp quan trọng vào việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công.
Tổng hợp kết quả trong 23 năm (1994-2017), KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính hàng trăm nghìn tỷ đồng; chuyển hàng chục vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra, cung cấp nhiều bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng. Đồng thời, KTNN cũng đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ hàng trăm văn bản sai quy định hoặc không còn phù hợp với thực tế. Cụ thể, năm 2016 KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 38.000 tỷ đồng và kiến nghị sửa đổi bổ sung, hủy bỏ hoặc thay thế 150 văn bản pháp luật; năm 2017, đã kiến nghị xử lý tài chính trên 91.000 tỷ đồng và kiến nghị sửa đổi bổ sung, hủy bỏ hoặc thay thế 159 văn bản pháp luật.
Đặc biệt, kết quả kiểm toán của KTNN đã cung cấp nhiều thông tin giúp Quốc hội trong quá trình xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN, quyết định dự toán NSNN; giúp HĐND các cấp thực hiện giám sát và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; giúp các Bộ, ngành cải thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng NSNN, tiền và tài sản nhà nước. Các kết luận và kiến nghị kiểm toán của KTNN đã giúp Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành thấy rõ những bất cập trong các văn bản pháp luật hiện hành cũng như những thiếu sót cần khắc phục trong việc quản lý, sử dụng NSNN để có giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật, thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong sử dụng NSNN, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý tài chính công, tài sản công; phát hiện và ngăn chặn những thất thoát, lãng phí trong chi tiêu NSNN, trong đầu tư công, trong huy động nguồn lực xã hội và DN có vốn nhà nước, góp phần tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng…
Một dấu mốc quan trọng trong hoạt động năm nay của KTNN là tháng 9 tới, lần đầu tiên KTNN Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức một kỳ đại hội của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (Đại hội ASOSAI lần thứ 14). Với cương vị là Trưởng Ban Tổ chức Đại hội, xin Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết một số nét khái quát về Đại hội, kết quả chính trong công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội cho đến nay và định hướng trong thời gian tới để hoàn thành trọng trách này?
Sau hơn 20 năm kể từ khi gia nhập ASOSAI, lần đầu tiên, KTNN Việt Nam đã được tín nhiệm, phê chuẩn là SAI (cơ quan kiểm toán tối cao) chủ nhà của Đại hội ASOSAI lần thứ 14 năm 2018 - sự kiện cấp cao có quy mô lớn nhất của ASOSAI. Đại hội sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 19 đến 22/9/2018, với chủ đề: “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”. Tham dự Đại hội có khoảng 350 đại biểu đến từ 45 cơ quan kiểm toán tối cao các quốc gia châu Á với cấp Trưởng đoàn tương đương từ Bộ trưởng trở lên; có đại diện INTOSAI (Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao), đại diện các tổ chức khu vực của INTOSAI và một số tổ chức quốc tế trong vai trò quan sát viên.
Đại hội ASOSAI 14 là sự kiện chính trị - ngoại giao có ý nghĩa hết sức quan trọng, minh chứng cho sự trưởng thành và phát triển của KTNN Việt Nam trong phạm vi khu vực và thế giới, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta và là dịp để giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đây cũng là cơ hội cho KTNN Việt Nam tiếp tục đổi mới, hoàn thiện về mọi mặt, tạo môi trường và động lực cho đội ngũ kiểm toán viên rèn luyện, tăng cường năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp trong môi trường quốc tế.
Đăng cai tổ chức Đại hội cũng đồng nghĩa với việc KTNN sẽ là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, thành viên Ban Điều hành ASOSAI giai đoạn 2015-2024. Việc đảm đương nhiệm vụ này là cơ hội quý báu để KTNN tiếp cận tri thức, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ đó tranh thủ nguồn lực quốc tế để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện về mọi mặt; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trở thành Chủ tịch của ASOSAI, KTNN Việt Nam sẽ phải thể hiện vai trò "đầu tàu" dẫn dắt các hoạt động và góp phần trong việc định hướng phát triển Tổ chức này. Vai trò này cũng giúp KTNN thêm cơ hội để hiện thực hóa việc tăng cường năng lực, mở rộng mối quan hệ với các tổ chức khu vực khác của INTOSAI.
Đảm nhiệm vai trò mới cũng là cơ hội để KTNN thể hiện cam kết của mình như một thành viên tích cực đối với cộng đồng khu vực, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho sự phát triển của ASOSAI.
Đại hội ASOSAI 14 với điểm nhấn là Tuyên bố Hà Nội sẽ thể hiện tầm nhìn dài hạn của KTNN Việt Nam với cương vị Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, đóng vai trò dẫn dắt ASOSAI trong việc xác định phương hướng, giải pháp và hành động về hoàn thiện tổ chức, tăng cường hiệu quả hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển, mang lại giá trị và lợi ích cho tất cả thành viên của ASOSAI, tiến tới hoàn thành 3 mục tiêu chiến lược phát triển của ASOSAI vào năm 2021. Kết quả của Đại hội được kỳ vọng sẽ đóng góp cho cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao khu vực và thế giới nhiều văn kiện quan trọng bao gồm các chính sách, giải pháp và công cụ hữu hiệu nhằm giải quyết vấn đề về môi trường, qua đó hoàn thiện các hướng dẫn, quy trình, chuẩn mực kiểm toán vì mục tiêu phát triển bền vững tại các quốc gia thành viên.
Nhận thức được tầm quan trọng của Đại hội ASOSAI 14, ngay từ khi chính thức được lựa chọn là SAI chủ nhà đăng cai tổ chức, KTNN đã tập trung triển khai đồng bộ công tác chuẩn bị Đại hội trên nhiều phương diện, đến nay đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc.
Từ cuối năm 2015, KTNN đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện vai trò Chủ tịch và thành viên Ban Điều hành ASOSAI giai đoạn 2015-2024 nhằm xác định mục tiêu, nhiệm vụ, huy động các nguồn lực để tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế và hiệu quả hoạt động của KTNN trong khuôn khổ ASOSAI.
Với tinh thần tích cực và chủ động, KTNN đã xây dựng và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 345/NQ-UBTVQH14 ngày 25/01/2017 về Đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14 và Nghị quyết số 346/NQ-UBTVQH14 ngày 06/02/2017 về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức Đại hội ASOSAI 14.
Trên cơ sở đó, năm 2017, Ban Chỉ đạo liên ngành và Ban Tổ chức Đại hội ASOSAI 14 cùng với 5 tiểu ban giúp việc cho Ban Tổ chức đã được thành lập. Ban Tổ chức Đại hội đã ban hành Kế hoạch tổng thể chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14, trong đó xác định rõ các nội dung công việc, hoạt động cần hoàn thành theo thứ tự thời gian. Đây là công cụ giúp Ban Tổ chức Đại hội ASOSAI 14 theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các công việc chính liên quan đến từng tiểu ban và các đơn vị.
Trên cơ sở Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch hoạt động của từng tiểu ban, các tiểu ban đã tích cực triển khai nhiều nội dung công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đến nay, các nhiệm vụ quan trọng trên các mặt: tài chính - hậu cần, lễ tân - khánh tiết, nội dung - thư ký, an ninh - y tế, thông tin - tuyên truyền đã cơ bản được hoàn thành.
Tính đến thời điểm này, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa Đại hội ASOSAI 14 sẽ chính thức diễn ra. Thời gian không còn nhiều, do đó, từ nay đến hết Đại hội, Ban Tổ chức sẽ quyết liệt huy động mọi nguồn lực, khẩn trương rà soát, tổng hợp các chương trình, kịch bản và các sự kiện liên quan phục vụ công tác tổng duyệt và điều hành tổ chức Đại hội. Bên cạnh đó, toàn Ngành cần tập trung cao độ cho việc triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 468-CT/BTV ngày 23/01/2018 về “Lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2018 và tập trung lãnh đạo tổ chức thành công Đại hội ASOSAI lần thứ 14” của Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN.
Theo đó, các đơn vị có liên quan cần phối hợp với các tiểu ban khẩn trương hoàn thành toàn diện mọi mặt công tác, đặc biệt là công tác hậu cần, cơ sở vật chất, nội dung - thư ký, công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến về Đại hội và KTNN trước, trong và sau Đại hội. Đây là điều kiện quan trọng, đảm bảo cho việc tổ chức thành công Đại hội ASOSAI 14, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với bè bạn quốc tế, qua đó góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của toàn Ngành và nâng cao uy tín, vị thế của KTNN Việt Nam trên trường quốc tế.
Kiểm toán viên nhà nước đi thực địa -Ảnh Tư liệu 2009
Bước sang tuổi 25 đầy sung sức, nhưng bối cảnh chung đang đặt ra nhiều đòi hỏi, trọng trách nặng nề đối với KTNN, xin Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết những giải pháp đột phá của Ngành trong thời gian tới nhằm thực hiện tốt trọng trách kiểm toán tài chính công, tài sản công, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững?
Giai đoạn hiện nay, KTNN xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của toàn Ngành là đẩy mạnh hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán, nâng cao chất lượng, kết quả kiểm toán để ngày càng khẳng định vị thế của cơ quan KTNN trong hệ thống nhà nước pháp quyền, xứng đáng với địa vị pháp lý đã được hiến định. Cụ thể hóa nhiệm vụ trọng tâm này, KTNN đã và đang thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ nhiều giải pháp.
Một là, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để triển khai các nhiệm vụ công tác hằng năm đảm bảo khoa học, hiệu quả; chủ động phối hợp và kịp thời cung cấp các thông tin, phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Hai là, tăng cường và thực hiện đồng bộ các giải pháp về giáo dục chính trị, tư tưởng gắn với nắm bắt tình hình, theo dõi, kiểm tra và giám sát ở tất cả các cấp quản lý. Đề cao đạo đức nghề nghiệp, coi đạo đức là sống còn và đạo đức nghề nghiệp là then chốt. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Ba là, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán bằng một số giải pháp cụ thể nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, uy tín của KTNN; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giải pháp công nghệ cao, đổi mới quy trình và hoạt động kiểm toán hướng tới chuyên nghiệp, hiệu quả. Trong đó, tập trung kiểm toán ngân sách hằng năm của các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, các Bộ, cơ quan T.Ư có quy mô lớn để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách làm căn cứ để HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN hằng năm theo quy định; tăng cường các cuộc kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin, tiếp tục mở rộng quy mô và số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động.
Đồng thời tập trung kiểm toán các chuyên đề phục vụ yêu cầu giám sát của Quốc hội và được dư luận xã hội quan tâm. Nâng cao chất lượng tham gia của KTNN với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ trong việc xem xét dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách T.Ư, phương án điều chỉnh dự toán NSNN, phương án bố trí ngân sách cho chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định và quyết toán NSNN, đặc biệt là việc trình ý kiến độc lập của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, chủ trương đầu tư các dự án quan trọng của quốc gia, phê chuẩn quyết toán NSNN.
Bốn là, KTNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, với cấp ủy và chính quyền các địa phương trong hoạt động kiểm toán, nhất là trong công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán, tập trung kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến các sai phạm được phát hiện qua hoạt động kiểm toán.
Năm là, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao trình độ ngoại ngữ để tiếp thu kiến thức, công nghệ và kinh nghiệm kiểm toán quốc tế nhằm phục vụ tốt hơn cho hoạt động kiểm toán của KTNN, bắt kịp với những xu hướng phát triển của các SAI tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Đây là yếu tố quan trọng để KTNN ngày càng tiến lên hiện đại.
Tất cả những giải pháp trên đều hướng tới việc thực hiện tốt nhất mục tiêu, sứ mệnh của KTNN là cơ quan bảo vệ luật pháp, bảo vệ sự liêm chính của toàn hệ thống quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công. Đây thực sự là trọng trách nặng nề nhưng cũng là nhiệm vụ chính trị hết sức vẻ vang, vinh quang của KTNN.
Điều kiện thuận lợi và thời cơ đang đến, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của KTNN cần tiếp tục nỗ lực chung sức xây dựng KTNN trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại. Trong đó, muốn chuyên nghiệp, hiện đại thì phải hội nhập tốt, tiếp thu được tinh hoa trong hoạt động và phát triển của bè bạn, đồng nghiệp quốc tế, đặc biệt là các SAI trong khu vực. Việc tổ chức thành công Đại hội ASOSAI lần thứ 14 sắp tới, trở thành Chủ tịch ASOSAI và thành viên Ban Điều hành ASOSAI giai đoạn 2015-2024 là thời cơ rất tốt để KTNN đạt được mục tiêu đó. Xin trân trọng cảm ơn Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Xuất phát điểm ban đầu KTNN chỉ có 5 đơn vị, đến nay, tổ chức bộ máy của KTNN đã phát triển lên 32 đơn vị cấp vụ và tương đương. Song song với việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, đội ngũ của KTNN cũng có sự phát triển vượt bậc. Khi mới thành lập chỉ có 60 người, nhưng hiện tại, KTNN đã có 2.303 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, trong đó có 1.500 kiểm toán viên. |
HỒNG THOAN - NGỌC MAI (thực hiện)
Theo Báo Kiểm toán số 27-28 ra ngày 10/7/2018
Theo Báo Kiểm toán số 27-28 ra ngày 10/7/2018